Tuyển sinh ĐH 2025: Khắc phục triệt để thiếu công bằng trong các phương thức

25/08/2024 - 08:19

Khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển là nhiệm vụ được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra trong năm học mới 2024-2025.

Thí sinh dự thi Tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: TTXVN)

Thí sinh dự thi Tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: TTXVN)

Hoàn thiện và công bố kịp thời các phương thức tuyển sinh từ năm 2025 trở đi, khắc phục triệt để vấn đề thiếu công bằng, tin cậy trong các phương thức, tiêu chí xét tuyển; bảo đảm phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 đồng thời có tác động tích cực tới hoạt động dạy và học trong giáo dục phổ thông.

Đây là một trong những nhiệm vụ năm học 2024-2025 được Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra trong đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm trong văn bản số 4606/BGDĐT-GDĐH vừa được Bộ ban hành.

Trước đó, vấn đề các trường đại học, cao đẳng sư phạm có quá nhiều phương thức xét tuyển phức tạp đã được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đặt ra tại Hội nghị Giáo dục Đại học do Bộ tổ chức hồi đầu tháng Tám và cho hay Bộ sẽ có cơ chế điều chỉnh vấn đề này.

Cũng trong văn bản trên, liên quan đến công tác tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các cơ sở đào tạo có ngành đào tạo giáo viên chủ động làm việc với ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề xuất với cơ quan quản lý trực tiếp về việc giao nhiệm vụ đào tạo, đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh theo hướng dẫn của Bộ để triển khai thực hiện hiệu quả Nghị định số 71/2020/NĐ-CP và Nghị định số 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết công tác tuyển sinh mặc dù đã có nhiều đổi mới nhưng nhiều trường vẫn còn quá nhiều phương thức, phương án xét tuyển phức tạp, phân bổ chỉ tiêu chưa hợp lý.

Bên cạnh công tác tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ cho giáo dục đại học trong năm học tới như đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học; phát triển đội ngũ giảng viên, đặc biệt cho các ngành STEM và các ngành trọng điểm; hiện đại hóa chương trình và phương thức đào tạo đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người học và nhu cầu nhân lực chất lượng cao của thị trường lao động; thúc đẩy nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đào tạo trình độ cao và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, chú trọng chất lượng và tác động xã hội….

Theo Vietnamplus