Tuổi cao gương sáng, giúp sức xây đời

09/08/2023 - 06:46

 - Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh An Giang vừa biểu dương 33 điển hình người cao tuổi trong phong trào "Tuổi cao - gương sáng". Đây là nghĩa cử vừa tri ân đóng góp của người cao tuổi, vừa khẳng định vai trò, vị trí của họ, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Người cao tuổi là vốn quý của dân tộc, là lực lượng quan trọng của đất nước, là rường cột của gia đình và xã hội”.

Truyền thống Việt Nam xưa nay rất coi trọng người cao tuổi. Các cụ ông, cụ bà sống mẫu mực chính là tài sản quý giá, lực lượng quan trọng trong sự phát triển chung của xã hội. Người cao tuổi trong mỗi gia đình đã tác động trực tiếp, quyết định nên sự hình thành, phát triển của nền văn hóa dân tộc, thông qua việc giáo dục con cháu. Họ không những là người chỉ đường, dẫn dắt thế hệ sau, mà còn là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức, nỗ lực đóng góp không ngừng cho cộng đồng.

Từ xưa đến nay, trong mỗi gia đình Việt, ông bà luôn là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cháu. Họ nuôi dạy, truyền đạt kinh nghiệm sống quý báu, đồng thời giữ gìn gia phong, nét đẹp truyền thống mà tổ tiên để lại. Không ai khác, người cao tuổi bằng những trải nghiệm, thu nhận, rèn luyện của mình, sẽ trao truyền cho con cháu bài học cụ thể, sinh động, phù hợp nhất với chuẩn mực của gia đình và xã hội.

Từ đó, hình thành nên văn hóa gia đình, văn hóa cộng đồng dân cư, văn hóa xã hội. Người cao tuổi là nguồn lực rất quan trọng, không thể thiếu. Họ có trình độ, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đáng quý hơn, họ luôn có tinh thần cống hiến, góp sức hết mình cho sự phát triển của đất nước.

Người cao tuổi tiêu biểu trong phong trào "Tuổi cao - gương sáng"

Ở tỉnh An Giang, xuất hiện rất nhiều gương sáng của người cao tuổi. Đó là tấm gương của lão nông Lê Hữu Thắng (xã Mỹ Phú Đông, huyện Thoại Sơn), đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn miệt mài học tập kinh nghiệm trồng thanh nhãn, sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật với người dân, bạn bè xung quanh. Trải qua 2 năm đầy khó khăn, vườn thanh nhãn nhà ông và 18 công thanh nhãn của bạn bè bắt đầu cho trái sai, mang nguồn thu nhập đáng kể. Số tiền thu được, ông Thắng nhiệt tình đóng góp xây dựng cầu đường, giúp đỡ người khó khăn trong xóm ấp.

Cùng chung tấm lòng thiện nguyện, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Mỹ Phú (huyện Châu Phú) Mai Văn Chon dành cả cuộc đời xoay vòng kiếm tiền để… làm việc thiện. Từ 5 công đất của ông bà để lại, ông Chon chí thú lao động, tích lũy và “nở nồi” thành 50 công. Tiền hoa lợi mỗi năm, ông để dành cho cộng đồng, như: Rải đá 2 bờ kênh Hào Đề, cất nhà Tình thương, xây dựng mái che sân trường tiểu học, xây cầu nông thôn…

Ông Chon chia sẻ: "Tôi có duyên phụ trách công tác hội chữ thập đỏ, chuyên chăm lo an sinh xã hội. Do vậy, ở mỗi phần việc xã hội, để đẩy nhanh tiến độ, tôi vừa vận động, vừa tự mình đóng góp. Nhìn người dân an vui, đi lại thuận lợi, đời sống bớt khó khăn, quê hương càng giàu đẹp, tôi hạnh phúc lắm. Con cháu thấy ông bà làm điều ý nghĩa cũng học theo".

"Tuổi cao chí khí càng cao", có tiền giúp tiền, không có tiền thì giúp tâm giúp sức. Hội hiếu núi Nhỏ (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn) là điển hình cho tấm lòng ấy. Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn Óc Eo Vũ Đình Rạng cho biết: "Chúng tôi phối hợp Hội hiếu núi Nhỏ đứng ra tổ chức tang lễ cho gia đình có người thân qua đời. Hội phục vụ trống kèn, đồng thời hỗ trợ phúng điếu 25 triệu đồng cho người cao tuổi qua đời, trích từ quỹ của hơn 1.000 hội viên đóng góp tự nguyện. Hoạt động đã làm ấm lòng gia đình có hoàn cảnh khó khăn, góp phần thắt chặt tình làng nghĩa xóm".

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Hữu Khánh dành cả cuộc đời đóng góp cho sự phát triển tỉnh nhà. Đến khi về hưu, ông tiếp tục đóng góp tích cực cho sự nghiệp giáo dục. "Tôi trăn trở giúp đỡ học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp bước đến trường, có điều kiện học tập để đóng góp tài năng, trí tuệ cho đất nước.

Do vậy, tôi kêu gọi thành lập Quỹ Tiếp sức tài năng An Giang. Từ số tiền 4 tỷ đồng ban đầu, sau 12 năm đã tăng lên 17 tỷ đồng, giúp 1.300 học sinh, sinh viên, cá nhân có tài năng đặc biệt được học tập, nghiên cứu. Hiện, nhiều cháu đạt học vị thạc sĩ, tiến sĩ, bác sĩ… tiếp tục đóng góp trong và ngoài tỉnh" - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy An Giang Nguyễn Hữu Khánh tự hào.

Điều mà vị cán bộ hưu trí này băn khoăn là giúp người cao tuổi được sống vui, sống khỏe, sống có ích. Đặc biệt, người già ở nông thôn đang rất khó khăn, do ngày trẻ không có thu nhập ổn định, không tích lũy, không có lương hưu hay trợ cấp. Ông mong rằng, chính sách chăm lo người cao tuổi sẽ giúp đỡ thiết thực hơn cho người cao tuổi, khuyết tật, đau bệnh, yếu thế.

Cùng với đó, cần quan tâm tạo sân chơi, câu lạc bộ phù hợp để người cao tuổi được rèn luyện sức khỏe, thư thái tinh thần, hạn chế bệnh tật. Từ đó, mới có thêm năng lượng, sự sáng tạo, tiếp tục là "cây cao bóng cả", đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm, công sức xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp.

NGỌC GIANG