Chiều hôm ấy, trời đổ mưa. Mưa miền Tây dai dẳng làm cả không gian như ngưng đọng lại. Trong căn bếp nhỏ, nồi lẩu mắm đặt trên bếp bắt đầu sôi ùng ục, hơi bốc lên mang theo hương thơm đặc trưng, không nồng gắt mà đậm đà, mằn mặn, thoảng chút sả cay, chút béo ngậy của mắm nấu chung với nước dừa xiêm. Má của bạn vừa canh lửa vừa nói: “Cái nước lẩu là hồn của nồi mắm đó con. Mắm phải chọn loại ngon-cá linh, cá sặc đỏ tươi, đem lọc kỹ, lấy nước cốt thôi, bỏ hết xương bã. Nấu chung với nước dừa cho ngọt tự nhiên, thêm sả cây đập dập cho thơm. Vậy mới ra cái nước lẩu đậm, dịu, thơm mà không gắt. Mặn mòi như đất miền Tây mình”.
Tôi ngắm nồi nước lẩu sánh nhẹ, màu nâu cánh gián đặc trưng, dậy mùi thơm thoang thoảng sả, ớt, hương mắm, như có gì đó rất lạ mà lại rất quen.
|
Lẩu mắm - nét văn hóa ẩm thực độc đáo của người miền Tây. |
Trên chiếc mâm tròn, các món ăn kèm được bày ra đầy đặn: Thịt heo quay da giòn vàng ruộm; cá kèo, tôm đất, mực, bạch tuộc tươi rói; cà tím, nấm rơm... Nhưng khiến tôi thích thú nhất vẫn là rổ rau bổi-cách người miền Tây gọi những loại rau đồng mộc mạc như: Bông súng tím, cù nèo, rau đắng, bông điên điển, hẹ.... Mỗi loại rau mang một mùi vị: Chua nhẹ, giòn mát, đắng dịu, ngọt lành, gom cả miền Tây vào trong một rổ rau quê.
Thấy tôi còn e dè, cô bạn cười: “Ngày xưa, mình cũng sợ mắm lắm, mà giờ mê luôn. Hồi đi học ở Hà Nội, thèm quá còn gọi má gửi mắm ra”. Tôi bật cười, rồi cũng thử gắp cá kèo, mớ rau bông súng nhúng vào nồi nước đang sôi lục bục. Mùi thơm bốc lên quyện trong gian bếp những đậm, cay, thoảng sả và mắm cá. Miếng đầu tiên đưa vào miệng, cá mềm, không tanh; rau giòn, tươi mát; vị mắm đậm đà tan chậm trong miệng, không hề nồng mà ngọt thanh, có chút cay ấm nơi đầu lưỡi. Tôi vừa xuýt xoa vừa gắp thêm, lòng chợt thấy ấm áp lạ kỳ.
Ngoài hiên, mưa vẫn rơi đều. Trong nhà, bếp lửa âm ỉ hồng, tiếng cười rộn rã bên mâm cơm. Mùi lẩu mắm như đánh thức không chỉ vị giác mà cả một vùng ký ức ngủ quên về những chiều quê yên bình, về tình thân và sự gắn kết không lời. Má bạn nhìn tôi, ánh mắt dịu dàng: “Mắm là hồn miền Tây đó con. Không có mắm thì đâu gọi là quê nhà. Món này không chỉ để ăn, mà để nhớ, để tụ họp”.
Từ lần ấy, tôi hiểu hơn về đất, về người miền Tây hồn hậu, nghĩa tình và cả những món ăn dân dã mà chan chứa tình cảm. Lẩu mắm-một món ăn tưởng chừng bình thường nhưng lại gói ghém trong đó hương đồng gió nội, cả sự tử tế và chân tình của người quê. Một món ăn không chỉ khiến người ta nhớ vị mà còn nhớ luôn người, nhớ luôn nơi từng đi qua.