Bên nồi bánh tét đêm giao thừa. Ảnh: Tuyết Mai
Thực ra, không phải chỉ riêng nhà mình, dọc nhiều cung đường quen thuộc mỗi ngày đi qua, tôi vẫn vô tình chạm mắt với nhiều mái đầu đổi màu tự nhiên đang trông ra như vậy. Trong năm, chắc bị guồng việc cò cưa, những người trẻ thường không để ý đến điều này nhiều lắm. Nhưng càng cận tết, khi những trái tim đang cảm nhận rõ ràng hơn nhịp mong ngóng được đoàn viên, tôi thường xuyên nghe các bạn cùng lứa lập nghiệp xa Huế bảo “Dạo này tao hay được hỏi khi nào con về”. Niềm mong ngóng kéo vali đỗ xịch ở cổng nhà vì vậy mà khiến lòng ai thêm khấp khởi.
Vừa tạo dựng gia đình nhỏ vào đoạn cuối năm, nên dù không thực sự cách xa nhà hàng trăm ngàn cây số, nhưng kể từ ngày bảng vu quy đỏ được trang trí rực rỡ sát hàng rào phủ kín bóng hoàng ngọc đã được trồng từ nhiều năm trước, không ít lần tôi cảm được trong mình một nỗi nhớ mong được “trở về” như các bạn. Cái “trở về” của tôi, chắc chắn khác với những lần “trở về” của mấy người ở xa phải suy đi tính tới, dành dụm ngày phép để mỗi năm chỉ được về vài bận kéo dài vài ngày. Dù vậy, nó cũng tràn đầy sự hào hứng khi vô lăng giảm ga, rồi rẽ vào con ngõ quen thuộc.
Tôi đoán mình không phải đứa quá kỹ tính, nhưng kỳ thực, từ khi có gia đình riêng, tôi đặng thấy thói quen để ý câu chữ của mình ngày càng trở nên nghiêm trọng. Điều này thể hiện rõ nhất khi hiếm khi tôi chấp nhận định nghĩa bản thân nay chỉ ghé nhà ba mẹ đẻ chơi, rồi “về” lại nhà chồng sinh hoạt. Đối với nhiều người, chữ “về” trên lý thuyết hẳn rất giản thường, bởi nó chỉ là một động từ đi kèm địa điểm. Ấy vậy mà cứ đến lượt mình, sau mấy bận suy nghĩ thoáng ra, với một cô dâu mới, nó vẫn mãi hoài là cảm giác của sự rời đi, phải tranh thủ thì mới quay lại. Bởi vậy, nên lắm lúc có những câu chữ cứ chơi vơi trong họng mà không thoát ra được. Chắc có lẽ, bản thân chưa quen lộ trình mới chẳng hạn, tôi đoán vậy.
Tuy không còn như ngày trước, đoạn nỗi nhớ sau việc gả con đi tới rất sớm với nhiều bậc cha mẹ, bởi độ tuổi kết hôn thời đó thường chỉ rơi vào 15 – 20. Nếu cưới xin muộn hơn, có thể cảm xúc ấy sẽ thay bằng sự lo lắng con mình quá lứa lỡ thì chẳng hạn, thì sau ít chục năm, dù con cái có đủ trưởng thành và rời khỏi vòng tay muộn thế nào, trong lời nói và ánh mắt của các vị phụ huynh, mà không đâu xa, ngay chính tại nhà mình, vẫn là tràn đầy nhớ thương điểm chút mất mát.
Ngày tôi nhận ra điều này, không phải là tự mình nhìn sâu được vào suy nghĩ của hai mái đầu quen thuộc đã dần bước qua nửa kia của cuộc đời, hay im lặng tự thấu qua lớp võng mạc đục ngầu vì tuổi già của ngoại, mà là qua chuyện mẹ kể “ba nhìn rứa chớ cũng hay hỏi con bé hôm nay có về không”, rồi đứa em mới lớn hồn nhiên thuật lại “em nghe ba nói với mấy chú, con em 29 tuổi đã chuẩn bị làm mẹ, nuôi tới 29 tuổi luôn đó mấy anh nờ, mà chừ hắn theo chồng rồi đó” để tổng hợp được. Trong sự tổng hợp và đúc kết này, cho dù đã may mắn hơn nhiều bạn khi có cơ hội đi đi về về thường xuyên, tôi vẫn tự ví mình với hình ảnh “đồ con gái con lứa, đi chi mà đi lút mùa lệ thủy để mau mau rồ ga đến con ngõ quen thuộc.
Khi năm cũ càng gần đến đích, khi nhiều người lập nghiệp ở xa đang gắng hoàn thành nốt những dòng việc cuối cùng, tôi càng dễ dàng tìm thấy nhiều hơn những tâm hồn đồng điệu. Cụ tỉ, lẫn trong những câu chuyện của lời than vãn về deadline cận ngày, hay hứa hẹn cho những buổi họp mặt đầu năm, vẫn có đứa thì muốn kết thúc năm cũ thật nhanh để “on board” về nhà quét cho mẹ cái sân, cùng ba cạo lớp rêu bám dày nơi góc vườn sau nhiều trận Huế mưa to và ngập lụt, rồi rong ruổi trên chuyến nghỉ xả hơi chuẩn bị cho bốn mùa làm việc mới. Hay đứa khác thì thương hơn, vì mắc “đi bay chặng Tết”, lại vừa kết thúc mấy đợt cãi cọ với ba má ở xa qua điện thoại, thành thử phải ngót 2 năm chưa về Huế, nên lúc này, mọi mong muốn của nó chỉ là về nhà ngồi rứa với gia đình cho bưa rồi đi lại cũng được.
Tôi không đủ sâu sắc và hiểu biết để nhận xét về hoàn cảnh của bất kỳ bạn nào, chỉ nhớ trong cuốn Không tự khinh bỉ, Không tự phí hoài của nhà văn Vãn Tình, tác giả có viết: “Tình thân máu mủ là cái gì đó rất kỳ lạ, cho dù có thất vọng hơn nữa, thì mọi người trong gia đình cũng chỉ tiếc không thể mài sắt nên kim, chứ không thực sự mặc kệ ai bao giờ”, nên thành thử sau khi nghe tâm sự của mấy đứa, tôi chỉ biết giục họ về nhanh, thật nhanh…, bởi có thể ở trên ban công, hoặc ngoài sân vườn quen thuộc khi ánh nắng đang đổ nghiêng vào, đang có những mái đầu dần chuyển màu ngồi đó trông ra và mong đợi thành tiếng hoặc lặng im, rằng “ngày mô con mới về”!
Theo Báo Thừa Thiên Huế