Lý giải về danh xưng “Láng Linh - Bảy Thưa”, người dân địa phương cho rằng, cái tên này xuất phát từ đặc điểm tự nhiên. “Láng” có nghĩa là “vùng đất trũng”, “Linh” là tên loài cá đặc sản vùng này. Khi xưa, nơi đây là vùng đất đồng trũng quanh năm và có nhiều cá linh, vì vậy mà hình thành tên gọi “Láng Linh”.
Cũng có người giải thích rằng, từ “Linh” đến từ cụm từ “linh thiêng”, bởi trong điều kiện rừng thiêng nước độc, người dân nơi đây hay khấn cầu để được cuộc sống bình an và mong ước của họ đã trở thành sự thật. Khu vực trung tâm vùng đồng trũng Láng Linh có tên gọi là “Bảy Thưa”, vì khi xưa nơi này cây thưa mọc dày đặc nên người dân gọi là “bãi thưa”, qua thời gian đọc bị trại âm nên thành “Bảy Thưa” .
Những công trình kiến trúc độc đáo trong khuôn viên Dinh Sơn Trung
Quản cơ Trần Văn Thành sinh trong một gia đình trung nông ở ấp Bình Phú (xã Bình Thạnh Đông, huyện Châu Phú), nay là xã Phú Bình (huyện Phú Tân), cù lao màu mỡ giữa sông Tiền và sông Hậu. Bấy giờ, cuộc sống của người dân biên thùy không yên bởi giặc biên giới thường sang khuấy nhiễu. Ông gia nhập quân đội triều Nguyễn khi mới 20 tuổi, được phong suất đội. Trong một trận chiến đấu quyết liệt, đội quân do ông chỉ huy đã đánh bại giặc Xiêm. Ông được triều đình khen tặng và thăng chức Quản cơ, chỉ huy hơn 500 quân sĩ.
Dưới sự lãnh đạo của Quản cơ Trần Văn Thành, nghĩa binh đã chiến đấu can trường, không hề chùn chân dù gian nan, vất vả, không run sợ trước súng đạn hiện đại của giặc Pháp. Tuy nhiên, trong tình trạng chịu sự càn quét liên tục và quyết liệt của quân giặc, cuộc khởi nghĩa đã thất bại. Tuy vậy, tinh thần chiến đấu của Đức Cố Quản và nghĩa binh thể hiện hào khí anh hùng của dân tộc ta, là nét son rạng rỡ trong trang sử hào hùng của nước nhà.
Nhân dân thương tiếc tôn gọi là Ông Cố, lập đền thờ ở Láng Linh vào khoảng năm 1952. Hàng năm, vào các ngày 20, 21, 22 tháng 2 (âm lịch), có rất nhiều người dân địa phương và khách hành hương từ các nơi đổ về Dinh Sơn Trung để dự lễ giỗ của Đức Cố Quản Trần Văn Thành và tưởng nhớ đến công ơn của vị anh hùng dân tộc đã đứng lên chống lại thực dân Pháp và bè lũ tay sai.
Dọc theo con đường bê-tông, chúng tôi đến Dinh Sơn Trung trong một buổi sáng mát dịu. Giữa cánh đồng bao la, Dinh Sơn Trung nổi bật với những công trình kiến trúc mang giá trị nghệ thuật độc đáo, tạo được điểm nhấn đặc biệt nơi phụng thờ Quản cơ Trần Văn Thành.
Ông Trần Công Hùng (người phụ trách lễ nghi Dinh Sơn Trung) cho biết, nơi đây có giá trị tín ngưỡng to lớn, là biểu tượng cho tinh thần yêu nước, thể hiện truyền thống kiên cường chống giặc ngoại xâm của cha ông xưa, với câu chuyện liên quan đến người anh hùng dân tộc Quản cơ Trần Văn Thành và cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa.
Dẫn chúng tôi tham quan, ông Trần Công Hùng kể lại nhiều câu chuyện liên quan đến quá trình hình thành Dinh Sơn Trung. Để tưởng nhớ vị anh hùng của dân tộc Quản cơ Trần Văn Thành cùng với nghĩa binh Láng Linh - Bảy Thưa đã anh dũng đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược, bảo vệ đất nước, người dân địa phương đã xây dựng Dinh Sơn Trung. Dinh nằm trên một gò cao, thoáng đãng. Trước dinh là cánh đồng Láng Linh bao la, thẳng tắp. Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, Dinh Sơn Trung mới được khang trang như ngày nay.
Điểm nổi bật của Dinh Sơn Trung là Khu di tích lò rèn Bảy Thưa, nơi tái hiện hình ảnh Ông Cố cùng nghĩa binh rèn vũ khí, gươm, giáo đánh giặc. “Không chịu khuất phục trước sức mạnh và vũ khí tối tân của thực dân Pháp, Ông Cố đã huy động lực lượng nghĩa quân chống Pháp hơn 1.200 người, đặt bộ chỉ huy ở trung tâm Láng Linh - Bảy Thưa, ông xây dựng đồn phòng vệ trên diện rộng có cả lò rèn vũ khí và tích trữ lương thực cho cuộc chiến lâu dài” - ông Trần Công Hùng kể.
Du khách gần xa đến Dinh Sơn Trung không những để tham quan, chiêm bái mà còn được sống lại trong quá khứ hào hùng của ông cha qua những câu chuyện ly kỳ về chí khí hào hùng, tinh thần anh dũng của Đức Cố Quản Trần Văn Thành và nghĩa binh trong cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm. Dù cuộc khởi nghĩa Láng Linh - Bảy Thưa không thành công nhưng tinh thần yêu nước của Đức Cố Quản và đội Binh Gia Nghị sẽ luôn là niềm tự hào cho các thế hệ hôm nay.
KHÁNH MY