Từ Lam Kinh hình dung Hoàng thành thời Lê sơ

15/11/2021 - 13:37

Từ những phát hiện mới ở khu vực khai quật khảo cổ tại Hoàng thành Thăng Long, các nhà khoa học đã đối chiếu, so sánh với Lam Kinh (Thanh Hóa) và ngược lại, để từ đó hình dung ra điện Kính Thiên thời Lê sơ.

Từ năm 2014 đến nay, các nhà khoa học của Viện Khảo cổ học phối hợp với Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội tiến hành nhiều cuộc khai quật, nghiên cứu khảo cổ học để tìm hiểu không gian điện Kính Thiên và trục trung tâm của Hoàng thành Thăng Long thời Lê sơ. 

Năm 2021, Viện Nghiên cứu Kinh thành tiếp tục chương trình nghiên cứu tổng thể về kiến trúc cung điện Việt Nam, trong đó tập trung vào kiến trúc cung điện thời Lê sơ thông qua những so sánh giữa ba thời kỳ về các loại ngói lợp mái và hình thái bộ mái; nền móng kiến trúc cung điện thời Lê sơ và bộ khung giá đỡ của bộ mái.

Các loại ngói rồng men vàng, men xanh thời Lê sơ phát hiện tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Viện Nghiên cứu kinh thành)

PGS. TS Bùi Minh Trí, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh thành cho biết: “Năm nay chúng tôi tiếp tục tập trung vào nghiên cứu hình thái kiến trúc thời Lê sơ. Đây chính điện nằm giữa trung tâm Hoàng thành Thăng Long, tượng trưng cho quyền lực của nhà vua, và cho Hoàng thành Thăng Long. Do vậy đây là phát hiện hết sức quan trọng trong việc nghiên cứu, đánh giá giá trị của kinh đô Thăng Long thời Lê sơ”. Những phát hiện khảo cổ này được giới thiệu trong Tọa đàm khoa học quốc tế "Nhận diện kiến trúc cung đình Việt Nam thời Lê sơ", có sự tham gia của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế.

Từ Lam Kinh hình dung Hoàng thành thời Lê sơ -0

 Linh thú và các loại ngói lợp trên mái cung điện thời Lê sơ.

Những kết quả nghiên cứu ban đầu cho thấy, phát hiện quan trọng nhất về kiến trúc thời Lê sơ là dấu tích nền móng của kiến trúc hành lang, các loại cấu kiện gỗ sơn son thếp vàng và số lượng lớn các loại ngói lợp mái cung điện có men màu vàng và men màu xanh lục. Điểm đặc biệt nhất của ngói lợp mái là thời kỳ này đã xuất hiện nhiều loại ngói men (ngói lưu ly) bên cạnh ngói đất nung mang phong cách đặc trưng, khác hẳn với thời kỳ trước đó. Trong đó, đặc sắc nhất là ngói rồng, là loại ngói men màu vàng và xanh lục được tạo khối theo từng bộ phận của con rồng (đầu, thân, đuôi), khi ghép lại theo chiều dọc của mái sẽ tạo hình con rồng hoàn chỉnh. Đây là loại ngói độc đáo nhất trong tất cả các loại ngói lợp mái cung điện cổ ở châu Á thời bấy giờ. Trong khi đó, ngói thời Lý Trần chủ yếu là ngói đất nung trang trí lá đề.  Những phát hiện về ngói cho thấy bộ mái kiến trúc cung điện trong Hoàng cung Thăng Long thời Lê sơ rất phong phú, đa dạng và có nhiều màu sắc nhất, từ ngói men vàng, men xanh đến các loại ngói đất nung màu đỏ hay màu xám đen.

Từ Lam Kinh hình dung Hoàng thành thời Lê sơ -0

PGS. TS Bùi Minh Trí giới thiệu những nét mới trong kết quả khai quật. 

PGS. TS Bùi Minh Trí cũng cho biết, điểm đặc biệt ở các phát hiện khảo cổ liên quan đến thời Lê sơ là nét mới của cấu trúc mái. Trong cuộc khai quật ở Đông bắc điện Kính Thiên, các nhà khoa học tìm thấy, ngoài rất nhiều đoạn ngói ống và ngói rồng như ở 18 Hoàng Diệu, còn mấy trăm cấu kiện gỗ, trong đó có các cấu kiện của đấu củng. Đây là bằng chứng quan trọng để khẳng định kiến trúc thời Lê sơ là kiến trúc đấu củng. Điểm độc đáo là trên đấu củng của thời Lê sơ đã xuất hiện “bình áng” hay “hạ áng”, mà thời Lý Trần không có loại hình này.

Di tích Lam Kinh (thuộc địa bàn hai xã Xuân Lam và Kiên Thọ, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa), được coi là kinh đô thứ hai (Lam Kinh hay Tây Kinh) của nước Đại Việt thời Lê sau Đông Đô (Thăng Long – Hà Nội). Một số kết quả khai quật tại Lam Kinh (do Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Lam Kinh phối hợp khai quật) cho thấy có sự tương đồng nhất định. Các bậc lên xuống Chính Điện trang trí rồng, mây và sóc còn khá rõ nét, được các nhà nghiên cứu cho rằng có niên đại tương đương với thành bậc còn lại ở điện Kính Thiên và Văn Miếu (Hà Nội) vào thế kỷ 15, thời vua Lê Thánh Tông (cụ thể là năm 1467). Tại Lam Kinh cũng phát hiện một số loại ngói phủ men… 

Từ Lam Kinh hình dung Hoàng thành thời Lê sơ -0

 TS. Nguyễn Văn Đoàn giới thiệu bài thuyết trình của mình.

TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết, có rất nhiều nét giống nhau giữa điện Kính Thiên và trung tâm Lam Kinh, từ bố cục, các họa tiết trang trí, các bậc thềm rồng.

TS Nguyễn Văn Đoàn phân tích, điện Lam Kinh và điện Kính Thiên có mối quan hệ rất chặt chẽ, mang tính lịch sử, bởi vì ở Đại Việt thời Lê, Đông Kinh (Thăng Long) và Tây Kinh (Lam Kinh) ở Thanh Hóa vốn được coi là vùng đất rất quan trọng của nhà Lê. Chính vì thế khi nhà nước Đại Việt thời Lê được thành lập, bên cạnh những công trình ở khu trung tâm chính trị quan trọng ở Thăng Long, các vua nhà Lê còn cho xây dựng ở quê hương mình là Lam Kinh rất nhiều điện miếu để làm nơi tôn vinh vùng đất phát tích của nhà Lê. Và trong quá trình xây dựng các điện miếu như vậy, nếu tên gọi điện Kính Thiên là một công trình kiến trúc quan trọng của Đông Đô, thì chính điện của Lam Kinh cũng như vậy, vị trí cũng quan trọng như thế. Từ tên gọi đến mô hình đến kiến trúc của Đông Đô cho đến kiến trúc của Lam Kinh đều có nhiều nét tương đồng, phản ánh mối quan hệ giữa hai công trình đặc biệt quan trọng của nhà Lê trong lịch sử.

Chính vì thế, theo TS. Nguyễn Văn Đoàn, việc tìm hiểu điện Lam Kinh có mối liên quan đến việc phục dựng điện Kính Thiên, do những mối liên hệ trong lịch sử giữa hai công trình này. “Hướng tiếp cận kết quả công trình nghiên cứu Lam Kinh để phục dựng điện Kính Thiên là rất khả quan, vì Lam Kinh đã được nghiên cứu trong gần 30 năm trước đây, và là những dữ liệu vô cùng quan trọng để góp phần trong việc phục dựng lại kiến trúc ở Lam Kinh như hiện nay. Chính vì thế trong thời gian tới, những dữ liệu đó rất quan trọng để đối sánh, nghiên cứu, tìm ra mẫu số chung trong việc nghiên cứu, phục dựng công trình điện Kính Thiên” – TS. Nguyễn Văn Đoàn chia sẻ.

Theo TUYẾT LOAN (Báo Nhân Dân)