Cây kẹo kéo ngày xưa

21/11/2024 - 07:00

 - Hồi đó, trước cổng trường tiểu học của tôi có một ông già chuyên bán kẹo kéo bằng cách cho quay số may mắn. Ông chạy chiếc xe đạp cũ, chở thỏi kẹo kéo trắng, bự bằng bắp tay người lớn. Nhiều món đồ chơi tặng thưởng được ông treo lủng lẳng quanh xe, đặc biệt là cây đèn pin mới cáu. Ông nói đó là phần thưởng cho ai quay trúng ô “đặc biệt”, còn nếu quay trật hết, vẫn được cây kẹo kéo ngọt ngây.

Bữa nào được má cho tiền đi học, tôi nhất định quay kẹo kéo. Tôi nhớ lúc ấy, mỗi lượt quay số chỉ tốn có 200 đồng, nhưng nhiều khi cả tuần tôi mới được má cho một lần. Những bữa không có tiền, giờ ra chơi tôi vẫn chạy đến chỗ ông già. Tôi say sưa nhìn mấy đứa bạn quay, hồi hộp khi cái “lưỡi gà” lướt qua lướt lại ở những ô may mắn. Đứa nào quay trúng phần thưởng, tôi nhảy dựng lên, mừng còn hơn mình được trúng. Tụi nó trật, tôi cũng tiếc hùi hụi. Dĩ nhiên, nhìn tụi nó ăn kẹo tôi thèm muốn chết. Nhiều lần, tôi định xin nó cho cắn một miếng, nhưng tôi nghĩ chắc nó sẽ không cho đâu. Bởi nếu tôi có cây kẹo đó, tôi sẽ chẳng cho ai miếng nào.

Có lần, không biết má lấy đâu ra tiền mà cho tôi tới 600 đồng. Má dặn tôi: “Nhớ ăn hàng nhín nhín thôi nghe chưa”. Tôi dạ ngọt xớt, lòng tự nhủ mỗi ngày chỉ xài một tờ 200 đồng, ít nhất 3 ngày tôi mới hết tiền. Thế nhưng, bữa sau gặp xe kẹo kéo, tôi liền bị cám dỗ. Tôi mạnh dạn đưa 200 đồng đầu tiên cho ông già, quay vòng tròn may mắn. Tôi quay thật mạnh để kéo dài cảm giác hồi hộp. Vòng xe chậm dần lại, rồi, sát với ô đặc biệt, một chút nữa thôi. Tôi thấy cái lưỡi gà đã cong qua ô đặc biệt rồi nhưng nó lại dừng. Cả đám chúng tôi ồ lên kinh ngạc, tức tối. Tôi nhận cây kẹo “an ủi” mà lòng tiếc ngẩn tiếc ngơ. Ông già nói: “Còn chút xíu nữa là được cây đèn pin rồi, uổng quá, uổng quá”. Tôi lưỡng lự một chút rồi lấy tờ tiền thứ hai ra chơi tiếp. Lần này, cũng nghiệt ngã không khác gì lần trước. Cái lưỡi gà đã nằm trong ô đặc biệt rồi, tôi định hét lên, nhưng nó từ từ cong lại rồi lướt qua cây đinh một cách khó nhọc. Thử thêm một lần nữa, tôi cũng thất bại ê chề.

Về nhà, má thấy mặt tôi bí xị, hỏi một hồi liền biết chuyện. Má rầy một trận, cấm không cho đụng vào món đó nữa. Tôi vừa buồn vừa sợ má, nên từ đó không dám rớ tới. Thực sự, tôi thích cây đèn pin lắm. Vì nhà tôi ở giữa đồng, xài đèn dầu, nếu có cây đèn pin rọi lúc cần đi đâu đó vào ban đêm thì còn gì bằng. Nhưng giấc mơ có được cây đèn pin bằng trò may rủi đành khép lại như thế.

Sau này, tôi đi học rồi đi làm xa quê, thỉnh thoảng mới về một lần. Đợt đó về gần trường cũ thì bị bể bánh xe, tôi ghé vá, gặp lại ông già. Lúc này, ông đã nghỉ bán kẹo kéo, cất cái chòi nhỏ vá xe. Nghe tôi nhắc chuyện “vòng quay may mắn”, ông bỗng sựng lại. Lát sau, ông mới chậm rãi nói, thật ra ông có lỗi với mấy đứa lắm. Cái vòng ấy rất khó quay vô ô đặc biệt, mà nếu vô, ông dùng “mẹo” chút xíu là nó lại ra ngoài. Hồi đó ông nghèo, sống neo đơn, khó khăn quá nên nghĩ ra trò đó. Sau một thời gian, thấy kỳ quá nên ông nghỉ, giờ làm nghề vá xe đắp đổi sống được qua ngày.

Tôi nói: “Con biết “mẹo” của ông, má con nói lâu rồi. Nhưng con không ghét ông, không giận ông, vì có 200 đồng mà cỡ nào tụi con cũng được cây kẹo kéo dẻo ngọt, trong ruột đầy đậu phộng như vậy là quá tuyệt rồi. Nhờ có ông mà tuổi thơ của chúng con thật sinh động”. Ông nghe xong, không biết nghĩ gì mà tôi thấy ông cười, nụ cười tự nhiên làm lộ hàm răng đã rụng còn có mấy cái.

TRƯƠNG CHÍ HÙNG