Tục “đưa” ông Táo về trời

08/02/2018 - 07:39

 - Theo tục lệ, ngày 23 tháng Chạp hàng năm, gia đình người Việt chuẩn bị mâm cỗ để đưa ông Táo về trời. Quan niệm người xưa cho rằng, việc tiễn Táo quân về trời để báo cáo với Ngọc Hoàng những việc xảy ra trong gia đình 1 năm qua.

Trong quan niệm dân gian Việt Nam, đưa ông Táo về trời là một trong những lễ cúng quan trọng nhất trước khi đón Tết nguyên đán. Táo quân hay ông Táo (gồm 3 vị thần: Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ) được xem là 3 vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi nhà.

Trong đó, Thổ Công trông lo việc bếp, Thổ Địa trông nom việc nhà, Thổ Kỳ trông nom việc chợ búa. Bàn thờ thường đặt gần bếp, ông Táo quanh năm ở trong bếp nên biết hết mọi chuyện của mọi người trong gia đình.

Chính vì vậy, ông Táo là những vị thần chuyên trông coi, định đoạt phước đức, vận may rủi của các thành viên trong nhà. Mặt khác, ông Táo còn che chở, giữ yên bình cho gia đình.

Khách mua đồ cúng đưa ông Táo về trời

Khách mua đồ cúng đưa ông Táo về trời

Do đó, để năm mới gia đình được khỏe mạnh, bình an, may mắn, người ta thường chuẩn bị, bày biện mâm lễ thịnh soạn để tiễn đưa ông Táo về chầu trời.

Vừa đưa bộ đồ cúng ông Táo cho khách, chị Thanh (tiểu thương ở chợ Mỹ Long, TP. Long Xuyên) cho biết: “2 ngày nay, khách đến mua đồ cúng ông Táo rất nhiều, bán đắt đến nỗi không có thời gian ăn cơm. Vậy mà không thấy đói chỉ thấy vui. Giá bán so năm trước không tăng. Một bộ đồ cúng loại nhỏ chỉ 5.000 đồng. Có người cho rằng cúng nhiều thì tốt nên họ mua 2-3 bộ”.

Cầm mấy bộ đồ cúng trên tay, chị Ngọc Yến (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) nói: “Dân công sở nên không có nhiều thời gian. Tranh thủ chiều đi làm về ghé ngang mua mấy món này với bánh kẹo, rượu, trà, đèn cầy trước, rồi cá chép, trái cây, trầu cau… mua sau. Chuẩn bị trước thấy an tâm hơn”.

Đứng gần đó, chị Thúy An cho rằng: “Cận ngày 22, 23 (âm lịch) chợ sẽ đông và khó lựa, khó mua đồ, nên đi sớm để khỏi mất công chen lấn. Mua sớm về nhà có thể kiểm tra coi còn thiếu gì để bổ sung cho đủ, không đợi đến ngày cúng sẽ bị cập rập”.

Tùy điều kiện của mỗi gia đình, mâm cúng có thể đơn giản nhưng phải trang trọng, thể hiện được tấm lòng của gia chủ. Trên mâm cúng Táo quân nhất định có đầy đủ lễ vật, gồm: mũ ông Táo (2 mũ đàn ông và 1 mũ đàn bà); 3 cái áo bằng giấy, 3 đôi giày; mâm cỗ mặn, bánh kẹo, rượu, nhang, đèn cầy, bình hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi.

Đặc biệt, cúng thêm 1 hoặc 3 con cá chép (còn sống hoặc bằng giấy) cũng có thể thay thế loại vàng mã gọi là “cò bay ngựa chạy” để làm phương tiện cho ông bà Táo lên về trời.

Sau khi bày lễ, thắp nhang và khấn vái xong, đợi nhang tàn lại thắp thêm tuần nhang nữa, lễ tạ rồi hóa vàng mã và thả cá chép ra ao, hồ, sông… để cá chở ông Táo chầu trời.

Ông Táo sẽ tâu với Ngọc Hoàng về việc làm ăn, cư xử của mỗi gia đình dưới hạ giới. Lễ cúng thường diễn ra sau khi nấu cơm trưa xong và tốt nhất là trước 12 giờ trưa để ông Táo về tâu với Ngọc Hoàng sớm.

Sau khi cúng đưa ông Táo về trời các gia đình sẽ dọn dẹp bàn thờ sạch sẽ, đốt hết chân nhang cũ, lau chùi lư hương để chuẩn bị đón năm mới. Đến ngày rước ông bà hoặc đêm giao thừa gia chủ sẽ khấn mời ông Táo về “ăn Tết” và tiếp tục công việc trông coi bếp lửa.

MINH THƯ