Quá quen với việc đi rừng nên vợ chồng anh không mất nhiều thời gian, chỉ chờ người đi rừng “không chuyên” như tôi chuẩn bị xong là bắt đầu hành trình. “Bôi cái này vào chân, tay, ủng để chống vắt nhé, vắt nhiều lắm đấy”, chị Kim vợ anh Thọ đưa cho tôi “bảo bối” chống vắt khi tôi còn đang loay hoay buộc túi máy móc mang theo sao cho gọn. Gọi là đi rừng nhưng ở đây, bước ra khỏi nhà là vào rừng. Ngược dốc sau lưng nhà, vượt qua cánh rừng nguyên sinh, lá cây ken dày nhìn xuống một khe sâu, thấp thoáng những tàu lá chuối vươn cao giữa màn sương kỳ ảo, chị Kim nhoẻn miệng cười rồi chỉ tay bảo: “Kia rồi...!”. Đưa mắt nhìn theo tay chị, thấy những cây chuối rừng cao quá tầm mắt, muốn lấy được phải dùng cây dài có gắn chiếc liềm khéo léo luồn vào và cắt.
Cây chuối rừng đang độ ra buồng.
Chuối rừng tuy là cây hoang dại nhưng rất hữu dụng với đồng bào các dân tộc vùng cao. Họ lấy cây chuối về làm thức ăn gia súc, hạt chuối rừng làm thuốc và đặc biệt hoa chuối rừng là nguyên liệu chính để chế biến một số món ăn ngon và lạ. Chuối rừng thân nhỏ nhưng lại có sức sống lạ kỳ, thân cây cao tới 3 – 4m. Chuối rừng không mọc đơn lẻ mà mọc thành vùng, thành rừng, thành một “xứ sở” bát ngát và điều đặc biệt là ở khu rừng nào có chuối mọc, nơi đó trở thành là lãnh địa riêng của loại cây này, cây thân gỗ không chen vào được.
Những bắp chuối được anh Thọ khéo léo lấy xuống.
Chuối rừng không có mùa, trưởng thành thì trổ hoa, trong hàng chục thân cây xung quanh chúng tôi mới có một cây có hoa. Không phải loại đỏ tươi vốn được dùng để trang trí, hoa chuối làm thực phẩm màu tím thẫm. Hoa chuối rừng mới trổ, thân dài có hình thù như dao quăng, sau ra buồng càng lâu hoa càng ngắn lại, hoa lâu ngày chuyển màu tím đen. Ngót buổi sáng quần thảo khắp thung lũng sâu, hai vợ chồng anh Thọ đã thấm mệt với thành quả là một gùi hoa chuối, trên đường về nhà chị vợ nhẩm tính: “Mai kịp thì đem ra chợ bán, còn không thì bán cho các nhà hàng, quán ăn, 10.000- 15.0000 đồng/bắp, sơ sơ cũng được 150 nghìn rồi”.
Hoa chuối rừng là kết tinh của núi rừng và đang từng bước trở thành hàng hóa giúp người dân có thêm nguồn thu nhập. Nhờ bàn tay khéo léo của con người mà hoa chuối trở thành nguyên liệu đặc sắc được các homestay, nhà hàng trên địa bàn huyện dùng cho món lẩu, làm rau sống, nộm, xào, nấu canh, kho thịt cá...
Bắp chuối được người dân đem ra chợ bán...
Và được chế biến trong các nhà hàng, homestay tại địa phương.
Trở về khi mặt trời đã đứng bóng, chiếc áo đã thấm đẫm mồ hôi và chân đã chùn, gối đã mỏi. Ngồi nghỉ trước thềm nhà, anh Thọ tâm sự: “Người dân ở đây quanh năm gắn bó với núi rừng, sống nhờ rừng, kiếm kế sinh nhai từ rừng, không gây hại mà luôn tâm niệm phải bảo vệ rừng. Ngoài hoa chuối, còn có nhiều sản vật từ rừng như rau, quả, nấm các loại, thảo mộc làm nguyên liệu thuốc tắm, thuốc chữa bệnh, củi đun... vẫn thường được người dân khai thác song song với quá trình gìn giữ và bảo vệ rừng.
Theo Báo Phú Thọ