Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 90,5 điểm, tăng 0,11%.
Đồng USD đã tăng 0,9% trong năm nay nhờ lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao và kỳ vọng vào gói chi tiêu kích thích kinh tế của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden không lớn như mức 1.900 tỷ USD như đề xuất.
Theo nhận định của nhiều lãnh đạo và chuyên gia tại Hội nghị diễn đàn trực tuyến WEF 2021, triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu vẫn chưa có gì chắc chắn.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2021 đạt 5,5% nhờ các gói kích thích của các nền kinh tế lớn và khả năng kiểm soát đại dịch COVID-19 giúp khôi phục hoạt động kinh tế.
IMF cũng cảnh báo triển vọng này đang bị đe dọa bởi sự không chắc chắn liên quan tới đại dịch và các vấn đề hậu cần liên quan tới việc phân phối vắc-xin phòng COVID-19.
Tỷ giá
Kinh tế toàn cầu hy vọng sẽ phục hồi song tính khó đoán định lại khá cao do phụ thuộc vào diễn biến của đại dịch, biện pháp phòng chống và kiểm soát COVID-19 của chính phủ các nước cũng như tiến độ sản xuất, phân phối và tiếp nhận vắc-xin của người dân.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết triển vọng phục hồi của nền kinh tế Mỹ còn nhiều bất định.
Chủ tịch Powell cho biết công cụ chính của Fed để theo dõi các hành vi rủi ro là thông qua giám sát, điều tiết thị trường tài chính. Song về lý thuyết, ông sẽ không loại trừ việc sử dụng lãi suất cao hơn để giải quyết tình trạng giá tài sản tăng cao.
Quốc hội Nhật Bản vừa thông qua dự thảo ngân sách bổ sung thứ ba trong tài khóa 2020 để tài trợ cho các biện pháp ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và vực dậy nền kinh tế.
Từ đầu tài khóa 2020 đến nay, Quốc hội Nhật Bản đã thông qua hai dự thảo ngân sách bổ sung với tổng trị giá lên tới 57.600 tỷ yen để tài trợ cho các gói kích thích nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế vượt qua các khó khăn do dịch COVID-19 gây ra. Trên cơ sở đó, Chính phủ Nhật Bản đã tung ra hai gói kích thích kinh tế có tổng trị giá lên tới 230.000 tỷ yen.
Ngày 29/1 (giờ Việt Nam), Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD ở mức: 23.160 đồng. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.125 đồng và bán ra ở mức 23.805 đồng.
Các ngân hàng thương mại giữ tỷ giá ngoại tệ đồng USD phổ biến ở mức 22.970 đồng (mua) và 23.150 đồng (bán).
Vietcombank niêm yết tỷ giá ở mức: 22.970 đồng/USD và 23.150 đồng/USD. Vietinbank: 22.965 đồng/USD và 23.165 đồng/USD. ACB: 22.980 đồng/USD và 23.140 đồng/USD.
Theo ĐÔNG SƠN (Vietnamnet)