Truyền cảm hứng cho người trẻ khởi nghiệp

11/02/2021 - 06:36

 - Những năm qua, hoạt động khởi nghiệp ở An Giang phát triển mạnh mẽ, với nhiều chương trình ươm mầm, dự án hỗ trợ vốn, sở hữu trí tuệ… Qua đó, đã khơi gợi được khát vọng, cũng như giúp những người trẻ thêm vững tin trên con đường khởi nghiệp (start-up). Tất cả như một hành trình truyền cảm hứng với những minh chứng từ thực tiễn đã và đang giúp các bạn trẻ “bước ra giới hạn an toàn”, sẵn sàng khẳng định bản thân.

“Chắp cánh” cho những ước mơ

Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp phát triển mạnh mẽ, lan tỏa trên khắp cả nước. Từ sự chỉ đạo của Trung ương, địa phương, đặc biệt là các cấp bộ Đoàn, Hội đã phát huy vai trò nòng cốt trong tạo lập môi trường thuận lợi, thúc đẩy, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Với việc thành lập Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh, cùng sự ra đời của các cuộc thi  “Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang”, quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, “Cửa hàng cung cấp sản phẩm khởi nghiệp thanh niên và đặc sản địa phương”... đã và đang mở ra cơ hội lớn đối với thanh niên An Giang trong hành trình khẳng định bản thân.

Việc được truyền cảm hứng trong khởi nghiệp thật sự rất quan trọng, vì khi có người dẫn đường sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian “dò đường”

Theo Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp tỉnh Nguyễn Phượng Thư, từ khi thành lập đến nay, trung tâm thực hiện hỗ trợ thanh niên ở các địa phương khởi nghiệp về mọi mặt (kiến thức, kỹ năng, kết nối và hỗ trợ vốn vay ưu đãi). Những hoạt động trung tâm đảm nhiệm đều với mục đích “truyền lửa” cho thanh niên làm kinh tế, lập nghiệp.  “Với sức trẻ của mình, các bạn thanh niên nêu cao tinh thần dám nghĩ, dám làm. Cho dù có thất bại cũng là điểm khởi đầu cho cơ hội mới vững vàng hơn” - chị Thư kỳ vọng.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng hầu như ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, hoạt động khởi nghiệp lại càng khó khăn nhiều hơn. Tuy nhiên, với tinh thần không ngại khó, cố gắng trong mọi hoàn cảnh, trung tâm luôn cố gắng khích lệ tinh thần, không để hoạt động khởi nghiệp của thanh niên tỉnh nhà chững lại. Năm nay, từ nguồn quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh đã hỗ trợ cho 11 dự án khởi nghiệp, với tổng số tiền 530 triệu đồng. Đồng thời, tuổi trẻ An Giang đã đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi khởi nghiệp: giải ba cuộc thi STARTUP WHEEL 2020 do BSSC tổ chức, giải ba cuộc thi “Khởi nghiệp ĐBSCL năm 2020” do VCCI Cần Thơ tổ chức…

Khi người trẻ dấn thân

Nhiều người trẻ đã sẵn sàng bước ra khỏi “giới hạn an toàn”, với mong muốn khẳng định bản thân bằng việc khởi sự kinh doanh. Họ chấp nhận thử thách bản thân từ những ý tưởng đã nung nấu, ấp ủ, với mong muốn thay đổi cuộc sống, cải thiện thu nhập. Bạn Võ Thanh Tâm (Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Khởi nghiệp Tri Tôn) là một điển hình cho thế hệ thanh niên trẻ đầy nhiệt huyết đam mê và có lý tưởng.

Những ý tưởng sáng tạo mới trong khởi nghiệp kinh doanh sẽ để lại ấn tượng tốt đẹp trong mắt của khách hàng

Trước đây, Tâm từng thành lập công ty dịch vụ việc làm, gắn kết người lao động với doanh nghiệp; tham gia hỗ trợ Tỉnh đoàn thành lập CLB Sáng tạo khởi nghiệp An Giang... Từ những kinh nghiệm “xương máu” có được, Tâm đã tìm đến Tri Tôn, cùng với những người bạn có chung đam mê bắt đầu xây dựng một hành trình khởi nghiệp ở vùng đất Bảy Núi.

Trước khi ra mắt, Tâm và các bạn trong CLB Khởi nghiệp Tri Tôn và Ban Thường vụ Huyện đoàn Tri Tôn có sự chuẩn bị kỹ từ cơ cấu nhân sự, hướng đi, tầm nhìn, sứ mệnh sẽ thực hiện... Song song đó, Tâm đứng ra thành lập Cửa hàng Dakydo sản vật miền Tây (Công ty TNHH Dakydo) ngay tại thị trấn Tri Tôn. Đúng như tên gọi, Cửa hàng Dakydo chuyên cung cấp các đặc sản, sản phẩm làng nghề ở các địa phương trong và ngoài tỉnh.

Tại đây, bán các loại: lạp xưởng bò, khô bò lá chúc của Tân Châu, mật nho rừng Tri Tôn, đường thốt nốt, các sản phẩm mắm của Châu Đốc... Theo Tâm, cửa hàng này là do Tâm đăng ký kinh doanh để có tư cách pháp nhân, tiện việc phân phối sản phẩm khởi nghiệp ra thị trường.

Không chỉ bán tại cửa hàng, Tâm còn giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội, các trang thương mại điện tử. Tâm chú trọng vào việc sự khác biệt từ hình ảnh, cảm xúc, trải nghiệm chất lượng sản phẩm và các chương trình chăm sóc khách hàng. “Chẳng hạn, khi bán tinh dầu chúc, mình còn đặt hàng các sản phẩm cà ràng mi-ni từ Làng nghề gốm Phnôm Pi của bà con dân tộc thiểu số Khmer xã Châu Lăng (Tri Tôn) để đi kèm. Như vậy, vừa tạo ra hình ảnh đẹp cho sản phẩm, được khách hàng rất thích thú, vừa giúp bà con ở làng nghề có thêm thu nhập” - Tâm chia sẻ.

Có thể xuất phát điểm, sự lựa chọn con đường khởi nghiệp không giống nhau, nhưng muốn khởi nghiệp thành công luôn đòi hỏi các bạn trẻ có niềm đam mê, phấn đấu hết mình với tinh thần lao động nghiêm túc.

ÁNH NGUYÊN

 

Liên kết hữu ích