Thị trấn Tam Quan, nay là phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn (tỉnh Bình Định), cách TP Quy Nhơn khoảng 100km về hướng bắc. Nếu đi theo QL1A hướng bắc - nam, qua khỏi địa phận tỉnh Quảng Ngãi, xuôi xuống đèo Bình Đê (địa giới tự nhiên giữa hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định) là đến Tam Quan.
Bà Nguyễn Thị Ân (phường Tam Quan, thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) với hơn 20 làm bánh tráng khoai lang
Ở xứ dừa Tam Quan, ngoài bánh tráng nước dừa trứ danh, nơi đây còn nổi tiếng với loại bánh tráng đặc sản là bánh tráng khoai lang có "một không hai".
Hơn 20 năm gắn bó với nghề làm bánh tráng khoai lang truyền thống, bà Nguyễn Thị Ân (khu phố Trung Hóa, phường Tam Quan Nam, thị xã Hoài Nhơn) chia sẻ, nguyên liệu chính để làm bánh là khoai lang. Khoai lang được nhập chủ yếu ở Gia Lai, Lâm Đồng; còn dừa thì mua tại địa phương.
Ngoài ra, để bánh có vị thơm, ngọt, béo của bánh còn có thêm một số nguyên liệu khác như: gừng, đường, hạt mè và bột mì (sắn).
Theo bà Ân, để có một mẻ bánh ra lò, mỗi sáng bà phải dậy từ 3-4h sáng để bóc vỏ và nấu khoai lang; dừa trái già lột vỏ lấy cơm dừa rồi đem xay nhuyễn. Sau đó, 2 nguyên liệu trên trộn với gừng, đường, hạt mè (vừng) và bột mì.
"Trước đây, công đoạn nhào bột đều phải dùng tay rất vất vả, giờ đây nhờ sự hỗ trợ của máy móc nên công việc cũng đỡ mệt hơn, thời gian làm bánh cũng được rút ngắn", bà Ân nói.
Thị xã Hoài Nhơn không chỉ nổi tiếng bánh tráng nước dừa, mà còn có bánh tráng khoai lang đặc biệt khiến ai một lần thưởng thức đều nhớ
Bà Ân cũng chia sẻ, sau khi đã chuẩn bị xong bột làm bánh, công đoạn tiếp theo đó là cán bột. Qua bàn tay khéo léo của người làm bánh, những chiếc bánh tròn trịa lần lượt được tạo thành từ khuôn bánh có sẵn. Đặc biệt, muốn bánh không bị nứt, bể thì phải trộn thêm bột mì để có độ dẻo, dai.
Sau khi tạo hình, những chiếc bánh tráng được xếp đều lên vỉ tre rồi mang đi phơi nắng. Cũng như làm các loại bánh, bún khác, để hoàn thành chiếc bánh tráng khoai, không chỉ có sự cần mẫn nhiều tiếng đồng hồ của người thợ mà còn phụ thuộc vào thời tiết.
Vì vậy, trước khi làm bánh, người dân luôn theo dõi dự báo thời tiết, nếu trời nắng thì mới chuẩn bị nguyên vật liệu để làm bánh.
Qua bàn tay khéo léo của người thợ, những chiếc bánh khoai lang thơm lừng được ra lò
"Trung bình một ngày gia đình tôi làm được hơn 1.000 cái bánh, với giá thành một chục (10 cái) khoảng 15 ngàn đồng. Sau khi bánh tráng được phơi khô sẽ có thương lái đến tận nhà mua", bà Ân nói thêm.
Mỗi ngày cho ra lò khoảng 2.000 bánh tráng khoai lang, gia đình anh Nguyễn Đức Tiến (49 tuổi) và vợ Đặng Thị Tuyết cho hay, cũng như làm các nghề bánh trang khác, nghề này cũng làm quanh năm, nhưng thường mùa nắng thì làm nhiều và dịp cuối năm.
Mỗi ngày gia đình ông Tiến làm 2.000 bánh tráng khoai lang
"Mình làm bánh là chính nên làm quanh năm, chỉ khi nào mệt hoặc gia đình có việc mới nghỉ", chị Tuyết nói.
Chị Tuyết cũng cho biết, bánh tráng khoai lang thơm, ngon vì có sự phối hợp của nhiều nguyên liệu, còn bánh tráng gạo thường chỉ bột gạo. Bánh tráng khoai lang có thể ăn sống hoặc nướng lên rồi ăn.
Nghề làm bánh tráng khoai lang đang là thu nhập chính của nhiều người dân ở phường Tam Quan
Mùi vị ngọt dẻo của khoai lang, một chút vị béo của dừa, chút cay nhẹ của gừng và hương hạt mè thơm lừng đã tạo nên những chiếc bánh tráng khoai lang làm lòng người nhớ mãi sau mỗi lần thưởng thức.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Chủ tịch UBND phường Tam Quan Nam cho biết, trên địa bàn, người dân làm các loại bánh tráng cũng nhiều, nhưng số lượng làm bánh tráng khoai lang chỉ tương đối, tập trung chủ yếu ở khu phố khu phố Tăng Long 2.
Bánh tráng khoai lang có thể ăn sống hoặc nướng lên để ăn
Theo ông Hải, nguyên nhân khiến số lượng người làm bánh tráng khoai lang ít là do nguồn nguyên liệu khan hiếm.
Theo DOÃN CÔNG (Dân Trí)