Nằm ở địa đầu biên giới Tây Nam, An Giang là một trong 4 tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm của ĐBSCL. Trải qua lịch sử 193 năm hình thành và phát triển, vùng đất và con người An Giang đã không ngừng bồi đắp, làm phong phú thêm những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, miệt mài sáng tạo những thành quả mới để khẳng định vị thế trên bản đồ đất nước. Suốt chiều dài lịch sử khai phá vùng đất An Giang, từ buổi đầu mở mang bờ cõi, đến nay An Giang là vùng đất biên thùy trọng yếu phía Tây Nam của Tổ quốc. Quá trình khẩn hoang, khai phá vùng đất này gắn liền các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong từng thời kỳ lịch sử, quân và dân An Giang luôn nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết, đồng lòng khắc phục mọi khó khăn, gian khổ, cùng nhau chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì sự bình yên và hạnh phúc của Nhân dân.
Vào các năm 1833 và 1842, quân và dân An Giang góp công chiến đấu tiêu diệt quân Xiêm xâm lược. Năm 1867, thực dân Pháp chiếm thành Châu Đốc, Nhân dân An Giang tiếp tục đứng lên đấu tranh. Đầu tháng 4/1930, Chi bộ Đảng đầu tiên của Long Xuyên - Châu Đốc được thành lập ở Long Điền (huyện Chợ Mới). An Giang còn tham gia tích cực vào thành công của Cách mạng Tháng Tám; đánh đuổi thực dân Pháp tái xâm lược Việt Nam (giai đoạn 1945 - 1954). Quân và dân An Giang hy sinh sức người, sức của trường kỳ kháng chiến chống Mỹ, làm nên đại thắng mùa Xuân 1975; bảo vệ biên giới Tây Nam và giúp Nhân dân Campuchia thoát nạn diệt chủng Pol-Pot.
Lễ hội Vía bà Chúa xứ Núi Sam được UNESCO công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại là niềm vinh dự, tự hào của An Giang
An Giang có 90 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, trong đó có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 28 di tích cấp quốc gia và 60 di tích cấp tỉnh; có 8 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia của cộng đồng các dân tộc; trên 160 lễ hội truyền thống, chứa đựng những giá trị khoa học, lịch sử, văn hóa, tạo nên nét độc đáo, đặc sắc riêng của mỗi dân tộc. Tiêu biểu, như: Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam đã được UNESCO ghi danh Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại hay Lễ hội Đua bò Bảy Núi diễn ra vào dịp Tết Sen-Dolta của người Khmer Nam Bộ mang nét đẹp văn hóa đặc sắc và là điểm đến du lịch được người dân trong khu vực, cả nước biết đến. Đặc biệt, An Giang còn có Khu Di tích khảo cổ Óc Eo, đây là nguồn tài nguyên văn hóa vô giá, chứa đựng những giá trị tốt đẹp của các dân tộc ở An Giang nói riêng và vùng đất Nam Bộ nói chung.
Xác định việc xây dựng và phát triển truyền thống, văn hóa đặc trưng của địa phương là nhiệm vụ quan trọng. Thời gian qua, An Giang đã tích cực triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa, nhất là việc phát huy tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự cường trong Đảng, hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân. Công tác xây dựng, hoàn thiện các chuẩn mực giá trị văn hóa con người An Giang được quan tâm phát huy, nhất là những giá trị, tính cách đặc trưng khiêm tốn, giản dị, hào sảng, trọng nghĩa tình… Các hoạt động văn hóa - thể thao, hoạt động cộng đồng tại các xã nông thôn mới có tác động tích cực trong việc hình thành lối sống văn minh, xây dựng văn hóa con người ở vùng nông thôn, biên giới. Các lễ hội truyền thống được giữ gìn và phát huy bản sắc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số, phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, tìm hiểu văn hóa dân tộc trong các tầng lớp Nhân dân...
Đảng bộ tỉnh xác định đến năm 2030, phấn đấu đưa An Giang trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng ĐBSCL; kinh tế phát triển năng động, hài hòa, bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phát triển, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế... Tầm nhìn đến năm 2050, An Giang phấn đấu trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao... Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh chú trọng khai thác, phát huy nhân tố con người trong phát triển văn hóa, xem đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội. Cùng với những đức tính cao đẹp của dân tộc, người dân An Giang có lòng nhân ái, trọng đạo nghĩa, chân chất, giản dị trong ứng xử và cuộc sống, từ đó đã tạo nên ý thức cộng đồng, gắn kết giữa cá nhân - gia đình - xã hội, hình thành khối đoàn kết, sức mạnh nội sinh quan trọng trong suốt quá trình hội nhập và phát triển.
Từ bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng kiên cường, suốt chặng đường lịch sử 193 năm hình thành và phát triển, với niềm tin, khát vọng xây dựng quê hương giàu mạnh, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân An Giang sẽ tiếp tục phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm xây dựng quê hương Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày càng văn minh, giàu đẹp, xứng tầm với công sức khai mở, vun bồi của những bậc tiền nhân.
MỸ LINH