Văn học - nghệ thuật đồng hành cùng sự phát triển của đất nước

14/01/2022 - 07:02

 - Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, nền văn học - nghệ thuật (VHNT) cách mạng Việt Nam thực hiện tốt sứ mệnh đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc vượt qua bao khó khăn, thăng trầm để có được vị thế như hôm nay. Đảng và nhà nước ta đã có những chỉ đạo, định hướng cho nền VHNT Việt Nam tiếp tục hoàn thành sứ mệnh trong tình hình mới.

Vốn quý của dân tộc

Tại Hội thảo khoa học toàn quốc chủ đề “VHNT với những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đất nước hôm nay” được tổ chức tại TP. Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương Nguyễn Thế Kỷ khẳng định: “VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Đó là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân - thiện - mỹ của con người, trở thành động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. VHNT Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế phải phát triển toàn diện, mạnh mẽ, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ. Giới văn nghệ sĩ Việt Nam cần có nhiều tác phẩm mang giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, vừa có tác dụng định hướng và đáp ứng nhu cầu văn hóa - tinh thần ngày càng cao của nhân dân…”.

Ông Nguyễn Thế Kỷ cũng khẳng định, tài năng VHNT là vốn quý của dân tộc. Do đó, việc phát hiện, bồi dưỡng, quý trọng và phát huy tài năng VHNT là trách nhiệm của toàn xã hội, trước hết là của Đảng, nhà nước và tổ chức trong hệ thống chính trị các cấp. Cần tôn trọng, bảo đảm quyền tự do sáng tạo, phát huy tính độc lập, khơi dậy tiềm năng của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ là “người chiến sĩ” xây dựng và phát triển nền văn nghệ tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện lòng yêu nước nồng nàn, gắn bó máu thịt với nhân dân, nêu cao trách nhiệm công dân, tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị phụng sự đất nước và dân tộc…

Các văn nghệ sĩ tỉnh An Giang tiếp tục đóng góp tích cực vào nền văn học – nghệ thuật cách mạng Việt Nam.

Cũng tại hội nghị này, GS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương khẳng định: "VHNT đã và đang thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập quốc tế. Hiện nay, VHNT còn thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ chủ quyền biên giới, biển, đảo; quảng bá, giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra nước ngoài. Đặc biệt là đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch".

Lấy người dân làm trung tâm

Khi làm việc với lãnh đạo Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam về một số đề án, chương trình phát triển VHNT trong giai đoạn mới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ niềm tự hào với thành tựu nền VHNT nước nhà.

Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nền VHNT Việt Nam đã thực hiện tốt sứ mệnh của mình, đồng hành cùng đất nước, nhân dân, góp phần cùng dân tộc vươn lên. Mặc dù có những thăng trầm, song luôn luôn xuất hiện tác giả, tác phẩm xuất sắc, góp phần khắc họa giá trị con người Việt Nam.

Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Do đó, VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa. Phát triển văn hóa nói chung và VHNT nói riêng phải ngang tầm với phát triển kinh tế, chính trị, xã hội. Văn hóa, nghệ thuật phải lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu và động lực của sự phát triển. VHNT phải góp phần hướng con người đến chân - thiện - mỹ, cũng là giá trị cốt lõi của dân tộc ta.

 Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam hoàn thiện kế hoạch, chương trình, hành động để thực hiện nhiệm vụ của mình, khắc phục hạn chế, yếu kém, hoàn thành sứ mệnh đối với đất nước, nhân dân. Đồng thời, đẩy mạnh giao lưu, hợp tác quốc tế, quảng bá VHNT, văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Đặc biệt, cần thực hiện tốt 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra: Tiếp tục xây dựng nền dân chủ XHCN, nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường XHCN; tăng cường hội nhập với phương châm “hòa nhập nhưng không hòa tan”; góp phần phát huy truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc; quảng bá hình ảnh, thể hiện tầm vóc đất nước trên trường quốc tế; đấu tranh hiệu quả trước các luận điệu xuyên tạc, sai trái của thế lực thù địch…

Với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, nhà nước ta đối với VHNT, đòi hỏi giới văn nghệ sĩ nâng cao nhận thức chính trị, tiếp nối truyền thống vẻ vang của nền VHNT cách mạng Việt Nam, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam thời hội nhập.

THANH TIẾN