Truy nã đặc biệt các bị can vụ “Khủng bố” ở Đắk Lắk
Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định truy nã 5 bị can trong vụ “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” tại Đắk Lắk.
Cảnh sát Cơ động, Cảnh sát đặc nhiệm, Công an tỉnh Đắk Lắk, lực lượng đặc nhiệm Quân khu 5 phối hợp triển khai phương án vây bắt các đối tượng khủng bố. Ảnh: Phan Anh Dũng/TTXVN
Các bị can bị truy nã đều trú tại tỉnh Đắk Lắk, gồm: Y Jũ Niê (sinh năm 1968, buôn Kang, xã Ea Knuêc, huyện Krông Pắc); Y Khing Liêng (sinh năm 1992, buôn Ja, xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông); Nay Tam (sinh năm 1974, buôn Adrơng Điết, xã Cư Pơng), Nay Yên (sinh năm 1970, buôn Ea Klok, xã Cư Pơng) và Nay Dương (sinh năm 1968, buôn Ea Klok, xã Cư Pơng), cùng ở huyện Krông Búk.
Trước đó, các đối tượng trên đã bị Cơ quan An ninh điều tra, Công an tỉnh Đắk Lắk khởi tố bị can với tội danh “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân” theo Điều 113 Bộ luật Hình sự năm 2015. Các bị can đã trốn từ ngày 11/6/2023.
Theo các quyết định truy nã, bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người đang bị truy nã đến cơ quan Công an, Viện Kiểm sát hoặc UBND nơi gần nhất. Sau khi bắt hoặc tiếp nhận đối tượng truy nã phải báo ngay cho Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk; địa chỉ: 58 Nguyễn Tất Thành, phường Tự An, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk; điện thoại 0694389133.
Liên quan đến vụ việc, vào rạng sáng 11/6, nhóm đối tượng đã tấn công vào trụ sở UBND xã Ea Tiêu và xã Ea Ktur (trong đó có khu vực làm việc của Công an xã) thuộc huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk làm 9 người chết, 2 người bị thương.
Tước quân tịch, khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự 3 chiến sĩ công an bắn dê của dân
Vụ việc 3 chiến sĩ Công an thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức (Hà Nội), gồm: Đại úy Nguyễn Văn Nhân, Thượng úy Bùi Đình Việt và Thượng úy Bùi Tiến Tùng, có hành vi vi phạm pháp luật - bắn chết 2 con dê của người dân, xảy ra ngày 26/6 ở khu vực núi Mào Gà (ở thôn Ái Nàng, xã An Phú, huyện Mỹ Đức), đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân, gây bất bình trong dư luận.
Ba chiến sĩ công an liên quan tới vụ "trộm dê" làm việc với lực lượng chức năng sau khi bị người dân giữ lại.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, Trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội đã chỉ đạo xử lý, giải quyết vụ việc rất kịp thời, nghiêm khắc, với hình thức: Tước quân tịch, khởi tố vụ án, tạm giữ hình sự để điều tra hành vi trộm cắp tài sản. Người đứng đầu Công an thành phố còn chỉ đạo, yêu cầu chỉ huy Công an huyện đến tận nhà người dân xin lỗi, thể hiện tinh thần cầu thị, lễ phép, tôn trọng nhân dân, được dư luận đồng tình.
Việc 3 cựu chiến sĩ Công an kể trên bắn chết dê của người dân, rồi mang lên xe là hành động không thể chấp nhận, là vi phạm pháp luật. Hơn ai hết, người chiến sĩ Công an phải nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đấu tranh cho lẽ phải, bảo vệ công lý; giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Tổ quốc và cuộc sống bình yên của nhân dân; không được phép xâm hại tài sản của cá nhân, Nhà nước… dù chỉ là rất nhỏ.
Với các chứng cứ rõ ràng, 3 chiến sỹ Công an thị trấn Đại Nghĩa đã bị xử lý nghiêm khắc, nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định của pháp luật.
Thủ tướng chỉ đạo tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại Lâm Đồng
Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 591/CĐ-TTg về tập trung khắc phục hậu quả sạt lở đất tại tỉnh Lâm Đồng và chủ động ứng phó sạt lở trong mùa mưa lũ.
Hiện trường vụ sạt lở ở Đà lạt (Lâm Đồng) khiến nhiều ngôi nhà bị ảnh hưởng. Ảnh: Chu Quốc Hùng/TTXVN
Công điện nêu rõ, trong những ngày qua, một số địa phương khu vực miền núi phía Bắc và khu vực Tây Nguyên đã xảy ra mưa lớn, gây sạt lở đất, lũ quét cục bộ. Sáng sớm 29/6/2023, vụ sạt lở xảy ra tại thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng làm 2 người bị vùi lấp, một số người bị thương, nhà cửa của người dân bị hư hại. Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc nhất tới thân nhân gia đình có người bị nạn.
Để khẩn trương khắc phục hậu quả vụ sạt lở nêu trên và chủ động bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng trong mùa mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiến cứu nạn tập trung chỉ đạo, chủ động triển khai công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai.
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả vụ sạt lở đất nêu trên; tổ chức cứu chữa người bị thương; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, nhất là gia đình có người bị nạn; chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, đánh giá, xác định cụ thể nguyên nhân xảy ra sự cố sạt lở để rút kinh nghiệm, tránh xảy ra các sự cố sạt lở tương tự, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý đất đai và hoạt động xây dựng (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật.
Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan chức năng và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai tại cơ sở chủ động rà soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn kéo dài, nhất là các khu dân cư, trường học, trụ sở cơ quan, doanh trại, công trường, hầm mỏ để chủ động sơ tán, di dời và có phương án bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho người dân...
Theo V.T (Báo Tin tức)