Những người hiếu khách
Bé Nguyễn Thanh Phong (7 tuổi), nhoáng cái lại chạy vào trong bếp, rón rén mang đồ lưu niệm tặng cho khách đến chơi nhà. Ở Đá Tây A, khách đến nhà chỉ có mùa, hoặc trong những ngày tháng Tư, tháng Năm biển lặng, hoặc vào dịp Tết nên các cô, cậu bé rất vồn vã chào đón khách. Phong ít nói, chỉ nhoẻn miệng cười, nhưng nụ cười rắn rỏi của làn da sạm màu sương gió khiến cho những người đặt chân tới đảo này càng thêm yêu những đứa trẻ trên đảo nhỏ.
Những ngôi nhà của người dân huyện đảo Trường Sa được xây dựng kiên cố, rộng rãi, bất chấp với thời tiết khắc nghiệt nơi đây. Những đứa trẻ, dưới tán cây bàng vuông mát rượi, vẫn ngày ngày ríu rít bên nhau, nuôi dưỡng tuổi thơ bằng những câu hát về biển, những bài văn thơ về chủ quyền biển đảo. Chúng vẫn luôn ngước nhìn về nơi canh gác của các chiến sĩ, với một sự ngưỡng mộ bản năng.
Xởi lởi mang ốc ra tặng các cô chú, bé Thái Thanh Trúc (con gái chị Vi Thu Trang) cười bẽn lẽn bảo, cháu rất thích được phụ giúp mẹ làm những đồ lưu niệm này. Hy vọng những cô, chú lên đảo sẽ luôn có được tình cảm đặc biệt từ chúng con.
Cậu bé hiếu khách dành tặng món quà quý từ biển đảo cho các chú trong đoàn công tác.
Đó không phải là hy vọng nữa, mà là tình cảm thật sự chan chứa trái tim đã làm bước chân chúng tôi trở nên bịn rịn. Ngôi nhà của Trang rất ngăn nắp. Người phụ nữ 42 tuổi này đã đủ trải nghiệm với cuộc sống biển đảo nên mỗi lần có đoàn công tác đến thăm, những ly nước mát lạnh, những món quà lưu niệm được Trang rất công phu bày biện để chiều lòng khách.
“Từ đầu tháng 4 đến giờ, đã có nhiều đoàn ra thăm đảo. Ở đây, mọi thứ không thiếu gì, chỉ thiếu tình cảm để giúp các chiến sĩ trẻ dần dần quen nếp sống, quen nỗi buồn xa gia đình, bạn bè. Mọi người ở đây đều trở thành người thân của nhau”, Trang kể.
Chị Vi Thu Trang đã có hơn 6 năm sinh sống tại các đảo thuộc Huyện đảo Trường Sa.
Đã có nhiều năm sống ở đảo Song Tử Tây, chị Vi Thu Trang đã thấy mình trở nên gắn bó với biển đảo xa xôi. Chị bàn với chồng Thái Minh Khang quyết định ở lại đảo, nhưng lần này, nơi vợ chồng chị đặt chân tới là đảo Đá Tây A. Ngày nhận ngôi nhà mới, thay vì sự ngỡ ngàng ban đầu của nhiều hộ dân mới, chị Trang đã nhanh chóng bắt tay vào thiết lập cuộc sống mới ở đảo.
Vốn quen với sự khắc nghiệt của thời tiết và quen với cuộc sống trợ giúp các chú bộ đội xa nhà, các chị em nơi đây đều luôn có những hoạt động đồng hành với các chiến sĩ để vơi đi nỗi nhớ nhà.
Nói rồi, Trang mở từng bức ảnh cho chúng tôi xem các hoạt động tổ chức giao lưu văn nghệ, phát động trồng cây xanh trên đảo, nấu chè, làm bánh mời các chiến sĩ trẻ trên đảo cùng giao lưu vào dịp cuối tuần.
Những cô, cậu bé hiếu khách trên đảo Đá Tây A.
Mới đầu, nhiều hộ dân chưa quen trồng rau, cứ chiều chiều theo các chiến sĩ đi tăng gia để học hỏi. Khi rau xanh ngút mắt ở góc nhà, ăn không hết, các hộ gia đình cũng chia sẻ với các đồng chí lính đảo.
Tiết kiệm nước tối đa, tiết kiệm điện tối đa, nên mọi thứ sinh hoạt ở đảo đều phải tính toán kỹ lưỡng. Tất cả nước rửa rau, vo gạo đều được tích trữ để tưới rau.
Đến mùa khô như tháng 4 này, chị đi tìm lá cây phong ba, bão táp băm ra ủ nước tưới cây cho tốt, mát cho gốc, khắc phục với sự khắc nghiệt khô cằn ở đảo. Để cây rau, củ quả thích nghi cuộc sống trên đảo, không rơi vào cảnh sáng tươi, chiều lụi, chị em còn truyền tai nhau kinh nghiệm từ các chiến sĩ là sáng phải rửa từng lá, xịt lớp nước mỏng cho trôi đi hơi mặn của biển, chiều mới tưới nước.
Đảo Sinh Tồn, vườn rau xanh mướt được quây kín rất quy mô phía cuối đảo để hạn chế sự tác động của thời tiết lên rau xanh. Trên đảo có giếng khoan nhỏ, cũng đủ nước ngọt cho dân cư sinh hoạt.
Vườn cây rau xanh mướt do chính người dân tại đảo trồng trọt.
“Chúng tôi muốn trở thành công dân có ích tại đảo”
Kế bên nhà chị Vi Thu Trang, căn nhà của chị Hồ Thị Bích Liên 32 tuổi, chồng Nguyễn Thành Long 33 tuổi cũng rộn ràng đón khách. Mang theo 2 con, cháu lớn lớp 2, cháu nhỏ hơn 2 tuổi ra đảo xây dựng cuộc sống gần một năm qua, Liên và Long là những công dân mới của đảo nhỏ.
Bởi vậy, vợ chồng cô ban đầu còn rất bỡ ngỡ, từ việc thích nghi với cuộc sống biển đảo, cho tới việc tạo sinh khí cho ngôi nhà mới với những luống rau được trồng thẳng thớm sau này.
Liên kể, cuộc sống ở đây tuy thời tiết khắc nghiệt, nhưng mọi người đều nỗ lực khắc phục khó khăn. 2 tháng một lần, tàu chở đồ từ đất liền, các gia đình đều được cung cấp đủ đầy mọi thứ nhu yếu phẩm. Đồ tươi luôn sẵn có mỗi khi ngư dân cập bờ. Lúc đầu, chưa quen với trồng rau, cứ trồng cây nào, lụi cây ấy. Với sự giúp đỡ của các chiến sĩ trẻ, sau bao vụ hư cây giống, Liên cũng đã biết trồng rau để tự cung, tự cấp.
Chị Hồ Thị Bích Liên 32 tuổi, chồng Nguyễn Thành Long 33 tuổi tại đảo Đá Tây A.
Chồng đi lính từ 2012-2014, cưới nhau 9 năm, đăng ký rồi cũng tới lượt ra đảo.
“Tôi mới ở gần một năm nhưng đã thấy rất gắn bó. Nếu được, tôi muốn ở lại đây lâu dài”, Liên tâm sự.
Hàng ngày, ngoài việc con lên lớp, mỗi ngày ở nhà, chị đều cố gắng bật tivi xem các kênh dạy học để đồng hành cùng con, nhất là môn tiếng Anh.
Như một thói quen vào những ngày tháng 4, 5 này khi liên tiếp có các đoàn khách ghé thăm, từ 5 giờ sáng, chị Trần Thị Thu Huyền (sinh năm 1991), hộ dân số 7, xã đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đã cùng chị em chuẩn bị trang phục áo dài để đón đoàn công tác. Mỗi ngày, các chị lại mang đến những tiết mục văn nghệ đặc sắc để đón đoàn công tác.
Tôi mới ở gần một năm nhưng đã thấy rất gắn bó. Nếu được, tôi muốn ở lại đây lâu dài - Hồ Thị Bích Liên
Lớn lên ở Nam Định, theo chồng là lính hải quân vào Nha Trang, chị Huyền và chồng hứa hẹn với nhau một dịp gần nhất ra huyện đảo Trường Sa sinh sống. “Chúng tôi muốn trở thành công dân có ích tại đảo”, Huyền tâm sự. Chỉ vài năm sau đó, ước mơ của anh chị đã thành sự thật. Chồng chị Huyền kiêm thêm nhiệm vụ trưởng quân dân tự vệ xã Sinh Tồn.
Chị Huyền tâm sự: “Đảo Sinh Tồn là ngôi nhà thứ 2 của tôi”.
Ở xã Sinh Tồn được gần 1 năm, với chị Huyền cuộc sống thật sự có nhiều dấu ấn trong cuộc đời mình. “Mới đầu cuộc sống có bỡ ngỡ, nhưng với kinh nghiệm truyền lại của nhiều gia đình, sự giúp đỡ của cán bộ chiến sĩ trên đảo, chúng tôi đã bắt nhịp cuộc sống”, Huyền nhoẻn miệng cười kể rồi tiếp lời: “Đảo Sinh Tồn là ngôi nhà thứ 2 của tôi”.
Nói rồi, tranh thủ trước giờ biểu diễn chào mừng văn nghệ, Huyền dẫn tôi đi xem khu vườn xanh mướt mà gia đình chị cùng các hộ dân trồng ở phía sau trụ sở Ủy ban xã. Khu vườn được chính quyền địa phương và các chiến sĩ ở đảo Sinh Tồn dựng từ nhiều năm trước với những mái che bằng lưới nan để bảo đảm che chắn tốt cho cây xanh trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt tại đây.
Để giúp cây xanh phát triển tốt khi nắng hạn, nguồn nước hạn chế, chị Huyền và chị em bảo ban nhau băm nhỏ những lá cây xanh khác để tạo phân bón, giữ ẩm cho đất.
Vườn rau xanh mát trên đảo Trường Sa, Đá Tây A, Sinh Tồn...
Mỗi ngày, các hộ dân nơi đây vừa chăm lo cho gia đình, lo cho các cháu nhỏ, vừa sẵn sàng chung tay với cán bộ, chiến sĩ để bảo vệ biển đảo quê hương.
Tăng gia sản xuất, ngoài trồng các loại rau muống, mùng tơi, mướp… chị Huyền còn khéo nuôi được cả gà, ngan, vịt để có thức ăn tươi và lấy trứng nâng cao dinh dưỡng cho con hàng ngày.
Những món quà đặc biệt từ biển đảo
Phía kệ tivi của các hộ dân đảo Trường Sa, ấn tượng với bất kỳ đoàn công tác nào tới đảo, cũng chính là những món quà lưu niệm khắc chữ Trường Sa, Song Tử, Đá Tây A… được tạo dựng hình khối rất công phu từ những vỏ sò, vỏ ốc nhặt được ven biển.
Vi Thu Trang kể, mỗi ngày, chị em trong xã đều vận động nhau đi tập thể dục, tranh thủ nhặt những con ốc đẹp về để ghép thành các sản phẩm nghệ thuật độc đáo, tặng cho khách đến chơi nhà.
Đảo Sinh Tồn là ngôi nhà thứ 2 của tôi - Trần Thị Thu Huyền
Mỗi sản phẩm, Trang mất 1 giờ để hoàn thành. Việc làm thủ công không khó, chỉ cần tỉ mẩn, cái khó là làm sao phải có ý tưởng tạo ra những sản phẩm độc đáo khác nhau.
Nói rồi, chị nhìn hai đứa con kháu khỉnh của mình cười bảo, các cháu lớn lên ở biển đảo, có sự rắn rỏi và cũng rất kỷ luật. “Chúng tôi nói với con ra đây là điều vinh hạnh và tự hào. Ra đây, nhìn các chú bộ đội, các con được học cách sống, tác phong kỷ luật của các chú nên các cháu rất ngoan, kỷ cương, lễ phép”, Trang kể.
Chị Vi Thu Trang nồng nhiệt đón khách và dành tặng khách quý các món quà do chính tay chị và con gái kết tặng.
Trên đảo Sinh Tồn, ngoài công việc chăm sóc gia đình hằng ngày, các chị em sẽ tổ chức sinh hoạt 1 tuần/tối để trao đổi về kinh nghiệm cuộc sống về những mô hình làm hay, làm tốt.
Những lúc rảnh rỗi, chị Trần Thị Thu Huyền (hộ dân số 7, xã đảo Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) cùng các chị em tranh thủ lôi những bức tranh hoa bàng vuông được in sẵn gửi từ đất liền ra để thêu. “Nếu hữu duyên bức tranh kịp hoàn thành đúng dịp gặp đoàn công tác nào, tôi sẽ tặng lại như một món quà kỷ niệm”, chị Huyền chia sẻ.
Ngoài ra, chị em trên đảo cũng tranh thủ kiếm những vỏ ốc, vỏ sò, kết thành món quà lưu niệm độc đáo từ biển đảo dành tặng du khách. Những cây bàng vuông được ươm trong những vỏ hộp sữa, vỏ sắt... cũng trở thành món quà quý với những đoàn khách đến đảo mùa này.
Là người phụ nữ duy nhất hiện có bầu trên đảo Trường Sa, sản phụ Lê Thị Hoài Trâm (sinh năm 1988) chỉ chờ chừng 2 tháng nữa vào bờ sinh em bé. Con trai lớn của cô mới 2 tuổi nhưng trở thành tâm điểm ở đảo này khi rất kháu khỉnh và nói rất sõi. Được sự quan tâm đặc biệt của y tế tại đảo Trường Sa và các đoàn khách thường xuyên tới thăm, Trâm cho biết cô rất yên tâm khi mang thai, vì được thăm hỏi, chăm sóc thường xuyên tại Trung tâm y tế huyện đảo Trường Sa và từ đất liền.
Gia đình chị Lê Thị Hoài Trâm.
Tại biển đảo, cuộc sống trở nên sinh động khi âm thanh của cuộc sống gia đình, trẻ nhỏ hiện hữu nơi đây. Những dịp lễ, tết, các chị em và các cháu múa hát giao lưu, giúp các chú vơi đi nỗi nhớ nhà. Mỗi hộ dân đều kết nghĩa với từng đơn vị trên đảo, đến ngày sinh nhật, chị em sẽ làm bánh, làm thạch, nấu chè... để mời các đơn vị, làm ấm lòng các chiến sĩ không có hậu phương bên cạnh.
Chiều muộn, bên cổng thị trấn Trường Sa, nơi hàng chục thuyền ngư dân neo đậu thường xuyên, các gia đình quây quần dưới gốc tán cây bàng vuông, rôm rả nói chuyện, uống nước đỗ đen mát lạnh, ăn miếng thạch vừa kịp đông mát… Những đứa trẻ chạy nhảy, cười đùa rôm rả bình yên trên cầu cảng, cho nhau miếng bánh ngon, những món đồ chơi hiếm hoi tìm thấy ở đảo vừa được các cô, chú tặng. Nhìn ngắm lũ trẻ, ông xã chị Trâm cười rạng rỡ bảo: “Hồi còn ở đất liền, trẻ con bị ho, bệnh sởi và nhiều bệnh liên miên. Nhưng khi ra đảo, khí hậu tuyệt vời nên các con ít bệnh”.
Những đứa trẻ lớn khôn tại đây luôn có tình yêu mãnh liệt với biển đảo.
Quần đảo Trường Sa, nơi tôi được đặt chân tới, tình cảm đón tiếp nồng hậu của quân, dân trên đảo khiến chúng tôi càng có thêm niềm tin vào những người con yêu biển đảo và sẵn sàng dấn thân vì biển đảo quê hương Tổ quốc. Tôi sẽ không thể quên nụ cười rạng rỡ của chị Đặng Thị Báu (Ninh Hòa, Nha Trang) bẽn lẽn bên chồng vốn là bộ đội hoàn thành nghĩa vụ quân sự bảo “Ra đảo cuộc sống vui hơn, mát mẻ hơn”.
Càng không quên cái nắm tay thật chặt, bịn rịn vào lúc màn đêm buông trên đảo Trường Sa khi chúng tôi phải rời tàu tiếp nối hành trình tới nhà giàn. Họ đứng mãi ở cầu cảng hát, vẫy tay, bật đèn flash điện thoại tiễn biệt chúng tôi cho tới khi bóng con tàu KN390 đi xa khuất, chỉ còn đốm sáng trên biển…
Những em bé trên đảo Trường Sa.
Học sinh mầm non tại đảo Sinh Tồn.
Tuổi thơ bình yên bên cầu cảng thị trấn Trường Sa.
Con trai chị Lê Thị Hoài Trâm mới 2 tuổi nhưng nói rất sõi và cậu bé luôn mang đến sự vui vẻ cho các chiến sĩ nơi đây, vơi đi nỗi nhớ nhà.
Những ngôi nhà xanh mướt vườn rau tại đảo Trường Sa.
Theo THIÊN LAM (Báo Nhân Dân)