Vấn đề hiện nay của nền kinh tế đang nằm ở tổng cầu

11/07/2023 - 14:22

Kinh tế Việt Nam đã trải qua hai quý đầu năm đầy khó khăn và thách thức nhưng triển vọng trong trung hạn là tích cực. Khi chi tiêu Chính phủ, tổng mức đầu tư công không còn được duy trì ở mức cao, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại thì tiêu dùng trong nước cần phải tăng lên để thế chỗ. Các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, hộ gia đình cũng cần được gia tăng và đẩy mạnh, giúp nền kinh tế có một cơ cấu về tổng cầu bền vững hơn, từ đó đóng góp cho tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế. Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Vietnam trả lời phỏng vấn Nhân Dân điện tử về vấn đề này.

Tiến sĩ Lê Duy Bình

Tăng trưởng GDP thấp hơn kỳ vọng do xuất nhập khẩu suy giảm

Phóng viên: Ông nhận định thế nào về tình hình kinh tế Việt Nam nửa đầu năm 2023?

Tiến sĩ Lê Duy Bình: Trong sáu tháng đầu năm, năng lực sản xuất và cung ứng của nền kinh tế vẫn được duy trì. Trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, số lượng doanh nghiệp đăng ký mới và quay trở lại hoạt động bắt đầu gia tăng trở lại. Tổng đầu tư toàn xã hội vẫn tiếp tục gia tăng.

Đầu tư công được đẩy mạnh. Năng lực cơ sở hạ tầng vẫn được tập trung cải thiện. Tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng đang được đẩy mạnh. Trong những năm vừa qua, tính trung bình mỗi ngày chúng ta xây xong hơn 1km đường cao tốc và dự kiến tốc độ này vẫn tiếp tục sẽ được duy trì bền bỉ trong ba năm tới, thậm chí đến tận năm 2030.

Bên cạnh đó còn hàng loạt các cảng biển, cảng đường sông, sân bay, hệ thống viễn thông, năng lượng được hoàn thành, nhờ đó cải thiện đáng kể năng lực sản xuất của nền kinh tế.

Tuy nhiên trong sáu tháng vừa qua, năng lực sản xuất đó vẫn chưa chuyển hóa thành kết quả tăng trưởng kinh tế như mục tiêu đề ra. Vấn đề hiện nay của nền kinh tế dường như đang nằm ở tổng cầu.

Từ góc độ tổng cầu, tiêu dùng nội địa với chỉ dấu quan trọng là tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng vẫn tiếp tục tăng. Chi tiêu chính phủ tăng mạnh so với các năm trước về con số tuyệt đối, với khoảng 226.000 tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân trong sáu tháng đầu năm.

Đầu tư của doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài bắt đầu tăng trở lại và có những dấu hiệu tăng tích cực hơn trong những quý tới.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu đã suy giảm và đây được cho là nguyên nhân chính làm suy giảm tổng cầu của nền kinh tế và cũng là trở lực lớn nhất khiến tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt tốc độ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu.

Nền kinh tế Việt Nam dường như dễ bị tổn thương hơn trước sự suy giảm của kinh tế toàn cầu so với nhiều nền kinh tế khác trong khu vực. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam so cùng kỳ giảm sâu hơn so với một số nước trong khu vực ASEAN.

Xuất khẩu của Việt Nam trong sáu tháng đầu năm giảm 12,1% trong khi mức suy giảm của Thái Lan chỉ là 5,1%, Indonesia 6%, Malaysia giảm 2,3%. Xuất khẩu là thế mạnh của Việt Nam nhưng cũng là điểm dễ bị tổn thương khi điều kiện thị trường toàn cầu trở lên bất lợi.

Xuất khẩu là thế mạnh của Việt Nam nhưng cũng là điểm dễ bị tổn thương khi điều kiện thị trường toàn cầu trở lên bất lợi.

Tiến sĩ Lê Duy Bình

Phóng viên: Các động lực cho tăng trưởng đang có sự thay đổi. Theo ông, đâu là dư địa cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới?

Tiến sĩ Lê Duy Bình: Từ góc độ tổng cầu, rõ ràng không thể và không nên kỳ vọng chi tiêu Chính phủ sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao như năm 2023. Chi tiêu Chính phủ quá lớn trong thời gian dài sẽ dẫn đến những rủi ro về nợ công hay về tác động lấn át đầu tư tư nhân.

Cầu từ thị trường xuất khẩu đã và sẽ luôn là động lực quan trọng ít nhất trong giai đoạn trước mắt. Nhưng tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu luôn ở mức gấp 1,5 lần, thậm chí gấp hai lần so với mức tiêu dùng nội địa sẽ khiến nền kinh tế ngày một phụ thuộc hơn vào thị trường toàn cầu, khiến nền kinh tế rất dễ bị tổn thương khi thị trường thế giới có biến động lớn.

Hiện trạng của nền kinh tế và những thách thức hiện nay giúp chúng ta nhận thức một yêu cầu quan trọng đối với nền kinh tế. Đó là cần tái cấu trúc lại tổng cầu của nền kinh tế và cũng từ đó có những chỉ dấu cho việc tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh.

Chú trọng hơn tới thị trường trong nước, phát triển năng lực của doanh nghiệp trong cung ứng cho hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước, không để mất thị phần về hàng hóa, dịch vụ ngay trên sân nhà sẽ mở rộng tổng cầu cho các doanh nghiệp trong nước.

Khuyến khích gia tăng đầu tư nhằm phục vụ tốt hơn thị trường hàng hóa, dịch vụ trong nước cũng góp phần tăng tổng cầu, mở rộng dư địa tăng trưởng của nền kinh tế.

Vào trung tuần tháng 4/2023, chúng ta vui mừng chào đón công dân thứ 100 triệu. Đối với các tập đoàn hàng tiêu dùng, họ vui mừng chào đón người tiêu dùng thứ 100 triệu ở thị trường Việt Nam. Điều đó cho thấy tầm quan trọng ngày một lớn hơn của tiêu dùng trong nước, của thị trường, của cầu về hàng hóa, dịch vụ trong nước.

Chúng ta thường phấn khích mỗi khi kim ngạch xuất khẩu đạt thành tích 200 tỷ, 250 rồi 300 tỷ USD nhưng lại lặng lẽ, thờ ơ khi tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng cán mốc 150 tỷ, 200 tỷ và sắp tới đây là 250 tỷ USD. Điều này cho thấy chúng ta dường như vẫn quan tâm nhiều hơn tới thị trường xuất khẩu hơn là thị trường trong nước.

Chúng ta thường phấn khích mỗi khi kim ngạch xuất khẩu đạt thành tích 200 tỷ, 250 rồi 300 tỷ USD nhưng lại lặng lẽ, thờ ơ khi tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ hàng hóa tiêu dùng cán mốc 150 tỷ, 200 tỷ và sắp tới đây là 250 tỷ USD. Điều này cho thấy chúng ta dường như vẫn quan tâm nhiều hơn tới thị trường xuất khẩu hơn là thị trường trong nước.

Tiến sĩ Lê Duy Bình

Giảm lãi suất phải đi kèm năng lực hấp thụ vốn

Phóng viên: Thị trường bất động sản chưa được khơi thông cũng là nguyên nhân làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Ông có khuyến nghị gì về vấn đề này?

Tiến sĩ Lê Duy Bình: Tổng vốn đầu tư đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành kinh doanh bất động sản trong sáu tháng đầu năm chỉ đạt 1,53 tỷ USD, giảm 51,5% và sự khó khăn của ngành bất động sản đã ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế.

Nhưng vấn đề đối với ngành bất động sản có lẽ còn nhiều hơn thế từ góc độ tăng trưởng. Trên thực tế, ngành bất động sản, cụ thể là phân khúc nhà ở, nhà cho thuê là một cấu phần rất đáng kể trong khoản mục tiêu dùng trong nước và trong tổng cầu.

Sự trầm lắng của thị trường bất động sản, đặc biệt là phân khúc nhà ở, nhà cho thuê, dịch vụ nhà ởtrong thời gian qua là một nguyên nhân quan trọng khiến tổng cầu suy giảm và ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng GDP.

Đáng chú ý, tiềm năng cầu đối với nhà ở và khả năng chi tiêu cho nhà ở, nhà cho thuê là có thực, có quy mô lớn và là cầu có khả năng chi trả và người dân sẵn lòng chi trả nhưng đã không được hiện thực hoá để đóng góp vào tổng cầu của nền kinh tế trong năm 2023.

Lý do lớn nhất là nguồn cung nhà ở cho những người có nhu cầu thực hiện đang rất khan hiếm. Trong khi đó, cung bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng lại đang dư thừa.

Sự lệch pha này khiến nền kinh tế bỏ lỡ việc đáp ứng một lượng cầu có thực, có khả năng chi trả và từ đó bỏ lỡ cơ hội đáng kể đóng góp về điểm phần trăm cho tăng trưởng trong thời gian vừa qua.

Phát triển bền vững thị trường nhà ở, nhà cho thuê và dịch vụ nhà vì vậy cần được khẳng định một cách rõ ràng hơn do ý nghĩa đóng góp của nó đối với tổng cầu của nền kinh tế không chỉ trong trước mắt và trong trung và dài hạn.

Phóng viên: Từ trước đến nay luôn có những đề xuất tiếp tục giảm lãi suất để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Tiến sĩ Lê Duy Bình: Ngân hàng Nhà nước đã nỗ lực điều hành hướng tới hạ mặt bằng lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Tuy nhiên, tính đến ngày 20/6/2023, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 3,58% so với thời điểm cuối năm 2022 và tăng 0,97% so với cuối quý I/2023.

Tiếp tục sử dụng các công cụ của chính sách tiền tệ giảm lãi suất cho vay đối với nền kinh tế là điều thực sự cần thiết nhưng vẫn cần được thực hiện trên cơ sở thận trọng cân nhắc tới các chỉ số kinh tế vĩ mô khác như chỉ số giá tiêu dùng, lạm phát, tỷ giá hối đoái, hay mức thâm hụt ngân sách.

Đồng thời cũng cần phải thừa nhận một thực tế là giảm lãi suất mới chỉ là một chìa khóa để mở cánh cửa đưa tín dụng quay trở lại nền kinh tế mạnh mẽ hơn. Chìa khóa thứ hai do chính các doanh nghiệp và người dân nắm giữ, đó là năng lực hấp thụ vốn, hay nói cách khác là năng lực sử dụng vốn hiệu quả của chính các doanh nghiệp, nhu cầu vay vốn và sử dụng vốn của người dân.

Lãi suất giảm nhưng doanh nghiệp có vay được vốn hay không còn do chính các doanh nghiệp và người dân quyết định trên các nguyên tắc thương mại bình đẳng giữa ngân hàng và doanh nghiệp, người dân.

Giảm lãi suất cho vay cũng cần đi kèm với năng lực hấp thụ vốn của doanh nghiệp được cải thiện, đơn hàng của doanh nghiệp gia tăng, cơ hội thị trường, cơ hội kinh doanh xuất hiện nhiều hơn, đa dạng hơn, hay các yếu tố khác ví dụ như nguồn cung của thị trường nhà ở, dịch vụ nhà ở được cải thiện.

Tôi cho rằng, những khó khăn của nền kinh tế hiện nay là rất thách thức nhưng có thể được vượt qua.

Tiến sĩ Lê Duy Bình

Phóng viên: Ông nhận định gì về triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối năm 2023?

Tiến sĩ Lê Duy Bình: Tôi cho rằng, những khó khăn của nền kinh tế hiện nay là rất thách thức nhưng có thể được vượt qua. Ngay cả khi tốc độ tăng trưởng chỉ đạt ở mức kịch bản thấp hơn mục tiêu kế hoạch cũng không phải là điều quá tệ trong bối cảnh suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu.

Điều quan trọng là phải tiếp tục duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô, sức khỏe của ngành ngân hàng, hệ thống tài chính, duy trì niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư. Triển vọng kinh tế trong trung hạn của nền kinh tế là tích cực.

Những khó khăn và thách thức hiện nay cũng là cơ hội để nền kinh tế tự nhìn nhận lại, tiếp tục điều chỉnh, tái cấu trúc để có năng lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn, có sức chống chọi cao hơn,hướng tới mục tiêu tự chủ, tự cường.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Nhân Dân