Người ta ăn chay quanh năm nên các quán cơm chay, nhà hàng chay mở ra ngày càng nhiều, có thể đáp ứng nhu cầu của người ăn chay mọi lúc mọi nơi.
Tuy nhiên, mùa Vu Lan tháng 7, lượng người ăn chay có lẽ sẽ nhiều nhất. Người có điều kiện thì mời nhau ra quán, không có thì tổ chức tại nhà. Các chùa trong những ngày lễ trọng đều tổ chức cơm chay đãi khách. Nguyên liệu làm cơm chay bây giờ cũng nhiều và chất lượng, các đầu bếp tha hồ mà trổ tài chế biến thành những món ăn ngon.
Xin giới thiệu một món chay chế biến từ nguyên liệu có sẵn trong vườn nhà, đảm bảo rẻ tiền mà lại sạch trăm phần trăm. Đó là món mít non kho chay với nước dừa.
Mít non kho chay với nước dừa. Ảnh minh họa
Mít non chọn quả vừa phải, cuống còn xanh non, gai chưa lớn lắm, hạt còn mọng nước, chưa có bột. Đầu tiên là gọt bỏ vỏ ngoài. Khi gọt thì làm dưới vòi nước cho chảy trôi mủ. Lấy toàn bộ từ phần da trắng vào, cả cùi. Dùng dao sắc xắt thành từng khoanh dày cỡ lóng tay, mỏng hơn khoanh giò miền Bắc một chút.
Dầu phụng (dầu lạc) đun sôi, phi hành hoặc tỏi cho thơm. Cho từng lát mít vào chiên vàng, sau đó vớt ra, xếp vào nồi, đổ nước dừa tươi (có pha thêm ít nước) xâm xấp với mít cùng với gia vị (xì dầu, muối, mì chính…). Bắc lên bếp đun nhỏ lửa cho đến khi nước rút cạn, mít mềm ngả màu nâu sẫm là được. Nêm lại cho vừa khẩu vị. Nhắc xuống, múc ra đĩa, rắc lên ít rau hành, mùi ta, vài lát ớt đỏ cho thêm chút màu sắc, vừa đẹp mắt vừa tạo sự khoái khẩu cho người ăn.
Cũng như nhiều món kho khác, món mít non kho chay nước dừa phải kho đến lửa thứ 2 mới ngon. Kho lần 1 cho mít chín, nước vừa cạn. Tắt lửa để mít thấm gia vị. Mấy tiếng sau kho lại lần nữa thì mít sẽ ngon hơn.
Cơm lúa mới dẻo thơm, vị ngọt, bùi của hạt, dai dai của xơ mít non, vị ngầy ngậy của nước dừa, quyện lại tạo nên mùi thơm rất riêng. Và một miếng cơm nóng thơm lừng, cắn một miếng mít non đã ngậy mùi, nghe vị ngọt bùi thấm qua đầu lưỡi. Món ăn dân dã mà sao ngon miệng đến lạ lỳ. Mùa Vu Lan báo hiếu, gia đình tụ họp, thưởng thức bữa cơm với món mít non kho chay nước dừa, không khí gia đình, dẫu đơn sơ mà đầm ấm, chan hòa.
Mít non trộn thịt ba chỉ, da heo, lạc rang, tương ớt. Ảnh minh họa
Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, số ngày nắng trong năm nhiều, mít là loài cây ăn quả có mặt khắp mọi miền Tổ quốc. Quả mít có thể ăn từ lúc còn non cho đến mít già, mít chín. Tuy nhiên, không phải người dân vùng nào cũng biết dùng mít để chế biến thành món ăn hàng ngày.
Miền Bắc cũng có mít, nhất là các tỉnh miền núi. Vùng ven Hà Nội mít trồng nhiều trong vườn, nhất là mạn Sơn Tây. Nhưng hình như ít ai biết dùng mít chế biến thành thức ăn, nên hầu hết là để già, rồi chờ chín.
Người miền Trung, miền Nam thường khéo tay trong việc chế biến mít làm thức ăn. Món mít non cá mòi theo khách thương hồ ngang dọc khắp miền sông nước miền Nam, nghe ngân nga trong câu hát:
“Tiếng đồn chị Bốn có duyên,
Đồng Nai đi cưới một thiên cá mòi.
Không tin giở quả ra coi,
Mít non ở dưới cá mòi ở trên”.
Dọc dài miền Trung, có lẽ phụ nữ càng giỏi hơn với tài chế biến mít. Dân Nghệ An làm nhút bằng mít non băm nhỏ, muối chua để dành như dưa cải. Vùng Thanh Chương, Nam Đàn… nhút đã thành đặc sản bán cho khách du lịch. Nhút sang tận Lào nấu canh với cá sông Mekong, khiến không ít người nôn nao nỗi nhớ quê hương.
Gỏi mít non với thịt ba chỉ. Ảnh minh họa
Mùa đông thiếu rau, mít non trong vườn hái xuống, bổ tư, bổ sáu đem luộc, xắt miếng lớn bằng ngón tay, chấm mắm nêm. Còn nhớ hồi nhỏ, bữa nào có món mít luộc, cô tôi hay nói đùa hôm nay có “món thịt voi”. Đơn sơ vậy mà cũng rất tốn cơm trong những ngày mưa. Sang hơn tí nữa thì mít non kho cá chuồn, cho thêm mấy lát thịt cho béo, cũng là món khoái khẩu. Mít non - cá chuồn đã trở thành câu chuyện về mối quan hệ ngược - xuôi của người dân xứ Nẫu:
"Ai về nhắn với nẫu nguồn,
Mít non gửi xuống, cá chuồn đưa lên”.
Giờ thì mít non có thể chế biến thành nhiều món khác hấp dẫn hơn như gỏi mít trộn tôm, gỏi mít trộn với thịt ba chỉ, nhộng tằm, rau húng bạc hà, lạc rang, xúc với bánh tráng mè nướng giòn.
Khu trung tâm Đà Nẵng, mít trộn được bán nhiều ở chợ Cồn, chợ Đống Đa; quán Bà Già ở ngõ 45-47 đường Lý Thái Tổ; mít trộn ngã tư Hoàng Hoa Thám - Lê Duẩn, quận Thanh Khê; quán Lan và Điệp ở làng Yaourt, đường Bùi Thị Xuân quận Sơn Trà; Chợ Bắc Mỹ An - quận Ngũ Hành Sơn và nhiều hàng ăn vặt của giới trẻ và khách du lịch như quán Đĩa bay, gần công viên Helio…
Gỏi mít trộn bán nhiều ở Đà Nẵng. Ảnh minh họa
Đi du lịch Đà Nẵng, giữa bao nhiêu là hải sản, là mì Quảng, bún bò, bánh canh cá lóc, bún chả cá, thịt heo cuốn bánh tráng, rau sống chấm mắm nêm, bạn hãy dành chút thời gian ghé những quán ăn vặt thưởng thức những món ăn dân dã mà ngon miệng, để chuyến du lịch thêm phần thú vị.
Theo NGUYỄN VÂN THIÊNG (VietNamNet)