An Giang được thiên nhiên ưu đãi khi hình thành địa hình đồng bằng lẫn đồi núi, cùng với đó là cộng đồng 4 dân tộc: Kinh, Chăm, Hoa, Khmer cùng sinh sống, hòa thuận, chia sẻ cách làm ăn, cùng nhau phát triển…
Mỗi dân tộc đều có nét VH đặc trưng riêng nhưng lại phối trộn hài hòa, tạo nên một bức tranh VH đầy màu sắc. Nếu biết phát huy nền tảng vốn có này để phục vụ cho việc phát triển DL, chắc chắn hành trình đến An Giang sẽ tạo nên điểm nhấn riêng biệt trong lòng du khách.
Trong đời sống sinh hoạt người dân An Giang nói riêng, Nam Bộ nói chung, loại hình đờn ca tài tử (ĐCTT) trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, tạo sức hút đối với du khách gần xa và dần “góp mặt” nhiều hơn vào các tour DL.
Ở TX. Tân Châu, Câu lạc bộ ĐCTT của địa phương với nhiều nghệ nhân và nghệ sĩ “gạo cội” rất tự hào vì mình là những người giữ nghề.
Ngoài biểu diễn trong chương trình nghệ thuật, sự kiện, giao lưu trong và ngoài tỉnh, đây còn là đội ĐCTT được yêu thích được mời diễn hợp đồng trên các tàu DL đến từ TP. Hồ Chí Minh…
ĐCTT là sản phẩm đặc biệt mang giá trị tinh thần nghệ thuật cao quý, được vinh danh là di sản VH phi vật thể đại diện của nhân loại nên sẽ rất ý nghĩa khi phát triển thành sản phẩm DL đặc thù.
Bên cạnh đó, lịch sử phát triển của đồng bào Khmer ở An Giang mang nét riêng rất độc đáo vì nó gắn liền với tập quán sinh hoạt, VH, tôn giáo…
Với bà con Khmer, chùa được xem là “điểm sáng VH” của phum, sóc; còn dàn nhạc ngũ âm là “linh hồn” của đồng bào Khmer. Dàn nhạc ngũ âm được tổng hợp từ 5 loại chất liệu, cấu tạo thành 9 loại nhạc khí khác nhau nên mỗi loại nhạc cụ đều có đặc trưng về âm thanh riêng biệt.
Khi dàn nhạc ngũ âm cùng hòa hợp sẽ hỗ trợ cho nhau, tạo thành bản nhạc vô cùng độc đáo. Để bảo tồn các giá trị VH truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào Khmer Nam bộ nói chung, đồng bào Khmer Bảy Núi nói riêng, nhạc ngũ âm đã được đưa vào dạy tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh và Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú tỉnh.
Với tiếng trống bập bùng, âm vang chủ đạo làm thay đổi hẳn không khí lễ hội, lúc như thúc giục, khi thì khoan thai, cuốn hút mọi lứa tuổi. Đây là nét VH độc đáo, nếu biết kết hợp với DL sẽ là điểm nhấn trong hành trình khám phá vùng đất Bảy Núi.
“Khách nước ngoài rất hứng thú tìm hiểu VH, lịch sử về chiều sâu hơn là nhu cầu nghỉ dưỡng, kể cả trong dịch vụ ăn uống, giải trí. Du khách muốn đắm mình nhiều hơn vào không gian VH, ngắm nhìn nhạc cụ nhằm lưu lại những dấu ấn, kỷ niệm đáng nhớ” - chị Bùi Phương Thảo, hướng dẫn viên một công ty DL khẳng định.
Mô hình DL nông nghiệp ở xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) đã và đang giúp những người nông dân giải quyết việc làm tại chỗ, tăng thu nhập mà còn là dịp để người dân An Giang thể hiện nét VH độc đáo. Đến đây, nhiều du khách nước ngoài tỏ ra thích thú, hào hứng, bởi họ được trải nghiệm cuộc sống của người nông dân Việt Nam.
Ban ngày thì trồng rau, hái trái cây, bắt cá, tham quan nhiều di tích, làng nghề ở địa phương. Đêm đến, quây quần bên nhau nghe ĐCTT, thưởng thức nhiều món ăn dân dã.
Theo ông Tôn Thất Đính (Hợp tác xã nông nghiệp và DL xã Mỹ Hòa Hưng) người dân Nam Bộ thật thà, chất phác, hào sảng là nét thu hút với du khách nước ngoài. Chính vì vậy, để có thể giữ chân du khách cần phải giữ gìn những nét VH riêng, không để mai một các làng nghề truyền thống.
Hiện nay, cùng với việc hình thành Hợp tác xã nông nghiệp và DL xã Mỹ Hòa Hưng, các hộ làm DL ở địa phương đã biết kết nối với nông dân trồng các vườn cây ăn trái, nhằm lưu giữ chân du khách ở lại lâu hơn…
Biểu diễn nhạc ngũ âm
Du khách nước ngoài thưởng ngoạn cảnh đồng quê
ÁNH NGUYÊN