Chuyến về nguồn do Chi đoàn Sở Tư pháp phối hợp Xã đoàn Cần Đăng (xã Cần Đăng, Châu Thành) tổ chức. Với chúng tôi, đây là thời điểm “lý tưởng” cho những chuyến về nguồn, khi mà ngọn lửa hừng hực Tháng Thanh niên được thắp lên và tiếp nối trong những ngày tháng 4 lịch sử. Hoạt động đầu tiên là thăm và tặng quà cho các mẹ Việt Nam Anh hùng ở TP. Tây Ninh (Tây Ninh). Chị Nguyễn Thị Hồng Diễm (cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Tây Ninh) dẫn đoàn chúng tôi đến từng nhà các mẹ bằng cả sự nhiệt tình. Theo chị Diễm, TP. Tây Ninh hiện còn 4 mẹ Việt Nam Anh hùng, việc chăm sóc các mẹ luôn được địa phương quan tâm và thực hiện theo đúng quy định, các mẹ khỏe mạnh.
Mẹ nào cũng hơn 90 tuổi nhưng đôi mắt vẫn ánh lên vẻ kiên cường cùng sự minh mẫn. Thấy có người đến thăm, mẹ thì vui mừng, loay hoay mãi không chịu ngồi. Hỏi ra mới biết, mẹ đang tìm thêm ghế cho mọi người. Có mẹ thật tình chia sẻ: “Hôm nay có phải ngày gì đâu, sao lại có người đến thăm và tặng quà?”. Trưởng đoàn của chúng tôi, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Đức Trung ân cần đáp: “Đoàn chúng con ở An Giang, đến thăm mẹ nhân chuyến về nguồn nhằm thể hiện truyền thống và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Đoàn xin gửi tất cả tấm lòng về các mẹ, về những người con của các mẹ đã anh dũng hy sinh để viết nên trang sử hào hùng cho dân tộc Việt Nam”. “Tôi có đứa con trai duy nhất, nó xin theo bộ đội với tinh thần “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, tôi vừa mừng vừa lo. Ngày nhận được tin con hy sinh, tôi đau lắm, buồn lắm! Nhưng đổi lại, con mình ngã xuống vì độc lập, tự do của dân tộc, tôi thấy an ủi phần nào”- mẹ Việt Nam Anh hùng Võ Thị Thạnh nói trong sự xúc động.
Chia tay từng người, mang theo hình ảnh những người mẹ Việt Nam kiên cường, nghị lực cùng những câu chuyện vẫn còn dang dở, đoàn chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến Trung ương Cục miền Nam, cơ quan cao nhất có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam đặt tại Nam Bộ (mật danh R). Phía trong cánh rừng bạt ngàn, ríu rít tiếng chim hót, là cả câu chuyện hào hùng về lịch sử, về những anh hùng đã viết nên những trang sử bằng máu, nước mắt và cả tính mạng. “Ấn tượng về R trong tôi là những ngôi nhà của các vị lãnh đạo. Tất cả đều thô sơ và được lợp bằng lá trung quân (loại lá không bén lửa) để ngụy trang. được vào đây ôn lại lịch sử càng làm tôi thêm tự hào và yêu Tổ quốc biết bao! Dẫu vô rừng nhưng đường dưới chân hiện tại đã được đan hóa, ngày xưa làm gì có đường, chỉ là các anh, các bác đi mãi mới thành đường đó thôi”- Bí thư Xã đoàn Cần Đăng Nguyễn Thị Mỹ Duyên bày tỏ.
Hoạt động về nguồn được tiếp nối bằng chuyến ghé thăm và tặng quà cho các hộ nghèo của xã Trí Bình (huyện Châu Thành, Tây Ninh). Chút tấm lòng của người miền Nam, tuy không nhiều nhưng thể hiện bằng cả tình yêu thương, “lá lành đùm lá rách” . Mỗi phần quà gồm gạo, mùng, mền và các nhu yếu phẩm cần thiết, trị giá 300.000 đồng/phần đã được trao tận tay 50 bà con nghèo của địa phương còn nhiều khó khăn ở Trí Bình.
Trải nghiệm về nguồn được khép lại khi đoàn ghé trạm dừng chân cuối cùng - Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Cũng là chốn rừng rậm, bốn bề hẻo lánh nhưng tại đây lại là kỳ tích khác về những người anh hùng làm nên lịch sử trên vùng “đất thép” Củ Chi. Nào là những trận đánh du kích dưới lòng đất, những hầm chông, hố đinh, bãi mìn hay các ổ chiến đấu… tất cả đều là những câu chuyện dài gắn với hình ảnh quân và dân Củ Chi sống, chiến đấu, lao động sản xuất đầy quả cảm, can trường. Chúng tôi, thế hệ đi sau không thể cảm nhận hết nỗi đau, sự mất mát mà chiến tranh để lại nhưng có thể tự tin khẳng định rằng sẽ tiếp nối truyền thống hào hùng ấy, chung tay xây dựng, bảo vệ đất nước ngày càng giàu mạnh. Và, những chuyến về nguồn giúp lớp hệ sau hiểu rõ hơn về lịch sử, về truyền thống bất khuất của dân tộc Việt Nam.
Tặng quà mẹ Việt Nam Anh hùng
Viếng các anh hùng liệt sĩ tại nhà bia tưởng niệm xã Trí Bình
Bài, ảnh: PHƯƠNG LAN