Các vật dụng thời chiến được vợ chồng ông Huỳnh Trí lưu giữ cẩn thận
Một buổi chiều cuối tháng 4 lịch sử, như thường lệ, ông Hai Trí bày một mâm giỗ đơn sơ, thắp hương cho đồng đội đã hy sinh. 45 năm trôi qua, nhưng ông chưa quên tên, quên mặt từng người trong Đại đội 1 (Tiểu đoàn 512 An Giang).
Sau hàng loạt trận đấu ác liệt, kéo dài, 11 người đã lần lượt ngã xuống. Ông và những đồng chí còn sống - dẫu cứng rắn, kiên cường trong chiến đấu đến mức nào - cũng phải bật khóc trước mất mát quá lớn ấy. Chỉ mấy ngày nữa là toàn thắng, là độc lập, mà họ vĩnh viễn nằm xuống, máu nhuộm thắm lá cờ Tổ quốc.
Hòa bình đã lâu, nhưng còn rất nhiều liệt sĩ chịu cảnh mồ xiêu mả lạc, nằm rải rác khắp nơi trên quê hương, thậm chí ở nước bạn Campuchia. Vị đại tá đến tuổi hưu quyết định góp chút sức lực, bắt đầu hành trình rong ruổi đi tìm từng ngôi mộ liệt sĩ, theo sơ đồ mộ chí được lưu lại, theo ký ức của đồng đội còn sống. Từ nghĩa cử này của ông, Đội K93 được thành lập, chính thức trở thành đơn vị chuyên quy tập hài cốt liệt sĩ.
Đến nay, ông và Đội K93 đã tìm được gần 3.000 hài cốt. Hành trình vạn dặm ấy là chuỗi ngày khó khăn chồng chất khó khăn, là mồ hôi, nước mắt. Hầu hết hài cốt tìm được đều nhờ người dân địa phương hỗ trợ. Không có họ, coi như vô phương! Biết bao người lính tự tay chôn cất đồng đội mình, nhưng khi quay trở lại nơi xưa, họ đứng ngẩn ngơ. Thời gian trôi qua lâu, cảnh vật thay đổi, làng mạc hóa phố xá, rừng thành vườn ruộng…, làm sao xác định được vị trí mồ mả. Dựa theo sơ đồ mộ chí thì có khi lệch cả cây số. Nhiều lúc, tưởng đã chạm tay đến đồng đội, nhưng rồi…
Trong tâm tưởng của ông hai Trí, không có từ “bỏ cuộc”. “Tôi lắng nghe các thông tin do người dân cung cấp, chú ý những manh mối quan trọng để lần ra vị trí hài cốt. Bà con cho biết, hồi xưa ở gò mối ở phía Bắc, trên đầu mộ có chén sắt (bát B52 của bộ đội). Giờ trong vùng có cả chục gò mối, mà chén sắt không biết đã bị chôn vùi chỗ nào. Có người cho biết, mấy chục năm trước, người nhà từng trèo lên một nấm mộ để bẻ xoài. Giờ, chỗ nào cũng có gốc xoài, 5-7 người già chỉ không trúng gốc nào. Lúc này, phải phán đoán chi tiết nào có khả năng chính xác, rồi triển khai tìm. Đào một lần không gặp thì đào vài chục lần. Người dân không hợp tác cho vào đất họ đào bới, thì thuyết phục, năn nỉ họ bằng mọi giá. Có giai đoạn, chúng tôi phải chạy đua với thời gian để tìm hài cốt. Bác sĩ, y tá, anh nuôi, lái xe… đều được huy động tham gia. Mưa bão trắng trời, mọi người ngồi bẹp xuống ăn cơm, mặc kệ nước dâng cao đến ngực. Tối, lội nước dầm mưa về định ngủ, thì phát hiện lều đã sập từ lúc nào. Dựng lều, xử lý xong đống đồ đạc ướt mem, cũng là lúc chuẩn bị đi tiếp. Gần đây, thấy sức khỏe tôi yếu dần, bạn bè, đồng đội khuyên nên tạm dừng công việc này lại. Nghe lời họ, tôi không tham gia các chuyến đi nữa, nhưng vẫn góp sức cùng đội trong việc thu thập thông tin, cách tìm hài cốt. Hễ ai đến nhờ hỗ trợ tìm giúp hài cốt liệt sĩ, tôi đều sẵn lòng” - ông hai Trí bày tỏ.
Chiều hôm ấy, ông kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện. Đó là những trận đánh “xuất quỷ nhập thần”, dùng răng cắn đứt dây mìn “lay-mo” giữa thời khắc sinh tử. Đó là những lần vỡ òa cảm xúc khi được phủ lá cờ Tổ quốc lên hài cốt, đưa đồng đội trở về an táng ở quê nhà. Và trên hết, là nỗi ray rứt của người lính già khi nghĩ đến các liệt sĩ còn “rải rác biên cương mồ viễn xứ”… Nhìn sâu vào đôi mắt đỏ hoe của ông, lắng đọng trong từng khoảnh khắc ông cố nén nước mắt, mới hiểu được “chiến tranh đâu phải trò đùa”!
Tôi hỏi ông: “Đã có rất nhiều nhà báo đến phỏng vấn, với nhiều câu hỏi tương tự, vậy ông có cảm nghĩ gì?”. Ông trả lời: “Tôi không hề thấy chán khi kể chuyện về đồng đội mình. Đó là bài học lịch sử phải được lưu truyền. Có quá khứ mới có hiện tại. Độc lập tự do hôm nay được đánh đổi bằng xương máu của thế hệ trước. Chúng ta chẳng bao giờ trả hết công ơn của họ. Chính vì vậy, tôi tham gia tìm hài cốt liệt sĩ như một cách trả ơn người đã khuất, vừa giúp thân nhân đưa họ trở về cố hương. Chắc chắn rằng, công việc quy tập hài cốt liệt sĩ sẽ còn kéo dài. Nếu tôi không thể đi tiếp hành trình này, rất mong các thế hệ sau sẽ nối tiếp, cố gắng, quyết tâm tìm được bộ hài cốt liệt sĩ cuối cùng”.
Đại tá Huỳnh Trí đã cùng đồng đội trực tiếp tham gia đánh 132 trận lớn nhỏ, trong đó có nhiều trận ông trực tiếp chỉ huy, diệt, bắt sống hàng trăm tên địch. Riêng ông đã tiêu diệt 43 tên địch, bắt sống 27 tên, thu 58 súng và 3 máy PRC 25. Với những đóng góp trong khánh chiến, ngày 5-12-2007, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân". |
Bài, ảnh: GIA KHÁNH