Tuyển sinh đại học ngành kế toán bằng môn Văn-Sử-Địa

21/02/2018 - 08:22

Tuyển sinh đại học năm 2018, nhiều ngành xét tuyển tổ hợp môn trái ngược với ngành đào tạo, như ngành kỹ thuật, kế toán... bằng tổ hợp Văn- Sử- Địa.

Tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2018, nhiều trường đã mở rộng tổ hợp môn xét tuyển, trong đó nhiều ngành xét tuyển tổ hợp môn trái ngược hẳn với ngành đào tạo, như ngành kỹ thuật, công nghệ, kế toán... bằng tổ hợp Văn- Sử- Địa.

Tuyển sinh đại học hệ chính quy năm 2018, nhiều ngành xét tuyển tổ hợp môn trái ngược hẳn với ngành đào tạo.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thí sinh nên cân nhắc bởi sự khác biệt giữa ngành học và tổ hợp môn thi có thể khiến các em không theo nổi chương trình đào tạo sau này. 

Trong thông báo tuyển sinh đại học năm 2018 của một số trường đại học như: Đại học Công nghệ Đồng Nai, Đại học Công nghệ thành phố Hồ Chí minh, Đại học Hùng Vương thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Nam Cần Thơ... các khối ngành kế toán, kinh tế, kỹ thuật, công nghệ thông tin... được tuyển sinh theo tổ hợp môn Văn- Sử- Địa, hoặc Văn- Sử- Giáo dục công dân. 

Trong khi đó, tổ hợp Văn- Sử- Địa lâu nay chỉ được tuyển sinh cho các ngành khối xã hội. Một số ngành đặc thù khác là kiến trúc và thiết kế nhưng nhiều trường cũng tuyển sinh các tổ hợp môn không có môn năng khiếu, như tổ hợp Toán- Lý- Hóa; Toán- Văn- Tiếng Anh; hoặc tuyển sinh các ngành công nghệ sinh học bằng tổ hợp không có môn Sinh, công nghệ hóa học, công nghệ thực phẩm không có môn Hóa...

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, việc mở rộng tổ hợp xét tuyển là quyền của các trường, nhằm tăng nguồn tuyển cho trường và thêm cơ hội lựa chọn ngành cho người học.

Tuy “đầu vào” khá dễ nhưng thí sinh cần hết sức cân nhắc vì tổ hợp môn xét tuyển quá chênh lệch với chương trình đào tạo thì việc học sẽ hết sức khó khăn bởi người học không cùng khối kiến thức cơ bản đào tạo.

Người học sẽ gặp trở ngại rất lớn trong việc tiếp nhận kiến thức, nguy cơ bỏ học rất cao; hoặc nếu có tốt nghiệp thì cũng khó làm việc tốt bởi đó không phải là sở trường của mình. Nếu người học không theo kịp chương trình cũng sẽ bị đình chỉ học tập, gây lãng phí thời gian và kinh phí. 

Phó Giáo sư- Tiến sỹ Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nói: "Theo quy chế tự chủ, các trường có thể đưa ra bất kỳ hình thức tuyển sinh nào. Còn tổ hợp hợp, hay lượng kiến thức nào cần thì các trường hiểu hơn ai hết là phải lấy cái gì. Bây giờ liên quan đến tính toán như Kế toán, Tài chính lại không lấy kiến thức về Toán mà lại lấy Văn, Sử, Địa thì cá nhân tôi thì cho rằng, như thế là làm khổ học sinh. Mục tiêu của một số trường là có người để đào tạo, thu được học phí, nhưng đến khi ra trường, các em không đáp ứng được nhu cầu, không đáp ứng được năng lực thì rất là tệ"./. 

Theo MINH HƯỜNG (VOV)