Bảo tàng An Giang, nét xưa giữa phố

25/07/2025 - 04:49

 - Với kiến trúc cổ kính, mang dấu ấn của giai cấp địa chủ phong kiến, Bảo tàng tỉnh An Giang (cơ sở 1, trước đây là Bảo tàng Kiên Giang) không chỉ là điểm tham quan du lịch hấp dẫn mà còn là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa, lịch sử đặc sắc của vùng đất và con người An Giang thông qua hàng loạt hiện vật quý giá.

Bảo tàng An Giang cơ sở 1 thu hút đông du khách đến tham quan, chụp ảnh.

Bảo tàng tỉnh An Giang cơ sở 1 được trưng dụng từ ngôi nhà cổ của một địa chủ phong kiến xây dựng từ năm 1911 làm trụ sở hoạt động với diện tích khoảng 2.000m2. Năm 1990, ngôi nhà cổ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Ngôi nhà có kiến trúc vừa cổ kính vừa hiện đại.

Bên trong kiến trúc theo kiểu nhà cổ, bên ngoài trang trí hoa văn theo lối kiến trúc của người phương Tây. “Bảo tàng được đặt trong ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi, mang nét giao thoa độc đáo giữa kiến trúc truyền thống của người Việt và tinh hoa kiến trúc phương Đông lẫn phương Tây. Đây được xem là một trong những ngôi nhà cổ đẹp và nổi tiếng nhất của tỉnh”, ông Nguyễn Quang Khánh - Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết.

Quan sát có thể nhận thấy kiến trúc của bảo tàng mang đậm dấu ấn văn hóa truyền thống Việt Nam và Á Đông. Các hoành phi, bao lam, liễn đối... được chạm khắc tinh xảo trên chất liệu gỗ với hình tượng quen thuộc như rồng, phượng, nai, hoa mai, hoa sen. Bảo tàng cũng phản ánh rõ nét ảnh hưởng của văn hóa Phật giáo và tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên.

Phía trước được trang trí bằng nhiều đài vôi, nổi bật với hình tượng đầu rắn. Bên dưới các đài vôi là họa tiết hoa cúc, hoa hồng, hoa sen, góp phần làm tăng giá trị thẩm mỹ. Bên trong không gian cổ kính còn lưu giữ nhiều vật dụng có tuổi đời hơn 100 năm như bộ bàn tròn, tủ gỗ cẩn xà cừ, ghế… Tất cả còn nguyên vẹn, phản ánh nếp sống và sinh hoạt của tầng lớp địa chủ phong kiến xưa.

Theo ông Nguyễn Quang Khánh, bảo tàng hiện có trên 22.000 hiện vật, hình ảnh, tư liệu được chia thành 6 chuyên đề: An Giang vùng đất - con người, văn hóa Óc Eo, họ Mạc với công cuộc khai phá trấn Hà Tiên, thân thế và sự nghiệp Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, quân và dân An Giang qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, hiện vật được trục vớt tại vùng biển.

Một trong những chuyên đề thu hút nhất tại bảo tàng là văn hóa Óc Eo với nhiều hiện vật quý hiếm được tìm thấy tại địa phương, có giá trị văn hóa, lịch sử quan trọng, là điểm nhấn trong chuyên đề trưng bày của bảo tàng.

Theo thuyết minh của bảo tàng, đây là chuyên đề thu hút du khách nhiều nhất khi đến bảo tàng; chuyên đề sở hữu hiện vật quý hiếm có giá trị văn hóa, lịch sử với vùng đất này được bài trí cẩn thận. Tại khu trưng bày hiện vật chủ đề văn hóa Óc Eo có nhiều hiện vật quý như khuôn đúc đồ trang sức, con dấu của cư dân văn hóa Óc Eo, đèn gốm, phù diêu đinh ba lửa..., trong đó, có chiếc bình lớn có niên đại từ thế kỷ thứ IV - VI sau Công Nguyên.

Điểm nhấn của bảo tàng là không gian trưng bày hiện vật của 6 tàu cổ bị đắm trên vùng biển. Ngoài những hiện vật được trưng bày, nhà kho của bảo tàng hiện lưu giữ nhiều hiện vật cổ chưa được công bố. Anh Huỳnh Văn Đấu, ngụ tỉnh Cà Mau cho biết: “Tham quan bảo tàng tôi ấn tượng với ngôi nhà có kiến trúc cổ, gian trưng bày độc đáo, hiện vật xưa còn vẹn nguyên”.

Ông Nguyễn Quang Khánh cho biết: “Mỗi năm, bảo tàng đón trên 10.000 lượt khách đến tham quan, không chỉ du khách trong và ngoài tỉnh, bảo tàng còn thu hút du khách nước ngoài đến tham quan và tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, đất nước và con người Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng. Ngoài ra, bảo tàng tổ chức nhiều đợt trưng bày lưu động góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa, lịch sử về vùng đất, con người An Giang đến công chúng”.

Đến với Bảo tàng An Giang, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những giá trị văn hóa, lịch sử về vùng đất và con người An Giang thông qua những hiện vật được trưng bày bên trong bảo tàng; du khách còn tìm hiểu giá trị kiến trúc nghệ thuật của những ngôi nhà truyền thống, nét sinh hoạt của người dân thời xưa.

Bài và ảnh: THỦY TIÊN