Về Châu Phong, ăn cơm bò

27/05/2023 - 08:02

 - Trước khi nắng bắt đầu gay gắt, hanh hao, trước khi những dĩa cơm, tô cháo cuối cùng được bán hết, du khách sẽ một lần được thưởng thức món ăn đặc sản có một không hai ở vùng biên giới An Giang. Và chắc chắn mọi người lại muốn “đổ đường” quay lại lần sau, bởi cơm bò Châu Phong ngon "hết nước chấm"!

Xứ Châu Phong (TX. Tân Châu, tỉnh An Giang) có nhiều quán cơm bò san sát nhau, quán nào cũng ngon theo kiểu đặc trưng riêng, khó nói được chỗ nào ngon hơn chỗ nào. Nhưng mọi người thường ghé quán “Cô Sáu Lụa” (ấp Hòa Thạnh), bởi đây là quán lâu đời nhất.

Bà Sáu Lụa tên đầy đủ là Tô Thị Lụa, 66 tuổi. Mấy chục năm trước, bà nghĩ cách mưu sinh để nuôi 3 đứa con. Vậy là quán cơm bò đơn sơ xuất hiện trong xóm nghèo. Thật ra, đến giờ, quán vẫn đơn sơ, nhỏ hẹp như cũ, nhưng gọn gàng và sạch sẽ.

Bà Sáu Lụa bán cơm bò lẫn cháo bò. Nhưng khách thích kêu cơm bò, để được ăn luôn tô súp cháo (cỡ trung bình) kèm theo. Dĩa cơm đã lưng lửng bụng, thêm tô cháo ấm nóng làm đầy phần còn lại, đủ năng lượng cho buổi sớm mai. Trong tô cháo thơm lừng có vị cay nồng của hành, gừng, vị béo của tủy, vị mềm của thịt, của huyết, cộng với một chút cháo loãng dưới đáy, kích thích vị giác một cách lạ lùng.

Mới 8 giờ, nắng vừa bò len lỏi từng chút vào quán ăn, thì nồi cháo đã muốn cạn. Qua bàn tay chế biến của bà Sáu, càng thấm thía độ ngon của “chè ngọn, cháo gốc”. Bà khéo múc đến mức, những tô cháo cuối cùng trong nồi không mặn, không đặc, không thiếu “đồ bổi” so với lúc đầu.

Nhưng điều làm nên thương hiệu cho quán ăn của bà Sáu, là thịt bò. Ngoài độ tươi ngon của thịt bò mới ra khỏi lò mổ, còn nhờ bí quyết ướp thịt vừa đủ quện đầu lưỡi, bí quyết của đôi tay thuần thục cho thịt “nhảy múa” trên vỉ than hồng.

Thịt nướng xong, còn óng ánh lớp mỡ bên ngoài. Bỏ vào miệng, miếng thịt mềm mại như tan ra cùng gia vị đã ướp.

Cả tuổi thơ anh Đoàn Hữu Trọng (47 tuổi, con lớn bà Sáu) gắn liền với tiệm cơm bò của mẹ. Như một lẽ tự nhiên, anh trở thành một phần của quán cơm ấy ngót nửa đời mình. Bàn tay anh thoăn thoắt trở thịt, xắt thịt… từ lúc quán dọn ra, đến lúc không còn thịt để nướng, từ lúc trời mờ tỏ đến lúc nắng oi bức.

 

“Ba đứa con cùng tôi bán cơm bò, nhiều khi khách đông làm không xuể. Nhiều người hỏi tôi có định mở thêm quán ở đâu không, tôi đều lắc đầu. Bán có mấy tiếng đồng hồ buổi sáng mà cực quá trời. Bán ít ít, còn chừa sức bán lâu dài. Coi vậy chứ mới đó mà tôi bán hơn 40 năm rồi còn gì!” – bà Sáu tâm sự.

Khách có thể chọn ăn thập cẩm (gồm thịt nạc, thị mỡ, đồ lòng) hoặc bất cứ phần thịt nào mình thích, giá chỉ vài chục ngàn đồng. Ai “mạnh nuốt”, cứ kêu cơm thêm, thịt thêm, cháo thêm…, bởi “lâu lâu mới có dịp ghé, ăn cho đã miệng”.

Nước chấm cũng là một phần đặc biệt của món ăn, được pha trộn từ chua, cay, mặn, ngọt, làm nền cho hương vị của thịt trở nên đặc sắc hơn.

Quán cơm bò của bà Sáu nổi danh trên mạng xã hội, trên báo chí, là địa điểm khách phương xa hay tìm đến, để thỏa sự hiếu kỳ. Nhưng thật ra, người dân địa phương cũng thích ghé đây, mặc kệ cách trở đò giang, mặc kệ đường nhỏ quanh co khó đi. Họ muốn thưởng thức hương vị đặc sản quê nhà, để nghe lòng mình gắn bó với những điều xưa cũ, như câu chuyện mấy mươi năm của quán “Cô Sáu Lụa” vậy.

VẠN LỘC