Có nhiều cách chế biến khác nhau nhưng người dân thường ăn trứng luộc trong 20-30 phút, cho gia vị, ăn kèm với gừng, rau răm, dưa góp. Nước tiết ra từ trứng cũng khá thơm ngon.
Tác dụng của trứng vịt lộn
Theo Ủy ban Dinh dưỡng Quốc gia Philippines, trứng vịt lộn là nguồn protein rẻ và dễ tiếp cận ở Đông Nam Á. Một quả chứa 188 calo, 14g protein, 14,2g chất béo, 116mg canxi và 2,1mg sắt.
Ngoài ra, chúng chứa đầy canxi, sắt và phốt pho, vitamin C và beta-carotene, hai chất chống oxy hóa mạnh hỗ trợ hệ miễn dịch bằng cách loại bỏ các gốc tự do khỏi máu. Trứng cũng chứa niacin, riboflavin và thiamine, hỗ trợ chuyển hóa năng lượng.
Cả nam giới và phụ nữ đều có thể ăn trứng vịt lộn, tuy nhiên người ta tin rằng đối với phụ nữ, loại thực phẩm này đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn.
Đối với nam giới, hàm lượng protein cao trong trứng vịt lộn tạo ra một lượng nhiệt lớn khắp cơ thể, thậm chí ở Philippines, người dân gọi đó là Viagra. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu khoa học đáng tin cậy nào chứng minh điều đó.
Tác dụng của gia vị ăn kèm
Khi ăn trứng vịt lộn luộc, người dân Việt Nam thường ăn kèm với một số gia vị khác.
Gừng tươi có tác dụng khử mùi tanh, giúp món ăn ngon hơn. Gừng có vị cay, hướng vào ba kinh phế, tỳ và vị; có công dụng phát biểu tán hàn, ôn trung, tiêu đờm, hành thủy giải độc. Do những tác dụng này, gừng tươi làm giảm các triệu chứng phong hàn cảm cúm.
Rau răm có tác dụng trừ hàn, tiêu thực, sáng mắt, sát trùng, ấm bụng, chữa đầy bụng khó tiêu…
Ai không nên ăn?
Tuy nhiên, chỉ lòng đỏ của quả trứng vịt lộn đã chứa khoảng 359mg cholesterol cao hơn mức khuyến nghị 300mg mỗi ngày của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA).
Ngoài ra, theo thông tin từ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), ăn nhiều rau răm sẽ sinh nóng rét, giảm khả năng tình dục ở nam giới. Một số nghiên cứu cho thấy rau răm chứa một số tinh dầu và vài chất ức chế dục tính. Phụ nữ trong giai đoạn kinh kỳ ăn nhiều rau răm sống dễ sinh rong huyết.
Phụ nữ đang mang thai cũng không nên ăn nhiều rau răm vì sẽ ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.
Tương tự như vậy, nếu ăn nhiều gừng có thể gây ợ chua, tiêu chảy, khó chịu ở dạ dày. Theo BBC Goodfood, một số người nên hạn chế ăn gừng nếu có tiền sử sỏi thận chứa oxalat, đang dùng thuốc huyết áp.
Bởi vậy, trẻ em chỉ nên ăn tối đa một quả/ngày; người lớn ăn tối đa hai quả/ngày.