Xứng đáng là “tờ hịch” cổ vũ các phong trào cách mạng!

21/06/2023 - 06:03

 - Ngay từ những năm tháng tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã sớm tham gia các hoạt động báo chí. Sau khi thành lập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên - tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 21/6, Báo Thanh Niên cũng được thành lập. Đây là tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam. Sự kiện lịch sử này đặt dấu mốc khởi nguồn cho sự ra đời, không ngừng phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam.

Bác Hồ chỉ dạy nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng”. Báo chí phục vụ nhân dân thông qua tuyên truyền, giải thích đường lối, chính sách của Đảng và Chính phủ để dân hiểu rõ và làm theo. Nhà báo được giao nhiệm vụ rất vẻ vang, vì vậy mỗi người làm báo phải ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện để hoàn thành tốt nhiệm vụ; luôn giữ được “tâm sáng, lòng trong, bút sắc”. Nhắc lại chỉ dạy của Lê-nin, Bác căn dặn: “…

Báo chí là người tuyên truyền, người cổ động, người tổ chức chung, người lãnh đạo chung. Vì vậy, nhiệm vụ của người làm báo là quan trọng và vẻ vang. Muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ ấy thì phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản; phải nâng cao trình độ văn hóa, phải đi sâu vào nghiệp vụ của mình. Cần phải luôn luôn cố gắng, mà cố gắng thì nhất định thành công”.

Không chỉ phục vụ nhiệm vụ chính trị, báo chí còn có vai trò tiên phong với tư cách là “tờ hịch cách mạng” động viên quần chúng, tạo ra phong trào cách mạng với tính chiến đấu cao. Tính chiến đấu không chỉ nhằm tiến công vào kẻ thù của cách mạng, mà còn biểu dương những tấm gương tiêu biểu trong chiến đấu và lao động để cổ vũ mọi người hăng hái tham gia các phong trào cách mạng.

Báo chí phải nhanh chóng phát hiện ra cái mới, ủng hộ cái tốt; đứng về phía cái mới, kiên quyết đấu tranh với cái cũ; đứng về phía cái tốt, đấu tranh với cái không tốt. Bác nhấn mạnh: “Tờ báo chỉ là giấy trắng mực đen mà thôi. Nhưng với giấy trắng mực đen ấy, người ta có thể viết những bức tối hậu thư”.

Đảng ta luôn luôn coi báo chí là phương tiện, vũ khí sắc bén để tuyên truyền, cổ vũ, động viên, tập hợp, tổ chức và vận động nhân dân thực hiện những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Kể từ đổi mới đến nay, báo chí luôn bám sát định hướng chính trị của Đảng, tuyên truyền kịp thời, sâu rộng các sự kiện trọng đại của đất nước. Là diễn đàn của nhân dân, báo chí luôn bám sát thực tiễn, phản ánh tiến trình vận động của cuộc sống, kịp thời nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Thông qua báo chí, nhân dân được tự do bày tỏ tâm tư, ý kiến của mình với Đảng, với nhà nước.

Mặt khác, nhân dân thể hiện sự tin tưởng vào cơ quan ngôn luận bằng những hành động thiết thực như phát hiện, đấu tranh chống tiêu cực thông qua báo chí. Báo chí đã thật sự là cầu nối giữa Đảng với dân, giữa dân với Đảng. Nhân dân tin tưởng và ngày càng tìm đến với diễn đàn báo chí nhiều hơn. Qua đó, báo chí có điều kiện định hướng đúng đắn dư luận xã hội. Báo chí là diễn đàn để nhân dân trao đổi, bày tỏ ý kiến, nguyện vọng chính đáng của mình, góp phần tham gia vào giải quyết các vấn đề của đất nước.

Làm việc với Hội Nhà báo Việt Nam và lãnh đạo các cơ quan báo chí, nhân kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2023). Thay mặt lãnh đạo Đảng, nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương nỗ lực, thành tích, kết quả, sự cống hiến của Hội Nhà báo Việt Nam và những người làm báo trên cả nước, góp phần quan trọng vào thành tích chung, để đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Thủ tướng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam đẩy mạnh hoạt động tập hợp lực lượng, xây dựng đội ngũ những người làm báo, chú trọng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn cho hội viên để “phụng sự Tổ quốc”, “phụng sự nhân dân”, “phụng sự giai cấp và nhân loại” như lời Bác Hồ kính yêu từng căn dặn.

Thủ tướng nhấn mạnh: “Chúng ta cùng nhau chung sức đồng lòng, xây dựng đội ngũ những người làm báo nhạy về chính trị, nhạy bén về kinh tế, sâu sắc về khoa học - công nghệ, nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, vì nhân dân phục vụ, tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì lợi ích của nhân dân”. Người đứng đầu Chính phủ còn lưu ý: “Tuyệt đối không để trống, không nhường mặt trận nóng bỏng này cho các thế lực thù địch…”.

Báo chí cách mạng phải luôn xứng đáng là những “tờ hịch cách mạng”.

TRUNG THÀNH