Ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nông nghiệp

22/01/2021 - 03:56

 - Những năm qua, huyện Châu Thành (An Giang) luôn quan tâm, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ (KH&CN) vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Qua đó, nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp

Nông dân tích cực ứng dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất

Với thế mạnh sản xuất nông nghiệp, huyện Châu Thành đã tích cực đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp phù hợp với điều kiện của từng địa phương. Năm qua, tình hình sản xuất nông nghiệp tuy còn gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định. Giá trị sản xuất (GO) theo giá hiện hành lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2020 đạt trên 6.772 tỷ đồng.

Việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã xuất hiện một số mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao được địa phương duy trì và nhân rộng. Tổng diện tích trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng rau, màu và cây ăn trái đến cuối năm 2020 trên địa bàn huyện trên 770ha (trong đó, gần 339ha rau, màu, trên 431ha cây ăn trái)…

Giai đoạn 2016-2020, huyện chủ động phối hợp với ngành chức năng ứng dụng rộng rãi nhiều tiến bộ KH&CN về giống, phân bón, các biện pháp thâm canh vào sản xuất nông nghiệp. Trong đó, chú trọng phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, gắn sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng, theo tiêu chuẩn, có sức cạnh tranh cao. Đồng thời, mời gọi, khuyến khích doanh nghiệp, nông dân đầu tư mở rộng chăn nuôi gia trại, trang trại theo hướng tập trung, quy mô lớn, an toàn sinh học, nhằm tăng sức cạnh tranh, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm, giúp nông dân an tâm canh tác, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Đến nay, nhiều địa phương đã có sự bứt phá trong phát triển nông nghiệp, hình thành và phát triển nhiều mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu, như: mô hình thử nghiệm các biện pháp sinh học trong quản lý sâu xanh da láng trên cây hành; trồng dưa leo bằng hệ thống tưới nhỏ giọt kết hợp nuôi ong thụ phấn trong nhà lưới; nghiên cứu ứng dụng chế phẩm E.M làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm, trồng rau xà lách xoong trên nền đất lúa 3 vụ, trồng măng tây xanh tại vùng chuyên canh rau màu xã Bình Thạnh, nuôi gà quý phi, trồng nấm rơm dạng trụ…

Thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện Châu Thành đã quy hoạch và triển khai thực hiện các vùng và sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các lĩnh vực, như: lúa, gạo, xã hội hóa giống lúa, chăn nuôi, thủy sản, rau màu, nấm dược liệu, hoa - cây kiểng, cây ăn trái… Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, năm 2020, huyện thực hiện 15 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, phục vụ xây dựng nông thôn mới, từ nguồn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của huyện và tỉnh, với tổng kinh phí gần 1,2 tỷ đồng.

Việc cơ giới hóa được áp dụng rộng rãi vào sản xuất nông nghiệp. Hiện nay, tỷ lệ sử dụng máy móc vào các công việc, như: làm đất, tưới tiêu; công nghệ sau thu hoạch, công nghiệp chế biến nông sản phát triển rất mạnh mẽ. Ngoài ra, nhiều nông dân còn tận dụng các phế phẩm nông nghiệp, như: rơm để trồng nấm rơm, ủ chua làm thức ăn chăn nuôi, làm phân bón cho cây trồng, tạo thêm nhiều việc làm và cải thiện đời sống của người lao động.  Năm 2020, huyện thực hiện diện tích thu gom rơm đạt gần 29.200ha, đạt tỷ lê 36,7% diện tích gieo trồng. Ngoài ra, huyện phối hợp tổ chức 3 lớp dạy nghề cho nông dân về kỹ thuật trồng nấm rơm trong nhà; hỗ trợ nông dân xây dựng 10 mô hình trồng nấm rơm, 10 mô hình ủ rơm với urê làm thức ăn chăn nuôi và thực hiện 20 cuộc hội thảo nhân rộng mô hình tại các xã, thị trấn.

Thời gian tới, để phát triển ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương bền vững, huyện Châu Thành tập trung chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu ngành phát triển theo hướng hiện đại. Đồng thời, tận dụng những lợi thế của địa phương để đẩy mạnh việc ứng dụng rộng rãi hơn nữa những thành tựu KH&CN vào sản xuất nông nghiệp theo hướng tăng giá trị và chất lượng nông sản. Trong đó, tập trung hỗ trợ nông dân về vốn, chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng cây, con giống chất lượng cao. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu nông sản, chuỗi liên kết, truy xuất nguồn gốc xuất xứ để đẩy mạnh tiêu thụ các mặt hàng có lợi thế của địa phương…

Bài, ảnh: TRUNG HIẾU

 

Liên kết hữu ích