Tỷ giá USD hôm nay trên thế giới
Đồng USD giảm sau khi một loạt dữ liệu kinh tế Mỹ yếu hơn dự kiến, củng cố kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay.
Biểu đồ biến động Chỉ số DXY trong 24 giờ qua. Ảnh: Marketwatch |
Đồng bạc xanh giảm sau khi dữ liệu cho thấy bảng lương tư nhân của Mỹ tăng ít hơn một chút so với dự kiến trong tháng 6, và số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ban đầu tăng lên, trong bối cảnh thị trường lao động đang hạ nhiệt.
Trong khi đó, một báo cáo chỉ ra rằng, lĩnh vực dịch vụ của Mỹ đã suy giảm trong tháng trước và số lượng đơn đặt hàng tại nhà máy giảm cũng gây áp lực lên đồng USD.
Ở một diễn biến khác, đồng EUR vẫn kiên cường, được hỗ trợ bởi chỉ số lạm phát cao dai dẳng, cho thấy Ngân hàng Trung ương châu Âu cần cân nhắc kỹ trước khi cắt giảm lãi suất một lần nữa. Trong khi đó, đồng bảng Anh đã tăng trước thềm cuộc bầu cử ở Anh ngày 4-7.
Trước kỳ nghỉ lễ ngày 4-7 tại Mỹ, đồng yên vẫn là tâm điểm chính sau khi giảm xuống 161,96 yên/USD lần đầu tiên kể từ tháng 12-1986. Đồng USD chốt phiên giao dịch tăng 0,1%, đạt mức 161,64, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong phiên trước đó là 161 sau dữ liệu kinh tế ảm đạm của Mỹ.
Đồng yên cũng chạm mức thấp nhất là 174,48 so với đồng EUR. Đồng EUR chốt phiên giao dịch tăng 0,4%, đạt mức 174,22 yên.
Helen Given, nhà giao dịch ngoại hối tại Monex USA ở Washington cho biết: “Ngân hàng Nhật Bản có thể phải đợi cho đến khi Fed cắt giảm lãi suất trước khi can thiệp vào thị trường. Lợi suất trái phiếu Mỹ vẫn còn quá cao, cần có chất xúc tác từ phía đồng USD để khiến chúng giảm xuống và điều đó có thể đến từ những động thái của Fed.
Dữ liệu ngày 3-7 mô tả tổng thể nền kinh tế Mỹ đang chậm lại, làm suy yếu đồng USD. Theo đó, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu ở Mỹ đã tăng vào tuần trước, trong khi số người vẫn đang trong tình trạng thất nghiệp đã tăng hơn nữa, lên mức cao nhất trong 2 năm rưỡi vào cuối tháng 6. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu đã tăng lên mức 238.000 vào tuần cuối cùng của tháng 6.
Một báo cáo khác cho thấy, bảng lương tư nhân đã tăng 150.000 việc làm trong tháng 6, sau khi tăng 157.000 trong tháng 5. Trong một cuộc thăm dò của Reuters, các nhà kinh tế đã dự báo việc làm tư nhân sẽ tăng thêm 160.000.
Jonas Goltermann, Phó giám đốc kinh tế thị trường tại Capital Economics, viết trong một ghi chú sau loạt dữ liệu kinh tế ảm đạm: “Những dữ liệu kinh tế ở Mỹ hiện đang thấp hơn kỳ vọng so với các nền kinh tế lớn khác, báo hiệu thời kỳ đồng USD suy yếu. Chúng tôi dự báo chỉ số DXY sẽ kết thúc năm ở khoảng 106, gần mức hiện tại, trước khi giảm xuống mốc 98 vào cuối năm 2025”.
Đồng EUR đã tăng lên mức cao nhất trong 3 tuần so với đồng USD và chốt phiên giao dịch tăng 0,3%, đạt mức 1,0781 USD.
Sau hàng loạt dữ liệu của Mỹ, thị trường hiện đang định giá 74% khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, tăng từ mức 69% vào 1 ngày trước đó. Thị trường cũng đã định giá 2 lần cắt giảm lãi suất vào năm 2024.
Các quan chức Fed tại cuộc họp gần đây nhất thừa nhận nền kinh tế Mỹ dường như đang chậm lại và “áp lực giá đang giảm dần”. Họ vẫn ủng hộ việc cần thận trọng quan sát các dữ liệu kinh tế trước khi bắt đầu cắt giảm lãi suất, theo biên bản cuộc họp kéo dài hai ngày được tổ chức vào ngày 11 và 12-6.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến các nhà kinh tế của Reuters, trọng tâm thị trường hiện chuyển sang báo cáo bảng lương phi nông nghiệp vào cuối tuần này, dự kiến sẽ cho thấy mức tăng 190.000 việc làm trong tháng 6, sau mức tăng 272.000 trong tháng 5. Tỷ lệ thất nghiệp được dự báo sẽ không thay đổi ở mức 4%.
Tỷ giá USD hôm nay, 4-7-2024: Đồng USD trượt giá, yên Nhật rớt xuống đáy 38 năm. Ảnh: Reuters |
Tỷ giá USD hôm nay trong nước
Trên thị trường trong nước, vào đầu phiên giao dịch ngày 4-7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD tăng 5 đồng, hiện ở mức 24.258 đồng.
* Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước mua vào - bán ra giữ nguyên, hiện ở mức: 23.400 đồng - 25.450 đồng.
Theo Quân đội nhân dân