Tuyển sinh đại học 2022: Các trường tìm lối đi trong bối cảnh dịch bệnh

07/01/2022 - 07:59

Các trường đại học đang trong giai đoạn công bố phương án tuyển sinh năm 2022. Điều dễ nhận thấy là cùng với việc đa dạng phương thức tuyển sinh theo xu hướng tự chủ, các trường bổ sung các tiêu chí mới để ứng phó với tình hình dịch bệnh kéo dài.

Giảm mạnh chỉ tiêu lấy điểm thi tốt nghiệp THPT

Trong đề án tuyển sinh mà các trường đại học top đầu công bố gần đây cho thấy, việc giảm mạnh chỉ tiêu phương thức xét tuyển bằng theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhận định của các chuyên gia tuyển sinh thì đây là hướng đi của các trường đại học trong mùa tuyển sinh năm nay khi dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. 

Cụ thể, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chỉ dành 10 - 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, 60 - 70% tổng chỉ tiêu bằng hình thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và 20 - 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng. Chỉ tiêu xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT của Trường Đại học Giao thông Vận tải giảm khoảng 30% so với năm ngoái.  

Những dịp tư vấn tuyển sinh trực tiếp sẽ rất hiếm hoi hoặc dự kiến sẽ không có nếu dịch bệnh phức tạp trong mùa tuyển sinh năm 2022. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân vừa công bố đề án tuyển sinh năm 2022. Điểm nhấn của đề án này là việc giảm mạnh chỉ tiêu xét xét tuyển lấy điểm thi tốt nghiệp THPT và bổ sung thêm các tiêu chí xét tuyển. 

Theo đó, đề án tuyển sinh mà trường này mới công bố thì chỉ tiêu xét tuyển dựa trên phương thức xét tuyển thẳng theo quy chế tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) và xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường chiếm 80-85%.

Trường chỉ dành 10-15% chỉ tiêu xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Dự kiến ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của trường theo phương thức này dự kiến là 20 điểm bao gồm cả điểm ưu tiên.

Như vậy, năm 2022, chỉ tiêu của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dành cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT thấp nhất từ trước đến nay. Những năm trước, trường thường dành khoảng 50% - 70% chỉ tiêu.

Mặt khác, để dự phòng việc tuyển sinh trực tiếp khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng bổ sung các tiêu chí mới để tuyển được thí sinh có chất lượng, phù hợp với ngành nghề trường đào tạo.  

Cụ thể, ở phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường, trường sẽ tuyển theo 7 nhóm đối tượng, gồm: Những thí sinh có chứng chỉ SAT và ACT (1 - 3% tổng chỉ tiêu), trong đó điểm SAT thí sinh phải đạt từ 1.200 điểm trở lên hoặc ACT từ 26 điểm trở lên; những thí sinh có điểm thi đánh giá năng lực năm 2022 của Đại học Quốc gia Hà Nội đạt từ 100 điểm trở lên hoặc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đạt từ 800 điểm trở lên, chỉ tiêu dự kiến dành cho những đối tượng này là 15 - 20% tổng chỉ tiêu; những thí sinh có điểm thi đánh giá tư duy của trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2022 đạt từ 20 điểm trở lên, chỉ tiêu dự kiến là 5% tổng chỉ tiêu; những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực của hai đại học quốc gia, trong đó, trường yêu cầu thí sinh phải đạt IELTS 5.5 hoặc TOEFL ITP 500 hoặc TOEFL iBT 46 hoặc TOEIC (4 kỹ năng nghe & đọc 785, Nói 160, Viết 150) trở lên, chỉ tiêu dự kiến dành cho những đối tượng này là 10 - 15% tổng chỉ tiêu.

Trường cũng tuyển những thí sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với 2 môn thi tốt nghiệp THPT (bao gồm môn Toán và 1 môn bất kỳ thuộc các tổ hợp xét tuyển của trường, trừ môn tiếng Anh). Chỉ tiêu dự kiến của trường là 15 – 20% theo mã tuyển sinh và theo tổng chỉ tiêu. 

Những học sinh hệ chuyên của các trường THPT chuyên, THPT trọng điểm quốc gia kết hợp với 2 môn thi tốt nghiệp THPT. Chỉ tiêu dự kiến dành cho những đối tượng này là 10 – 15% tổng chỉ tiêu.

Trường còn tuyển những thí sinh đã tham gia vòng thi tuần “Đường lên đỉnh Olympia” hoặc đạt giải thi học sinh giỏi cấp tỉnh/ thành phố hoặc giải khuyến khích quốc gia kết hợp với điểm thi tốt nghiệp THPT. Chỉ tiêu dự kiến được trường đưa ra là 5% tổng chỉ tiêu.  

Mở ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội 

Đa dạng phương thức tuyển sinh hay mở ngành mới đáp ứng nhu cầu xã hội cũng là cách các trường đại học tăng thêm cơ hội cho thí sinh trong mùa tuyển sinh năm nay. Điều này nhằm giảm bớt áp lực việc dựa vào một kỳ thi, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến bất thường và kéo dài.

Mùa tuyển sinh 2022, Trường Đại học Ngoại thương tuyển sinh các chương trình đào tạo thích ứng với bối cảnh của nền kinh tế số như Marketing số, Truyền thông Marketing tích hợp và chương trình Kinh doanh số.  

Ở phía Nam có Trường Đại học Hoa Sen mở một số ngành học mới, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động như: Thương mại điện tử, Digital Marketing, Phim, Quan hệ công chúng, Kinh tế thể thao, Trí tuệ nhân tạo. Trường Đại học Gia Định mở mới 5 ngành học năm 2022: Thương mại điện tử, Quan hệ công chúng, Bất động sản, Quản trị nhà hàng và ăn uống, Quản trị du lịch và lữ hành.  

Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh sẽ mở thêm ngành kỹ thuật vật liệu chương trình chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh, phục vụ chiến lược phát triển ngành vật liệu hiện đại, tiên tiến, chuẩn mực quốc tế của đất nước.

Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh mở mới 6 ngành học, gồm quản trị văn phòng, kinh tế quốc tế, công nghệ tài chính, kiểm toán, truyền thông đa phương tiện, quản trị sự kiện.

Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh sẽ xây dựng và mở một số ngành mới, chương trình đào tạo mới đáp ứng nhu cầu xã hội như: công nghệ điện tử và tin học (ngành thử nghiệm), kỹ thuật máy tính, ngành quản lý tài nguyên và môi trường.

Theo LÊ VÂN (Báo Tin Tức)