Về Thạch Hóa ngắm loài voọc quý

10/10/2020 - 07:06

Xã Thạch Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) được nhiều người biết đến không chỉ là vùng quê có phong cảnh hữu tình bên sông Gianh với Sương khói nhòa trong đá/Mây ngàn lãng đãng bay/Nhuộm tím chiều sơn cước mà còn bởi nơi đây là vùng dân cư thứ hai ở nước ta có đàn linh trưởng là voọc gáy trắng sinh sống trong cộng đồng, dễ dàng quan sát. Vì vậy, Thạch Hóa đang trở thành nơi hội ngộ của những người yêu động vật hoang dã đến từ nhiều nơi trên thế giới và mở ra cơ hội phát triển du lịch cộng đồng.

Tổ bảo vệ voọc của ông Nguyễn Thanh Tú (áo xanh) cùng cán bộ xã Thạch Hóa và kiểm lâm đi tuần, kiểm tra đàn voọc.

Ðất lành, voọc về

Thạch Hóa cuối mùa sen nhưng phong cảnh vẫn còn rất đẹp với làng quê vừa soi bóng xuống thượng nguồn sông Gianh, vừa như thu mình vào những núi đá vôi mà người dân địa phương gọi là ngọn lèn, trùng điệp, cao vời vợi. Ở đó, theo các bậc cao niên trong làng thì hàng chục năm trước từng là nơi cư trú và sinh trưởng của loài voọc đen má trắng (còn gọi voọc Hà Tĩnh), dân địa phương quen gọi là loài vượn. Theo lời kể thì trước đây, voọc ở Thạch Hóa nhiều vô kể, chúng sống yên bình và đùa nghịch trên những lèn đá. Chúng hiền lành và rất dạn người. Người dân đi chăn bò, làm ruộng, hái củi đều nhìn thấy voọc. Không chỉ chuyền cành, đùa vui từ trên cây cao mà nhiều lúc chúng xuống sát chân lèn, ngồi trên những ngọn cây vặt lá ăn và xem người dân cày ruộng. Nhưng rồi bom đạn chiến tranh làm đàn voọc ở Thạch Hóa, Ðồng Hóa hoảng sợ lẩn khuất vào núi đá. Sau này, điều mà đàn voọc sống cạnh khu dân cư sợ hơn cả là nạn săn bắn của một số người trước những thông tin đồn thổi về thần dược  chế biến từ loài linh trưởng này. Một thời gian dài do bị thợ săn dùng súng, bẫy truy đuổi, tận diệt, đàn voọc biến mất khỏi lèn đá Thạch Hóa.

Cho đến một ngày đầu năm 2012, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Tú khoác ba-lô trở về vui thú điền viên ở miền sơn cước Thạch Hóa. Nhớ lại ký ức những năm tháng cùng bạn bè chăn trâu, bò bên núi đá, ông Tú âm thầm đi tìm đàn voọc. Kể lại chuyện này, giọng ông Tú sôi nổi hẳn. Vừa kể, ông vừa khoát tay chỉ lên tường nhà, nơi treo nhiều bức ảnh ghi lại cảnh những ngày đầu ông vất vả đi tìm gọi voọc. “Một ngày, hai ngày và nhiều ngày sau đó, tôi vẫn không thấy tăm hơi đàn voọc đâu. Một trưa nọ khi đang nghỉ lưng trên tảng đá rộng và phẳng như chiếc bàn, tôi bất chợt thấy những chấm đen di động đang tiến về phía mình. Ban đầu có chút sợ nhưng khi đưa ống nhòm lên ngắm kỹ, tôi vui đến rơi nước mắt khi thấy một đàn voọc thân hình đen tuyền, đuôi dài, hai má trắng dắt nhau đi kiếm ăn. Tôi đưa chiếc máy ảnh nhỏ lên chụp, thấy động, đàn voọc kéo nhau vào rừng nhưng tôi đã có những bức hình ghi nhận sự trở về của đàn linh trưởng quý. Trên đường trở về, tôi nghĩ, mình là bộ đội được nghỉ chế độ nhưng còn khỏe, sẽ cố gắng tìm cách để bảo vệ đàn voọc. Ðó cũng là hành động cụ thể để gìn giữ môi trường sống, bảo vệ cảnh quan quê hương. Thoắt cái cũng đã gần 10 năm rồi đấy!”.

Chúng tôi ghé thăm nhà ông Tú “voọc” lúc gần trưa, cũng là lúc TS Phạm Quang Tùng, cán bộ của Viện Phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên và Bảo vệ đa dạng sinh học cùng các cộng sự và ông Tú đang chuẩn bị cho hội nghị công bố kết quả nghiên cứu, điền dã loài linh trưởng này sau gần một tháng ở huyện Tuyên Hóa. TS Phạm Quang Tùng cho biết, từ khi ông Tú tìm thấy đàn voọc ở Thạch Hóa đến nay, nơi đây đã trở thành điểm hội ngộ của những người yêu loài voọc đến từ khắp nơi trên thế giới, nhất là giới khoa học nghiên cứu động vật hoang dã. Ông Tú không chỉ là người dẫn đường, cung cấp hình ảnh mà còn là nhà tổ chức, người lo toan cho mọi hoạt động của các nhóm nghiên cứu khi đến tìm hiểu đàn voọc với sự nhiệt tình và tự nguyện hiếm thấy.

Ðiều đáng quý nữa ở ông Tú là ông không chỉ âm thầm làm mà còn tìm cách vận động được nhiều người khác cùng với mình bảo vệ đàn linh trưởng quý ngay tại quê hương với tinh thần tự nguyện là chính. Hồi trước, ở xã Ðồng Hóa có anh thợ săn voọc khét tiếng. Ông Tú phải tìm vài ba lần mới gặp được người thợ săn này để vận động, giải thích và cảm hóa. Bằng sự mềm dẻo, linh hoạt trong công tác vận động của người lính biên phòng, ông Tú đã thuyết phục thợ săn Nguyễn Văn Hồng không những bỏ hẳn nghề săn mà còn chung sức, chung lòng cùng mình bảo vệ đàn voọc. Bây giờ thì anh Hồng đã là thành viên chủ chốt của tổ cộng đồng bảo vệ voọc Thạch Hóa - Ðồng Hóa.

Ðể ý tưởng thành hiện thực

Trong một chiều Thạch Hóa, tôi đã cảm nhận được không gian huyền ảo, mơ màng đến nao lòng của “tím chiều sơn cước” như lời một ca khúc về núi rừng nơi đây khi cùng ông Tú đi thăm làng quê và ngắm voọc. Bám theo ông, chúng tôi xuôi về cuối làng, men theo con đường bê-tông nhỏ chạy ra cánh đồng, chuẩn bị vượt dốc thì ông dừng xe, chỉ cho chúng tôi lèn đá, nơi được cho là voọc sẽ xuất hiện. Ðứng bên cây gạo cổ thụ chưa vào mùa trổ hoa, nép vào núi đá vôi vời vợi, ông Tú “voọc” kể cho chúng tôi nhiều chuyện về con người và thiên nhiên Thạch Hóa. Với ông, cây gạo mà chúng tôi đang đứng cạnh dường như là linh hồn của làng. Huyền tích quanh cây gạo mà ông kể cho chúng tôi nghe cũng đủ làm cho khách vừa thích cảnh đẹp, vừa muốn khám phá sự huyễn hoặc pha chút ma mị đó. Chiều dần buông, Thạch Hóa sẫm lại trong mầu xanh của rừng, trong mùa rêu của đá núi. Mặt trời vàng hơn trên cánh đồng vào vụ gặt. Sông Gianh mềm mại ôm ấp làng quê, bờ bãi hoặc soi bóng những khối núi đá vôi sừng sững  như bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp.

Ông Tú “kéo” chúng tôi ra khỏi những miên man liên tưởng khi nhắc nhở: “Chuẩn bị máy ảnh, đàn voọc bắt đầu chuyền cành”. Từ dưới chân cây gạo cổ, dán mắt vào ống kính, chúng tôi thấy các chấm đen bắt đầu di chuyển, to dần cho đến khi nhìn thấy những con voọc có hai má trắng bằng mắt thường. Chúng vui đùa với nhau trên cây, trên các mỏm đá cheo leo, càng lúc chúng càng “diễn sâu” hơn, nhiệt tình hơn. Quả thật, được ngắm đàn voọc dễ thương, hiền lành ngay ở khu dân cư là khá thú vị, nên thu hút được nhiều người yêu thiên nhiên. Ðiều đó cũng cho thấy, môi trường sống cho động vật hoang dã được bảo vệ tốt. Theo TS Phạm Quang Tùng, cùng với bán đảo Sơn Trà (Ðà Nẵng), Thạch Hóa là vùng dân cư thứ hai ở nước ta có đàn linh trưởng sinh sống cạnh cộng đồng, cho nên có thể nhìn, xem được. Sáng sớm hoặc chiều tối dễ dàng ngắm voọc trên núi đá vôi. Cũng theo TS Tùng, sau tám năm được cộng đồng cư dân và chính quyền bảo vệ nghiêm ngặt, đàn voọc Hà Tĩnh (linh trưởng quý hiếm có tên trong sách đỏ) ở hai xã Thạch Hóa và Ðồng Hóa sinh trưởng nhanh chóng. Theo kết quả nghiên cứu, điền dã cuối tháng tám vừa qua của nhóm các cán bộ Viện Phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên và Bảo vệ đa dạng sinh học thì hai xã nêu trên có 23 đàn với 148 cá thể voọc. Trong đó có nhiều cá thể voọc đột biến khác lạ, thu hút sự chú ý của các nhà khoa học.

Ông Tú “voọc” cho biết, có thời điểm, nhóm bảo vệ voọc của ông đón nhiều đoàn khách là nhà khoa học từ các vườn thú, người yêu động vật hoang dã nước ngoài đến tìm hiểu, ngắm đàn linh trưởng. Họ mang theo nhiều máy ảnh, ống nhòm hiện đại, ngồi uống cà-phê dưới mái hiên nhà anh Nguyễn Văn Hồng ở xã Ðồng Hóa và thích thú ngắm, ghi hình đàn voọc đang chuyền cành, đùa nghịch trên rặng núi đá cách đó chừng 200 m. Còn các nhà nhiếp ảnh, khách du lịch về trải nghiệm khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp tại đây cũng đã nhiều. “Dường như, với họ, tình yêu thiên nhiên, niềm đam mê tìm hiểu động vật hoang dã rất đặc biệt. Có người chờ đợi, chọn thời điểm ghi hình đàn voọc cả ngày, có khi do thời tiết xấu, trời mưa, họ kiên nhẫn chờ đến mấy ngày”- ông Tú  cho biết.

Từ thực tế này, TS Phạm Quang Tùng gợi ý cho ông Tú và nhóm của ông mở dịch vụ homestay để đón khách  du lịch đến thưởng lãm phong cảnh và ngắm voọc. Ông Tú rất vui với gợi mở này và mong được hỗ trợ tích cực hơn để ý tưởng thành hiện thực, biến các tiềm năng của vùng đất đẹp này thành điểm đến cho khách du lịch. Dưới góc độ hỗ trợ tạo sinh kế cho cộng đồng để chung tay bảo vệ, bảo tồn đàn voọc Hà Tĩnh ở Tuyên Hóa, Trung tâm nghiên cứu bản địa và phát triển thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam đang định hướng cho người dân Thạch Hóa, nhất là các thành viên tổ cộng đồng bảo vệ voọc cách làm du lịch cộng đồng để thu hút khách. Giám đốc Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Phạm Hồng Thái chia sẻ, sẽ hỗ trợ nhóm ông Tú trải nghiệm và học hỏi cách làm homestay ở vùng Phong Nha để thử nghiệm áp dụng vào Thạch Hóa. Tin rằng ngày trở lại, chúng tôi sẽ được trải nghiệm sự thú vị trong những homestay bên dòng sông Gianh và thư thái ngắm voọc chuyền cành, cùng với ông Tú ngâm nga những câu thơ mộc mạc của người lính già chăm voọc: Giữa trời cao chim hót/Dưới hoa lá xanh rờn/Trên cành chú voọc non/Ðung đưa theo chiều gió…

Theo HƯƠNG GIANG - HOÀNG PHƯƠNG (Nhân Dân)