Vàng nhảy múa phần lớn do yếu tố tâm lý
Trao đổi với PV. VietNamNet, chuyên gia vàng Trần Duy Phương cho hay, việc giá vàng SJC tăng giảm liên tục, có lúc tăng đột biến lên trên 92 triệu đồng/lượng rồi lại nhanh chóng giảm về mốc 87-89 triệu đồng/lượng lý do chính là yếu tố tâm lý của người dân.
“Tuần trước, khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đấu thầu thành công 3.400 lượng vàng SJC nhưng giá vẫn tăng rất cao, vượt mốc 92 triệu đồng/lượng là bởi người dân thấy lượng vàng trúng thầu vẫn thấp, cầu nhiều cung không đủ, tạo tâm lý càng muốn mua vì nghĩ giá sẽ còn lên.
Cùng với đó, việc các doanh nghiệp thông báo hạn chế lượng vàng bán ra càng tạo tâm lý lo lắng, khiến nhiều người càng muốn giữ vàng, tạo hiệu ứng đẩy giá vàng lên mức cao trên 92 triệu đồng/lượng. Lực mua quá lớn, các doanh nghiệp không có đủ vàng để đáp ứng. Ngoài ra lãi suất tiết kiệm thấp cũng khiến nhiều người đổ xô mua vàng”, ông Phương phân tích.
Theo chuyên gia, đấu thầu vàng thành công, thị trường sẽ hết “sốt”, không còn cảnh xếp hàng mua. Ảnh: Minh Hiền
Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, chỉ đạo của Thủ tướng và NHNN kiên quyết bình ổn giá vàng đã khiến lực mua giảm, xuất hiện việc chốt lời của những người mua ở giá thấp nên giá vàng gần như ngay lập tức giảm dần.
“Việc NHNN tổ chức đấu thầu vàng vào ngày 14/5 với những thay đổi so với các lần trước, đó là giảm khối lượng tối thiểu xuống 500 lượng, trong khi khối lượng tối đa tăng lên 4.000 lượng... khiến kết quả đấu thầu khả quan hơn. 8.100 lượng vàng trúng đầu thầu trong phiên đấu mới nhất sẽ phần nào thỏa mãn cơn khát của nhà đầu tư về vàng SJC”, ông Phương đánh giá.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cố vấn của Hội đồng vàng thế giới tại Việt Nam cho hay, sau phiên đấu thầu vàng ngày 8/5, chỉ có 3.400 lượng vàng trúng thầu, trên thị trường vẫn nhiều người tìm mua, các cửa hàng không đủ phục vụ, kể cả vàng miếng hay vàng nhẫn 9999. Yếu tố tâm lý làm cho nhu cầu tăng cao, khiến giá vàng tăng đột biến.
Sau đó, Chính phủ đã có cuộc họp với NHNN để đưa ra những biện pháp bình ổn giá vàng, thị trường vàng. Theo đó, NHNN sẽ đấu thầu vàng hai lần một tuần. Động thái này đã tác động kéo giá vàng xuống.
“Kết quả cuộc đấu thầu vàng miếng ngày 14/5 khá thành công so với các phiên đấu trước. Hy vọng, với 8.100 lượng vàng trúng thầu được đưa ra thị trường sẽ góp phần bình ổn giá, thị trường sẽ không còn 'sốt', không còn cảnh xếp hàng đi mua vàng nữa”, ông Khánh nói.
Thêm 2-3 phiên đấu thành công, giá vàng SJC sẽ giảm tiếp
Quan sát thị trường sau phiên đấu thầu ngày 14/5, chuyên gia vàng Trần Duy Phương thấy rằng, giá vàng SJC không tăng, có xu hướng chậm lại, điều này khác với diễn biến sau những phiên đấu thầu vàng trước đó.
Vì thế, theo ông Phương, chỉ cần 2-3 phiên đấu thầu với số lượng trúng thầu 7.000-8.000 lượng, chắc chắn giá vàng SJC sẽ sụt giảm trở lại; co lại chênh lệch với giá vàng thế giới.
“Với các động thái quyết liệt của Chính phủ, NHNN tổ chức thêm các phiên đấu thầu vàng miếng cung ứng ra thị trường, với cường độ 2-3 phiên mỗi tuần thì chỉ 1-2 tuần nữa bảo đảm giá vàng SJC sẽ giảm.
Cùng với giá thế giới ổn định ở ngưỡng 2.300-2.350 USD/ounce, vàng SJC trong nước sẽ giảm về quanh mức 85 triệu đồng/lượng. Khi giảm về mốc đó, nếu không có lực mua giá sẽ giảm tiếp và khó tăng trở lại mốc trên 92 triệu đồng/lượng như mấy ngày trước”, ông Phương nhận định.
Còn theo Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Huỳnh Trung Khánh, trong tuần này, NHNN tiếp tục đấu thầu phiên tiếp theo, nếu số lượng trúng thầu từ 8.000 lượng trở lên sẽ tiếp tục giảm nhiệt cho thị trường.
Cho rằng lúc này dự đoán giá vàng SJC giảm về mức nào là còn sớm, theo ông Khánh, cần chờ các doanh nghiệp trúng thầu lĩnh số vàng đó đưa ra thị trường, cũng như chờ kết quả phiên đấu tiếp theo trong tuần này xem có bao nhiêu lượng vàng đấu thành công thì cuối tuần mới biết rõ giá vàng xuống mức nào.
“Nếu phiên đấu thầu tiếp theo cũng cung ra thị trường 8.000 lượng như phiên đấu ngày 14/5 thì có thể giá vàng SJC sẽ điều chỉnh giá vào cuối tuần này”, ông Khánh cho hay.
Ông Khánh cũng cho biết, khi nhà nước bán ra một lượng vàng thì cũng sẽ phải mua vào một lượng tương đương để đối ứng.
“Việc bán ra từ từ, nhập về từ từ sẽ không ảnh hưởng lớn đến dự trữ USD, dự trữ ngoại tệ và không tác động tiêu cực tới tỷ giá”, vị chuyên gia nhận định thêm.
Theo VietNamNet