Tỷ giá USD hôm nay trên thế giới
Đồng USD giảm giá so với hầu hết các loại tiền tệ vào phiên giao dịch vừa qua, do bị áp lực bởi dữ liệu kinh tế ảm đạm ở nền kinh tế lớn nhất thế giới, làm củng cố kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong 24 giờ qua. Ảnh: Marketwatch |
Chỉ số DXY giảm nhẹ xuống dưới mốc 106, không xa mức cao nhất gần 2 tháng là 106,13 đạt được vào ngày 26-6.
Tuy nhiên, mức giảm của đồng USD nhìn chung đã được hạn chế nhờ nhận xét từ Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic, một cử tri tại Ủy ban Thị trường mở Liên bang trong năm nay.
Theo các báo cáo của Mỹ, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp của tiểu bang đã giảm xuống còn 233.000 trong tuần thứ 3 của tháng 6. Tuy nhiên, số người nhận trợ cấp lại tăng trong tuần thứ 2 của tháng 6.
Đồng thời, các đơn đặt hàng mới cho hàng hóa do Mỹ sản xuất bất ngờ giảm trong tháng 5, cho thấy chi tiêu của doanh nghiệp đối với thiết bị đã giảm trong quý II. Trong khi đó, dữ liệu cho thấy các đơn đặt hàng vốn phi quốc phòng, không bao gồm máy bay, đã giảm 0,6% trong tháng trước. Theo một cuộc thăm dò của Reuters, các nhà kinh tế đã dự báo các đơn đặt hàng vốn cốt lõi sẽ tăng 0,1%.
Nhiều dữ liệu cho thấy tăng trưởng kinh tế giảm mạnh trong quý đầu tiên. Tổng sản phẩm quốc nội tăng với tỷ lệ hằng năm là 1,4% trong quý trước, nhưng giảm so với mức 3,4% trong 3 tháng cuối năm 2023.
Báo cáo GDP cũng cho thấy chi tiêu tiêu dùng yếu. Tăng trưởng tiêu dùng của Mỹ được điều chỉnh giảm xuống còn 1,5%, so với ước tính trước đó là 2%.
Helen Given, nhà giao dịch ngoại hối tại Monex USA ở Washington, Mỹ cho biết: “Có vẻ như các thị trường đang tập trung nhiều hơn vào tiêu dùng cá nhân, với những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Mỹ đang chậm lại”.
Đồng yên Nhật tăng từ mức thấp nhất trong 38 năm so với đồng bạc xanh sau số liệu của Mỹ, ngay cả khi các nhà giao dịch vẫn cảnh giác cao độ về bất kỳ dấu hiệu can thiệp nào của Nhật Bản nhằm hỗ trợ đồng tiền nước này.
Trong phiên giao dịch buổi chiều, đồng yên tăng nhẹ so với đồng bạc xanh, đạt mức 160,765/USD, sau khi giảm xuống mức 160,88 vào phiên giao dịch trước đó, mức thấp nhất kể từ tháng 12-1986.
So với đồng USD, đồng tiền Nhật Bản đã giảm khoảng 2,1% trong tháng này và giảm 12% kể từ đầu năm đến nay, do sự chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ và Nhật Bản.
Tuy nhiên, lần trượt giá mới nhất của đồng yên vượt qua mức quan trọng 160 yên/USD đã khiến các nhà giao dịch quan ngại về khả năng can thiệp từ chính quyền Tokyo, sau khi chi 9,79 nghìn tỷ yên (tương đương 60,94 tỷ USD) vào cuối tháng 4 và đầu tháng 5 để đẩy đồng yên tăng 5% so với mức hiện tại.
Các nhà phân tích cho biết, chính quyền Nhật Bản có thể chờ đợi việc công bố chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ vào cuối tuần này, trước khi tiến hành can thiệp vào thị trường tiền tệ để hỗ trợ đồng yên.
Trong khi đó, đồng bảng Anh tăng 0,2%, đạt mức 1,2643 USD; đồng EUR tăng 0,2%, đạt mức 1,0704 USD.
Đồng EUR đang trên đà giảm khoảng 1,4% trong tháng này, do bị đè nặng bởi bất ổn chính trị ở khu vực đồng EUR, trước thềm cuộc bầu cử ở Pháp, bắt đầu vào cuối tuần này.
Tỷ giá USD hôm nay 28-6-2024: Đồng USD suy yếu sau dữ liệu việc làm ảm đạm. Ảnh: Reuters |
Tỷ giá USD hôm nay trong nước
Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 28-6, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 6 đồng, hiện ở mức 24.264 đồng.
* Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giữ nguyên, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.450 đồng.