Vất vả… học trực tuyến

10/09/2021 - 11:22

 - Dạy và học trực tuyến đang là một thách thức không nhỏ với giáo viên, phụ huynh và học sinh. “Gian nan” là từ cửa miệng mà hầu hết mọi người thốt lên khi kể về hình thức học duy nhất trong mùa COVID...

Học sinh lẫn phụ huynh chật vật với giờ học trực tuyến

Dù nỗ lực, số học sinh tự giác lên lớp học không nhiều

Thời điểm này, nhiều học sinh tiểu học chỉ “học chay” bằng cách ôn lại bài cũ

Phụ huynh chậm rãi tiếp cận công nghệ

Làm quen với chiếc điện thoại thông minh hơn 1 tháng nay, bà Lê Thị Châu (huyện Phú Tân) chỉ thông thạo chủ yếu cách nghe – gọi Zalo. Ở tuổi ngoài 50, bà phải nhíu mắt, dò dẫm từng chữ mỗi khi đọc tin nhắn của giáo viên chủ nhiệm gửi vào nhóm phụ huynh. “Sắm cái máy để liên lạc, hỏi thăm bà con ở xa, chứ đâu có nghĩ tới chuyện học hành của mấy đứa nhỏ cũng… đưa lên đây. Thầy cô thông báo liên tục, chưa kịp đọc xong thì hiện thông báo mới” – bà thở dài. Bà Châu đang chăm hai cháu nhỏ giúp em trai đi làm thuê ngoài tỉnh. Đứa lớn mới vào lớp 2, còn đứa nhỏ vào lớp 1, nhưng hiện tại chỉ “học chay” với sách cũ là chính.

Theo hướng dẫn của giáo viên, 1 tuần nay, bà Châu cho cháu rèn chữ viết, ôn lại bài cũ của năm trước, chưa nhất thiết theo dõi bài dạy trên mạng hay truyền hình. Thấy hàng xóm rục rịch lắp đặt internet, bà cũng làm theo, dù chưa hình dung học trực tuyến là thế nào. Sẵn sàng tinh thần là vậy, nhưng bà vẫn lo với màn hình điện thoại nhỏ xíu, liệu hai đứa cháu có quan sát theo kịp, ai sẽ nhường ai nếu cùng giờ “lên lớp”, chưa kể phải theo sát canh chừng, nhắc nhở để chúng tập trung. Năm ngoái, chỉ 1 bài toán nhỏ giao về nhà mà cháu bà không hiểu được cách làm, đành gọi điện cầu cứu cháu gái ở Long Xuyên giảng… từ xa. Còn bây giờ cầu cứu làm sao cho xuể?

Có lẽ đây cũng là nỗi niềm chung của đa số phụ huynh lớn tuổi ở vai ông, bà, cô, bác phải chăm sóc các cháu nhỏ thay cho cha mẹ chúng đi làm ăn xa. Họ tiếp cận công nghệ thông tin một cách nặng nhọc, phải tập làm quen với những ứng dụng Zoom, Google meet, K12 online… mà nhắc đi nhắc lại vẫn chưa nhớ nổi. Nhìn cảnh đứa trẻ ngồi đối diện một mình với điện thoại, tivi, có lúc thiếu kiên nhẫn đến ngủ gật, ông bà cũng đành lắc đầu, không nỡ lên tiếng nhắc.

Học sinh thưa thớt “lên lớp”

Đã qua 1 mùa học trực tuyến, cậu học trò Nguyễn Hữu Phát (14 tuổi) vẫn không mặn mòi với phương pháp này. Mỗi lần bà ngoại gọi thức dậy học, em liền than: “Nhìn điện thoại hoài chán lắm, buồn ngủ nữa, nhiều chỗ nghe không hiểu phải đợi qua nhóm hỏi lại cô, lòng vòng hỏi - đáp theo dõi không kịp, con học ở lớp thấy vui hơn”. Dù vậy, Phát vẫn miễn cưỡng ngồi vào bàn, ánh mắt mệt mỏi vừa lắng nghe, vừa ghi chép. Những phụ huynh có con nhỏ hơn càng vất vả khi phải dành phần lớn thời gian cùng học, cùng làm bài tập với con. Chị Phạm Thanh Tuyền có con gái nhỏ học lớp 2 tỏ ra mệt mỏi vì thời gian này chủ yếu làm việc ở nhà, xong nhiệm vụ thì mỏi đừ đôi mắt vẫn phải ngồi bên cạnh chỉ con học bài. “Cô gửi bài tập vào nhóm cho học sinh. Muốn cho con hiểu và làm bài bản theo sách thì phải ngồi học cùng, nghe xem cô giảng thế nào, tôi không còn mấy thời gian để làm những việc khác” – chị Tuyền chia sẻ.

Nhiều giáo viên đồng cảm khi kết nối với phụ huynh đã là một việc khó, huống hồ dạy học trực tuyến trong lúc này. Thống kê lượt xem trên YouTube, các ứng dụng và trang web của trường, có lớp mỗi tiết học chỉ khoảng 20% học sinh có mặt, số còn lại vắng, xuất hiện gián đoạn vài phút rồi thôi. Lý do thì đủ hoàn cảnh, phần lớn học sinh vùng nông thôn điều kiện khó khăn, muốn học trực tuyến phải có thiết bị, kết nối mạng. Bên cạnh đó, vai trò của phụ huynh rất quan trọng, nhất là những em tiểu học. Do chưa được quan tâm, nhiều em chỉ làm bài qua loa, phụ huynh không biết cách hoặc quên cả việc gửi bài tập giúp con vào nhóm. Trên tinh thần dạy được tới đâu hay tới đó, giáo viên không thể vì dịch bệnh mà buông xuôi nhiệm vụ. Khi có thể quay lại trạng thái bình thường, giáo viên sẽ kèm cặp, cải thiện lại những bài học trước đó cho học sinh.

Những ngày qua, đường truyền internet không ổn định, tín hiệu chập chờn, giáo viên lẫn phụ huynh phải “thủ” thêm sim 4G để bám theo lớp học. Theo dõi con học mấy ngày qua, chị Phan Thị Chính (huyện Châu Thành) không khỏi lo lắng: “Lên lớp 9 chuẩn bị chuyển cấp, mà học chút lát là con bé phải quơ quơ điện thoại lên vì không có sóng. Đành rằng không thể chọn cách khác, nhưng qua mùa này chắc mấy đứa nhỏ bị bệnh thị lực nhiều lắm”.

Khó khăn mua thiết bị

Với nhiều gia đình, để con em tham gia học trực tuyến là cả vấn đề. Ngoài tiết dạy được phát theo giờ cố định trên truyền hình, YouTube thì học trực tuyến trên các ứng dụng khác cần thêm 1 điện thoại đi kèm để thầy và trò trao đổi nhanh nhất. Giá cả mua thiết bị cho đến chi phí lắp đặt mạng là đòi hỏi ngoài khả năng của những gia đình nghèo. Ở xã Thạnh Mỹ Tây (huyện Châu Phú), máy tính, điện thoại cũ trở thành mặt hàng “hot” nhưng vẫn không đủ số lượng bán. Một chiếc laptop cũ giá dao động 2 – 3 triệu đồng được phụ huynh đặt hàng trước ở các tiệm mua bán nhỏ. Chi phí này bao gồm cả dịch vụ đến tận nhà lắp đặt và cài các phần mềm, ứng dụng cho học sinh học trực tuyến.

Những gia đình có điều kiện hơn, muốn mua thiết bị trong lúc này cũng không dễ, bởi hầu hết các siêu thị, cửa hàng điện máy đóng cửa, khan hàng, kể cả đặt mua trực tuyến cũng phải chờ… không báo trước thời hạn. Đắn đo mãi chưa mua được máy tính cho con trai mới vào lớp 6, anh Nguyễn Thanh Bình (TP. Long Xuyên) giãi bày: “Dịch bệnh không có thu nhập, nay vì chuyện học của con phải chi đến vài triệu đã thấy “đau ví” chứ đừng nói đến chục triệu đồng. Dân thành thị đã vậy, thử nghĩ ở vùng sâu, vùng xa, các cháu đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn đến mức nào”.

Cô Trần Thị Mộng Thu, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 ở huyện Châu Phú cho chúng tôi xem qua danh sách liên lạc phụ huynh. Ở cột nghề nghiệp có 90% phụ huynh làm thuê, làm ruộng, công nhân, nội trợ… và cũng là nhóm nghề phổ biến nhất ở vùng nông thôn. Theo chỉ đạo của ngành và nhà trường, giáo viên vẫn thực hiện dạy trực tuyến theo và thông báo đến phụ huynh. Những gia đình không có khả năng trang bị máy móc giải quyết bằng cách cho con sang nhà bạn học ké, xài ké internet, thậm chí không thể học.

Việc dạy học trực tuyến không phải là mới và là lựa chọn tối ưu trong tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều băn khoăn, bất tiện cho cả phụ huynh, học sinh và giáo viên. Với những khó khăn khách quan lẫn chủ quan, nỗ lực của tất cả các bên là chưa đủ để có được giờ học chất lượng và hiệu quả.

MỸ HẠNH

 

Liên kết hữu ích