VFF, Hội đồng HLV cần hỗ trợ HLV Troussier vượt khó...

22/01/2024 - 19:27

Chưa bao giờ bóng đá Việt Nam đứng giữa hai làn nước rất rõ ràng như lúc này. Có hai luồng dư luận, một bên tiếp tục đặt niềm tin và bên còn lại muốn chia tay với HLV Troussier càng sớm càng tốt.

Trong lịch sử bóng đá Việt Nam (BĐVN) chưa khi nào trước giờ ra quân mà HLV đội tuyển quốc gia lại công khai tuyên bố như HLV Troussier: khoảng 80% người hâm mộ trên mạng xã hội không ủng hộ và không tin đội tuyển Việt Nam thành công. "Họ không thích nhiều cầu thủ hoặc chính bản thân tôi" - ông từng nói.

Do đó không có gì ngạc nhiên khi đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) thua Nhật Bản 2-4 và nhất là sau trận thua 0-1 trước đối thủ ĐTVN chưa một lần thua suốt hơn 7 năm qua là Indonesia - đồng thời chính thức sớm bị loại khỏi Asian Cup 2023 - không ít người lên tiếng phản ứng, chỉ trích gay gắt.

Họ mong muốn VFF sa thải ông Troussier càng sớm càng tốt dù mục tiêu của VFF là vào vòng loại 3 World Cup 2026. Trong đó, có 2 trận quan trọng gặp Indonesia.

Một số chuyên gia cho rằng cần kiên nhẫn với HLV Troussier như cách Indonesia tin tưởng HLV Shin Tae Yong

Trước khi đưa ra giải pháp cho BĐVN trong thời điểm nhạy cảm này, chúng ta cùng nhìn qua hai đội tuyển Thái Lan và Indonesia - hai đại diện của Đông Nam Á đang thi đấu tốt ở Asian Cup 2023.

Thái Lan: 7 năm kiên định của FAT

Năm 2017, đội tuyển Thái Lan (ĐTTL) khi đó là số 1 Đông Nam Á và đã vào đến vòng loại thứ 3 World Cup 2018. Thế nhưng HLV Kiatisuk, công thần của bóng đá Thái Lan, vẫn bị sa thải khi thành tích của ĐTTL quá kém tại vòng loại cuối cùng World Cup 2018.

Bảy năm qua, từ 2017 đến nay, ngoài hai HLV trong nước giữ vai trò HLV tạm quyền chỉ trong vài tháng, LĐBĐ Thái Lan (FAT) đã lần lượt ký hợp đồng với 4 HLV nước ngoài Milovan Rajevac (Serbia, 2017-2019); Nishino Akira (Nhật, 2019-2021); Mano Polking (Brazil, 2021-2023) và Masatada Ishii (Nhật, 2023 - nay).

FAT đã sa thải HLV Rajevac ngay sau trận ĐTTL thua toàn diện 1-4 và cũng là trận đầu tiên tại Asian Cup 2019 trước Ấn Độ.

Dễ thấy chất lượng V-League không bằng Thai-League nên chất lượng cầu thủ Việt Nam cũng không "chất" như cầu thủ Thái Lan. Trong ảnh tuyển Việt Nam (phải) chạm trán Nhật Bản tại Asian Cup 2023

Với Nishino Akira, vẫn bị FAT sa thải khi ông không thể dẫn dắt ĐTTL vượt qua vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Đáng nói là công việc của ông Nishino tại Thái Lan không thuận lợi do COVID -19, ĐTTL không thể tập hợp được đội hình mạnh nhất.

Mới nhất và cũng là người rất quen thuộc với người Việt Nam là HLV Mano Polking. Dù ông Polking đã giúp ĐTTL hai lần liên tiếp vô địch AFF Cup 2020, 2022 (tổ chức qua năm 2021 và 2023 do COVID-19) nhưng thất bại trước Trung Quốc 1-2 tại vòng loại thứ hai World Cup 2026, HLV Polking vẫn bị FAT sa thải.

Thay Polking là HLV Masatada Ishii và ông đã sớm ghi điểm tại Asian Cup 2023 khi vượt qua vòng bảng trước một lượt đấu qua hai trận thắng Kyrgyzstan 2-0 và hòa Oman 0-0.

Có một chi tiết chúng ta chú ý, dù FAT liên tục sa thải HLV khi thành tích đội tuyển quốc gia không đạt như kỳ vọng, nhưng FAT chọn những HLV ở những quốc gia cùng triết lý bóng đá (Serbia, Brazil, Nhật).

Mỗi người cũng giống nhau khi hướng đến lối chơi kiểm soát bóng với quan điểm tấn công và áp sát, tranh cướp bóng quyết liệt với cường độ cao cả khi có bóng hay không có bóng.

Cách chủ động chọn HLV có định hướng rõ ràng sao cho phù hợp với triết lý bóng đá mà FAT mong muốn áp dụng cho bóng đá Thái Lan, nên sự phát triển của ĐTTL có tính kế thừa liên tục.

Do đó, sự thành công ban đầu của HLV Ishii khi chỉ mới dẫn dắt ĐTTL được gần hai tháng là từ sự ổn định lực lượng của bóng đá Thái Lan, đồng thời tiếp nối và hoàn thiện hơn từ thành quả của người tiền nhiệm Polking.

Indonesia: Trẻ và nhập tịch

Indonesia đã là đội tuyển có tuổi bình quân trẻ nhất trong 24 đội tranh tài ở Asian Cup 2023 là quá đủ để nói sự thành công của LĐBĐ Indonesia (PSSI) khi quyết liệt và kiên trì với chiến lược phát triển bóng đá trẻ để làm nền tảng cho đội tuyển quốc gia.

Ngay cả việc nhập tịch, nếu như trung vệ Jori Amat, cầu thủ đầu tiên nay đã 31 tuổi, thì 4/5 cầu thủ nhập tịch sau này đều dưới 22 tuổi, vừa trẻ lại vừa có chất lượng chuyên môn. Đặc biệt PSSI chú trọng đến thể hình, tố chất khi các cầu thủ nhập tịch có chiều cao trung bình là 1,88 m.

HLV Shin Tae Yong

Thủ quân đội tuyển Indonesia, người ghi bàn duy nhất từ chấm phạt 11m trong trận thắng ĐTVN hôm 19-1-2024 là Asnawi Mangkualam (14) chỉ mới 24 tuổi. Hay như tiền vệ cánh tấn công Marselino Ferdinan (7), là người khiến hàng phòng thủ ĐTVN vất vả, mới 19 tuổi nhưng đã đá ở nước ngoài trong màu áo của đội Deinze ở Giải Hạng hai quốc gia Bỉ.

Ngay cả hậu vệ 22 tuổi Pratama Arhan (12) cũng đang thi đấu ở J-League 2 trong màu áo Tokyo Verdy.

Quan trọng không kém là PSSI đồng hành cùng HLV Shin Tae Yong từ năm 2019 đến nay. Bất chấp thành tích không được như mong muốn của các cấp đội tuyển quốc gia trên mọi đấu trường từ SEA Games, AFF Cup, Asiad, vòng loại World Cup… PSSI vẫn không sa thải ông Shin Tae Yong.

Cần sự cải tổ triệt để, toàn diện

Với BĐVN, đúng là ông Park Hang-seo đã nâng cao vị thế của BĐVN nhưng chúng ta cũng đừng quên, ở hai năm cuối nhiệm kỳ của ông Park, ĐTVN đã thua trực tiếp ĐTTL hai lần ở AFF Cup 2020, 2022 mà sau đó ĐTTL vô địch. ĐTVN cũng xếp cuối vòng loại thứ ba World Cup 2022.

Khi ông Troussier đến Việt Nam vào cuối tháng 2-2023, gần một tháng sau khi HLV Park kết thúc hợp đồng với VFF, ai cũng biết các tuyển thủ VN thời kỳ HLV Park đã sa sút phong độ. Đáng nói hơn khi khát vọng chinh phục những đỉnh cao của thế hệ cầu thủ tài năng này đã giảm sút đáng kể.

BĐVN (phải) cần sự cải tổ triệt để, toàn diện

Khi đến Asian Cup 2023, ĐTVN không thể dự giải với đội hình mạnh nhất khi 9 tuyển thủ bị chấn thương. Vào giải, tiền đạo chơi ấn tượng nhất Nguyễn Đình Bảo 19 tuổi lại bị chấn thương sau trận Nhật Bản, và ở trận Indonesia đến lượt hai tiền đạo Phạm Tuấn Hải, Nguyễn Văn Tùng bị chấn thương.

Thế nhưng quan trọng hơn là HLV Troussier đã nói thẳng những vấn đề BĐVN phải thay đổi. Đó là hệ thống thi đấu bóng đá chuyên nghiệp chưa tạo điều kiện cho các cầu thủ Việt Nam thi đấu ít nhất tư 40 đến 50 trận/năm.

Mô hình BĐVN cũng khác hoàn toàn với thế giới bóng đá, mà là sự khác biệt không giống ai khi số lượng đội V-League là 14 nhiều hơn giải Hạng nhất chỉ có 11 đội.

Từ những phân tích trên chúng ta hãy thử so sánh, VFF có như FAT chủ động chọn HLV nước ngoài cho đội tuyển quốc gia phù hợp với triết lý của bóng đá nước nhà? Hình như chưa.

V-League có bằng Thai-League? Cũng không.

VFF có như PSSI kiên định đồng hành với HLV bất chấp kết quả, thành tích trước mắt vì cái đích tương lai như PSSI đã và đang thực hiện với HLV Shin Tae Yong gần 4 năm qua? Dễ thấy câu trả lời là chưa.

BĐVN có cầu thủ nào thi đấu ở nước ngoài như Thái Lan, Indonesia? Không. Hiện nay duy nhất Công Phượng đang đá cho Yokohama FC ở Nhật, nhưng cả mùa bóng chỉ ra sân được 2 phút và Yokohama FC rớt hạng từ J-League 1 xuống J-League.

BĐVN có tận dụng tối đa nguồn nhân lực kiều bào như Indonesia? Chưa.

Hiện HLV Troussier đang chịu nhiều sức ép

Từ khi cố HLV Karl Heinz Weigang làm HLV ĐTVN sau đó lần lượt là Colin Murphy (Anh), Alfred Riedl (Anh), Dido (Brazil), Henrique Calisto (Bồ Đào Nha)… và mới nhất là Par Kang-seo (Hàn Quốc), không có bất kỳ HLV nào làm được những điều như HLV Philippe Troussier đã thực hiện.

Đó là nói công khai, nói thường xuyên, nói trong những cuộc họp báo chính thức về những tồn đọng của BĐVN, về bất hợp lý trong phương pháp huấn luyện cùng lối chơi của nền BĐVN từ giải trẻ cho đến đỉnh cao khi xây dựng dựa theo các ngoại binh…

Từ đó HLV Troussier kết luận nếu không quyết liệt thay đổi, BĐVN sẽ mãi quanh quẩn trong khu vực Đông Nam Á.

Hiện nay, người hâm mộ đang nóng lòng chờ đợi bộ phận chuyên môn của VFF cùng Hội đồng HLV quốc gia sẽ làm gì để cùng HLV Troussier vượt qua giai đoạn "dầu sôi lửa bỏng" hiện nay!

Theo Người lao động