Xã Bình Thủy là vùng sản xuất rau màu lớn của huyện Châu Phú cung cấp cho các địa phương trong và ngoài huyện. Những năm qua, nông dân canh tác rau màu ở xã từng bước thay đổi tư duy sản xuất, chuyển dần sang hướng sản xuất rau màu quy mô lớn, phát triển nông nghiệp sạch, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cũng như nhiều hộ dân khác ở địa phương, trước đây, gia đình anh Lê Minh Toàn chủ yếu canh tác rau màu thương phẩm. Nhận thấy nhu cầu về cây giống rau màu của người dân ngày càng tăng cao, trong khi nguồn cây giống thời gian qua chủ yếu nông dân tự cung cấp hoặc mua từ các địa phương khác. Do đó, anh Toàn mạnh dạn chuyển từ canh tác rau màu thương phẩm sang sản xuất cây giống để cung ứng cho nông dân trong và ngoài địa phương.
Với diện tích 0,4ha thực hiện mô hình ươm cây giống, anh Toàn đầu tư trang thiết bị, vật tư sản xuất... để ươm các loại cây giống theo nhu cầu thị trường. Kinh doanh cây giống rau màu mang lại thu nhập khá tốt, nhưng quá trình sản xuất cây giống tương đối vất vả, vì đòi hỏi người trồng tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, hạt giống phải bảo đảm chất lượng tỷ lệ nảy mầm mới đạt cao, chống được sâu bệnh… “Để có được cây giống chất lượng cung cấp đến tay nông dân, phải trải qua nhiều công đoạn, như: Trộn giá thể, vô hạt, ươm giống… Mỗi công đoạn đòi hỏi chăm sóc tỉ mỉ, việc bón phân, theo dõi sâu bệnh phải chặt chẽ. Có như vậy, khi đưa cây giống ra môi trường sẽ có tỷ lệ sống cao. Thông thường mỗi vụ gieo trồng cây giống kéo dài khoảng 30 - 45 ngày, tùy từng loại giống cây trồng”- anh Toàn chia sẻ.
Ươm cây giống rau màu đáp ứng nhu cầu thị trường
Mô hình ươm cây giống của anh Lê Minh Toàn được thực hiện theo hướng canh tác mới, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, nên sản phẩm tạo ra đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn an toàn, sạch bệnh, đáp ứng yêu cầu của nông dân, vì vậy được nhiều người trong và ngoài địa phương đón nhận. Hiện, mỗi ngày, anh Toàn cung cấp ra thị trường trên 50.000 cây giống rau màu các loại, lợi nhuận thu về bình quân khoảng 30 triệu đồng/vụ. Sau hơn 2 năm đầu tư phát triển mô hình ươm cây giống rau màu, anh Toàn đã thu hồi được vốn đầu tư ban đầu. Ngoài phát triển kinh tế gia đình, mô hình ươm cây giống rau màu còn góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương.
Trước kia, nhiều nông dân canh tác rau màu thường tự ươm cây giống theo phương pháp thủ công để phục vụ canh tác, mất nhiều thời gian, cần nhiều nhân công lao động, ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm rau màu. Khi mô hình ươm cây giống phát triển, cung cấp cây giống rau màu ra thị trường giúp nông dân tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và chi phí thuê nhân công lao động trong việc cấy ươm và gieo hạt giống. Mặc khác, khi dùng cây giống được ươm đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng sẽ giúp tỷ lệ sống của cây cao hơn, đáp ứng được nhu cầu sản xuất rau màu tại địa phương. Ngoài ra, mô hình còn giúp nông dân tiếp cận được nguồn cây giống thuận tiện, chủ động được nguồn giống cung cấp kịp thời cho nông dân và đáp ứng nhu cầu thị trường về sản xuất sạch, cây giống chất lượng, tỷ lệ hao hụt ít.
Hiện nay, khi khách hàng có nhu cầu về cây giống, anh Lê Minh Toàn cung cấp đến tận nơi và sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng, lựa chọn giống cây trồng hiệu quả, phù hợp theo từng thời vụ cho người có nhu cầu. Theo anh Lê Minh Toàn, mô hình “Ươm cây giống phục vụ sản xuất chuyên canh rau màu” có chi phí đầu tư trên 1 đơn vị diện tích không quá cao, nông dân có thể tự đầu tư thực hiện hoặc liên kết với nhau để phát triển mô hình. Dù mô hình sản xuất cây giống rau màu được ứng dụng công nghệ vào sản xuất, nhưng không quá phức tạp, nông dân có sẵn kiến thức về sản xuất nông nghiệp đều có thể áp dụng. Do thị trường còn nhiều tiềm năng, nhu cầu về cây giống rau màu hiện nay vẫn rất lớn nên mô hình có thể nhân rộng để cung cấp sản phẩm cho thị trường.
MỸ LINH