Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TPHCM vừa công bố dự kiến 6 phương thức tuyển sinh năm 2022 với 3.649 chỉ tiêu, trong đó dành tối đa 60% chỉ tiêu xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.
Nhiều phương thức xét tuyển "lạ" được các trường ĐH sử dụng trong năm 2022 (ảnh minh họa)
Ths. Trần Nam, trưởng Phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp nhà trường cho biết có nhiều điểm mới trong năm 2022, trong đó nhà trường bổ sung phương thức ưu tiên xét tuyển thí sinh là thành viên thuộc đội tuyển thi Học sinh giỏi quốc gia, thí sinh đạt giải 1,2 và 3 của kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/ thành phố. Đặc biệt, lần đầu tiên trường xét tuyển thí sinh đạt thành tích cao trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao.
Ngoài ra, nhà trường xét tuyển kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội năm 2022 và với xu hướng quốc tế hóa chương trình đào tạo, trường tuyển sinh tại Hàn Quốc 3 chương trình liên kết ngành Việt Nam học với bằng phương thức 2+2.
Như vậy với tổng cộng 6 phương thức xét tuyển, trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TPHCM dành tối đa 5% ưu tiên xét tuyển, tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT; dành 15-20% chỉ tiêu để ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TPHCM; khoảng 45-70% chỉ tiêu dựa vào kết quả kỳ thi THPT năm 2022; khoảng 35-50% chỉ tiêu dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM; 3-10% chỉ tiêu dựa vào kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội. Còn lại tối đa 5% chỉ tiêu xét tuyển thí sinh tốt nghiệp chương trình THPT nước ngoài; ưu tiên xét tuyển thí sinh đội tuyển thi học sinh giỏi quốc gia, thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba học sinh giỏi cấp tỉnh, thành phố và đạt thành tích cao trong hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao.
Tương tự, trường ĐH Công nghệ thông tin -ĐH Quốc gia TPHCM cũng có những điểm mới về đối tượng ưu tiên xét tuyển thẳng trong năm 2022. Cụ thể, trường sẽ ưu tiên xét tuyển thí sinh tài năng thể thao từng đoạt huy chương vàng/bạc/đồng ở các giải thể thao quốc tế chính thức, bao gồm: Giải vô địch thế giới, Cúp thế giới, Thế vận hội Olympic, Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), Giải vô địch châu Á, Cúp châu Á, Giải vô địch Đông Nam Á, Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Cúp Đông Nam Á với thời hạn được tính để hưởng ưu tiên không quá 4 năm tính đến ngày xét tuyển vào trường. Đồng thời, điều kiện kèm theo là thí sinh này phải đạt điểm trung bình kết quả học tập THPT các môn trong tổ hợp xét tuyển lớn hơn hoặc bằng 7.0.
Việc mở rộng xét tuyển thẳng ở đối tượng này được phía trường lý giải nhằm giúp các tài năng thể thao Việt Nam yên tâm thi đấu và tính được hướng đi sau khi giải nghệ.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng ưu tiên xét tuyển thẳng thí sinh đạt giải nhất, nhì, ba từ kỳ thi tháng trở lên trong cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" năm 2020, 2021; thí sinh đạt giải đặc biệt, giải 1, 2, 3 kỳ thi Olympic Tin học sinh viên Việt Nam/ Olympic phần mềm mã nguồn mở (Procon) và kỳ thi "Lập trình Châu Á - ICPC Asia (cấp quốc gia) trong năm 2020, 2021.
Trước đó, một trường thành viên khác thuộc ĐH Quốc gia TPHCM là trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng dự kiến hình thức kết hợp các tiêu chí để đánh giá toàn diện năng lực thí sinh bao gồm: Năng lực học tập, hoạt động xã hội, hoạt động văn thể mỹ, bài luận, thư giới thiệu, phỏng vấn. Dự kiến phương thức này sẽ là phương thức chủ đạo trong tuyển sinh của trường từ năm 2022.
Còn trường ĐH Nha Trang cũng đẩy mạnh phương thức ưu tiên tuyển thẳng theo quy định riêng của trường như có chứng chỉ quốc tế và đặc biệt những thí sinh tham dự cuộc thi Môi trường xanh.
Có thể nhận thấy, từ năm 2022 các trường đại học đẩy mạnh đa dạng hóa phương thức xét tuyển ở các đối tượng thí sinh, trong đó không chỉ tập trung vào kết quả học tập mà mở rộng phương diện văn thể mỹ.
Theo LÊ PHƯƠNG (Dân Trí)