Theo trình bày của ông Kiệt, trước đây Huỳnh Lê Lộc (cha ông Kiệt) tranh chấp đất thổ cư với bà Lê Thị Hiếu (bà nội ông Kiệt, đã mất) và người cô ruột Huỳnh Thị Ánh Nguyệt. Phần đất tranh chấp khoảng 1.600m2 đất thổ cư, tọa lạc tại ấp Trung Bình Tiến (xã Vĩnh Trạch, Thoại Sơn). Vụ việc được UBND xã, huyện hòa giải nhiều lần, nhưng không thành. Ngày 15-4-2009, UBND huyện Thoại Sơn ban hành Quyết định số 1047/QĐ-UBND giải quyết: giữ nguyên hiện trạng đất, nếu 2 bên thỏa thuận được thì cùng đứng tên.
Ông Kiệt trình bày vụ việc với phóng viên
“Đến năm 2019, chúng tôi đã thỏa thuận được và đồng ý chia cho bên cô Nguyệt phần đất chiều ngang 10,5m, chiều dài thẳng ra hết đất (tương đương hơn 700m); phần còn lại là của cha tôi (để lại cho tôi đại diện). Sau khi thống nhất xong, chúng tôi đến Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả huyện Thoại Sơn để làm hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ. Ngày 18-11-2019, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả, Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Thoại Sơn gửi thông báo cho chúng tôi đến nhận lại hồ sơ, với lý do: phần đất đó do bà Hiểu đứng tên một phần trong đó khoảng 950m2, bảo tôi đến gặp bà Hiểu để chuyển nhượng. Chúng tôi thật sự bức xúc, vì từ trước tới nay đất này đang tranh chấp chưa có người nào nhận được GCNQSDĐ. Hơn nữa, bà Hiểu là ai chúng tôi hoàn toàn không biết, trong khi bà nội tôi tên Lê Thị Hiếu. Tôi yêu cầu các cơ quan chức năng tiến hành xác minh làm rõ vụ việc, đồng thời sớm cấp GCNQSDĐ cho tôi và cô tôi Huỳnh Thị Ánh Nguyệt theo như nội dung chúng tôi đã thỏa thuận xong, để tránh tình trạng tranh chấp kéo dài thêm” - ông Kiệt đề nghị.
Về phía bà Nguyệt cho rằng: “Phần đất này của mẹ tôi để lại, trước đây đã chia cho mấy anh chị em khác xong hết, số đất này còn dư lại, nên cô cháu tôi thỏa thuận chia. Tuy nhiên, khi liên hệ cơ quan chuyên môn huyện thì mới biết được trong phần đất dư này có dính một phần do mẹ tôi còn đứng tên GCNQSDĐ. Nhưng giấy chứng nhận đó chúng tôi không ai giữ và hoàn toàn không biết, nên họ đã hướng dẫn làm thủ tục thống nhất cho 1 người đại diện đứng tên trên phần đất đã có giấy (xin cấp bản nhì), do mẹ tôi đã mất. Riêng phần đất còn lại cũng phải thống nhất 1 người đứng tên, sau đó ghép chung lại rồi mới thực hiện việc tách chia ra cho mỗi bên, hơn nữa phần đất này bị xéo nên rất khó thực hiện. Thế nhưng, do Kiệt không hiểu và lo sợ gì đó nên chưa chịu thực hiện theo hướng dẫn, điều này chỉ thiệt thòi cho phía mình thôi”.
Trao đổi với phóng viên, Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Thoại Sơn cho biết, ngày 1-10-2019, Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Thoại Sơn tiếp nhận từ Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả hồ sơ của ông Huỳnh Tấn Kiệt đề nghị đo đạc cấp GCNQSDĐ, khu đất tại ấp Trung Bình Tiến (xã Vĩnh Trạch). Sau khi đo đạc, biên vẽ, đối chiếu với bản đồ, hồ sơ địa chính, xác định vị trí đất đề nghị đo đạc có một phần diện tích khoảng 950m2 chồng ranh thửa 1555, 2718, tờ bản đồ số 2, GCNQSDĐ số 02832/eH do bà Lê Thị Hiếu đứng tên, nên đề nghị Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thông báo cho ông Kiệt đến nhận lại hồ sơ và liên hệ bà Hiếu lập thủ tục chuyển quyền theo quy định. Bởi thực tế, ngày 13-9-1997, bà Lê Thị Hiếu đã được cấp GCNQSDĐ số 02832/eH với diện tích 4.350m2 (gồm 3 thửa, 1554: 1.246m2 đất cây lâu năm; thửa 1555: 2.783m2 đất 2 lúa và thửa 2718: 321m2 đất thổ cư, tờ bản đồ số 2), do UBND huyện Thoại Sơn cấp. Đến năm 1998, bà Hiếu cắt 1 thửa 1554 chuyển nhượng cho bà Trần Thị Nầy Yên. Theo cơ sở dữ liệu cho thấy bà Hiếu vẫn còn đứng tên 2 thửa đất, với diện tích 3.114m2.
Vì vậy, việc ông Kiệt xin cấp GCNQSDĐ phải thực hiện việc tách thửa sang tên từ bà Lê Thị Hiếu, nhưng phải đảm bảo diện tích tối thiểu theo quyết định 103 của UBND tỉnh, đối với đất thổ cư phải từ 45m2, có đường đi vào từ 2m (4m là đường tỉnh lộ); đối với đất nông nghiệp và cây lâu năm phải từ 500m trở lên. Do đó, Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Thoại Sơn thông báo trả hồ sơ là có cơ sở và đúng quy định.
Bài, ảnh: K.N