Để đánh giá sự trưởng thành của bóng đá Việt Nam, hai lần gặp Nhật Bản tại Asian Cup là tham chiếu đủ sức nặng.
Asian Cup 2007, đoàn quân của HLV Alfred Riedl thua 1-4 trước Nhật Bản. Tuyển Việt Nam dẫn trước nhờ đối thủ phản lưới, rồi thua chóng vánh bởi chênh lệch đẳng cấp. 12 năm sau, Việt Nam vẫn thua Nhật Bản, nhưng tỷ số nhẹ nhàng hơn, và màn trình diễn đã khác. Đó là trận đấu thay đổi cái nhìn của đối thủ về thầy trò HLV Park Hang Seo.
HLV Park Hang Seo sẽ truyền luồng sinh khí mới cho tuyển Việt Nam?
Lặp lại cách chơi khoa học như từng thể hiện ở Asian Cup 2019 là đích ngắm lớn nhất của tuyển Việt Nam trong trận tái đấu vào ngày 11-11 tới.
Tuyển Việt Nam gặp khó
Nếu không chơi như ở tứ kết Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam khó đạt mục tiêu. Để lấy điểm trước đội tuyển như Nhật Bản, các học trò của Park Hang Seo phải thi đấu xuất thần, mỗi cầu thủ đều chơi vượt 100% khả năng.
Trên lý thuyết, tuyển Việt Nam có thể làm được. 33 tháng sau lần so tài gần nhất, các cầu thủ đã tích lũy thêm kinh nghiệm. 8 trận vòng loại thứ hai, 4 trận vòng loại thứ ba, thêm 2 năm đá V-League,... những Quang Hải, Công Phượng, Văn Đức có cơ hội để rắn rỏi, chín chắn hơn. Đây là thời điểm lứa 95 - 97 nòng cốt của đội tuyển ở độ chín sự nghiệp.
HLV Park Hang Seo có thêm 2 năm để nhào nặn lứa cầu thủ vào khuôn triết lý, tìm ra thêm gương mặt ưu tú để hoàn thiện sức mạnh đội tuyển.
Nhưng thực tế không đơn giản như vậy. Tuyển Việt Nam đang chơi bóng với chất lượng thấp hơn Asian Cup 2019. Những trận thua trước Australia, Ả Rập Xê Út,... đều nằm trong dự tính, khi các đối thủ đều là khách quen của sân chơi World Cup. Song đáng lo ngại là, nhiều trụ cột đội tuyển không còn giữ được phong độ.
Duy Mạnh khiến tuyển Việt Nam chịu 2 quả phạt đền sau 3 trận gần nhất ra sân.
Sau 4 năm thăng hoa, tập thể của HLV Park Hang Seo đã đi đến một số giới hạn chiến thuật. "Các cầu thủ đá không còn thanh thoát, tự tin như hồi Asian Cup. Ở giải ấy, tuyển Việt Nam đá nhanh, ít chạm, phối hợp lên bóng rất tự tin", một thành viên trong ban huấn luyện đánh giá.
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sức mạnh đội tuyển. 5-11 cầu thủ đá chính ở trận gặp Nhật Bản năm 2019 không góp mặt ở đợt tập trung này, hầu hết do chấn thương. Những chấn thương ấy phần nào xuất phát từ sự mệt mỏi khi phải cày ải liên tục từ năm 2018 đến nay.
Sự quá tải của trụ cột cho thấy HLV Park Hang Seo không có nhiều lựa chọn. Từ khi vinh quang đến lúc gian khó, ông chỉ tin tưởng một nhóm cầu thủ. Thể thao đỉnh cao luôn có giới hạn. Những nền bóng đá có tiềm lực khiêm tốn sẽ sớm chạm ngưỡng nhanh hơn bình thường, đòi hỏi phải thay đổi để tránh tàn lụi.
Chưa kể, dịch COVID-19 khiến bóng đá quốc nội đóng băng. Tuyển Việt Nam từng chơi tốt ở Asian Cup 2019 nhờ đảm bảo nhịp thi đấu cùng sự hưng phấn duy trì suốt năm 2018 - những yếu tố tiêu biến khi dịch bệnh ập đến.
Các cầu thủ chỉ chơi 6 trận chuyên nghiệp trong 3 tháng qua. Nếu không có vòng loại ba, đội tuyển đã có thể "ngồi chơi" đến gần hết năm.
Chơi thế nào trước Nhật Bản?
Kỳ vọng tuyển Việt Nam chơi sòng phẳng như trận đấu năm 2019 là không thực tế. Bộ ba tiền đạo Công Phượng, Văn Đức, Quang Hải mới có 1 trận đá chính cùng nhau trong 4 tháng qua. Ba trung vệ là Ngọc Hải, Duy Mạnh, Tiến Dũng sa sút. 12 trận gần nhất, tuyển Việt Nam nhận 7 quả phạt đền, trong khi con số ở Asian Cup 2019 là 1 quả sau 5 trận.
Cách đây 2 năm, nền móng của tuyển Việt Nam là hàng thủ. Nhờ khối đội hình di chuyển ổn định, đội bóng của Park Hang Seo luôn đầy đủ quân số ở cả công lẫn thủ.
Các cầu thủ không phòng ngự bị động, mà tự tin luân chuyển bóng ngắn, tổ chức lối chơi tạo ra các miếng đánh chiến thuật khiến các cầu thủ đẳng cấp cao như Maya Yoshida, Takehiro Tomiyasu, Gaku Shibasaki vất vả đối phó.
Đó là phong cách HLV Park Hang Seo định hình cho tuyển Việt Nam trong 2 năm đầu, nhưng thời thế buộc ông phải thay đổi.
Trả lời phỏng vấn hôm 6-11, hậu vệ Phạm Xuân Mạnh nói nhà cầm quân người Hàn Quốc đang có điều chỉnh về chiến thuật. Nhưng đổi thế nào, xây lại cách chơi ra sao khi ĐTQG không có một trận đấu nào để thử nghiệm, đồng thời nhiều cầu thủ cùng xuống phong độ là bài toán khó. Thay đổi hay tin tưởng vào bộ khung cũ đều là lựa chọn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Tuyển Việt Nam có hiệp 2 rất tốt trước Australia hôm 7-9.
Muốn tạo bất ngờ, tuyển Việt Nam buộc phải gia cố hàng thủ, đồng thời mạnh dạn cầm bóng, phối hợp ngắn như từng thể hiện 2 năm trước. Ở hiệp 2 trận gặp Australia, tuyển Việt Nam đã chơi rất tốt khi lấy lại thế trận và tung ra số cú sút nhiều gấp đôi đối thủ.
Đó là khi các cầu thủ vẫn phòng ngự, nhưng sẵn sàng đẩy cao đội hình, phối hợp tìm khoảng trống khi giành lại bóng.
Quang Hải cùng đồng đội không còn sung mãn, tự tin như 2 năm trước, nhưng tinh thần thi đấu cùng khát vọng chiến thắng không được mất đi. Trận gặp Nhật Bản sẽ khó khăn, nhưng cũng là cơ hội để nhắc nhở rằng tuyển Việt Nam từng chơi tốt thế nào trước những đội bóng hàng đầu châu lục.
Theo HỒNG NAM (VTC News)