Vì sao điểm chuẩn “đụng trần”?

16/09/2022 - 19:16

Đến thời điểm này, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn (điểm trúng tuyển) tuyển sinh hệ đại học chính quy cho năm 2022 theo phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Đã xuất hiện những ngành học thí sinh cần phải đạt suýt soát điểm tối đa mới trúng tuyển.

Thí sinh trong mùa thi 2022 (Ảnh: DUY THÀNH)

Điểm chuẩn cao ở khối ngành xã hội do nhiều yếu tố

Theo bảng điểm chuẩn do Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội công bố, 31 ngành đào tạo có mức điểm chuẩn từ 20 đến 29,95 điểm. Đáng chú ý, theo phương thức xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, Trường có ba ngành đưa ra mức điểm trúng tuyển rất cao, cùng là 29,95 điểm đối với tổ hợp C00 (tính theo thang điểm 30) gồm: Hàn Quốc học, Đông phương học và Quan hệ công chúng.

Tiếp theo đó, các ngành: Báo chí, Khoa học quản lý, Quản lý thông tin, Quản trị văn phòng, Quốc tế học, Tâm lý học cũng lấy mức điểm chuẩn rất cao là 29 điểm.

Đáng chú ý, mức điểm chuẩn này chỉ áp dụng đối với phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đối với tổ hợp xét tuyển C00 (Ngữ văn, Lịch sử, Đại lý).

Năm nay, các ngành nêu trên của Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đưa ra 45-60 chỉ tiêu cho mỗi ngành.

Số lượng chỉ tiêu không nhiều, lại đa dạng phương thức tuyển sinh, vì vậy, chưa đủ căn cứ nếu chỉ nhìn vào mức điểm chuẩn của một phương thức xét tuyển có chạm ngưỡng điểm tối đa hay không để nhận định ngành học này đang thu hút hay “lên ngôi”.

Như ba ngành đang lấy mức điểm cao nhất trường là Hàn Quốc học có 50 chỉ tiêu; Đông phương học 55 chỉ tiêu và Quan hệ công chúng 60 chỉ tiêu.

Trong khi đó, không chỉ dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để tuyển sinh, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn dùng 5 phương thức xét tuyển gồm: Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo Quy chế tuyển sinh hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo (gồm cả đối tượng là học sinh dự bị đại học dân tộc và người nước ngoài); Xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định đặc thù và hướng dẫn tuyển sinh của Đại học Quốc gia Hà Nội; Xét tuyển kết quả thi đánh giá năng lực (HSA) năm 2022 do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức; Xét tuyển chứng chỉ quốc tế (mã 409) và Xét tuyển kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 (mã 100).

Số lượng chỉ tiêu không nhiều, lại đa dạng phương thức tuyển sinh, vì vậy, chưa đủ căn cứ nếu chỉ nhìn vào mức điểm chuẩn của một phương thức xét tuyển có chạm ngưỡng điểm tối đa hay không để nhận định ngành học này đang thu hút hay “lên ngôi”.

Trả lời trên các báo, GS,TS Hoàng Anh Tuấn, Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết, nhà trường không bất ngờ khi mức điểm chuẩn của các ngành này tăng cao hơn so với năm trước và gần tiệm cận với mức điểm tuyệt đối. Theo như ông thông tin, trung bình ngành Báo chí tổ hợp C00 lấy chỉ tiêu 5 em.

Năm 2021, hai ngành Hàn Quốc học và Đông phương học của trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng gây xôn xao vì đưa ra mức điểm chuẩn tuyệt đối và chạm ngưỡng điểm tuyệt đối, thí sinh thi khối C00 phải đạt 30 điểm mới trúng tuyển ngành Hàn Quốc học, và 29,80 đối với ngành Đông phương học.

Thêm vào đó, mặt bằng chung các ngành có xét tuyển bằng tổ hợp C00 năm nay cũng tăng cao, tới khoảng 2 điểm. Lý giải điều này, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng:“Nguyên nhân do điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2022 các môn Ngữ văn và Lịch sử cao hơn vì đề thi dễ so với năm 2021”.

Giữ ổn định mức điểm chuẩn ở khối ngành kỹ thuật

Đối với các ngành kỹ thuật, theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông, một số ngành của Trường đại học Bách khoa Hà Nội có điểm chuẩn giảm so với năm 2021, như ngành: Kỹ thuật sinh học, Kỹ thuật thực phẩm, Kỹ thuật điện.

Tuy nhiên, đáng chú ý, trong số 60 ngành/chương trình đào tạo tuyển sinh, năm nay của Trường đại học Bách khoa Hà Nội có 5 chương trình không sử dụng phương thức dựa vào kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Các chương trình mà trường không tuyển sinh theo phương thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông đều thuộc nhóm ngành có điểm chuẩn đánh giá tư duy cao nhất.

Theo đại diện nhà trường, điều này là để tránh tình trạng điểm chuẩn cao ngất ngưởng.

Việc phải đặt ra điểm chuẩn quá cao là bất đắc dĩ, và điều này thể hiện một môi trường tuyển sinh không thực sự lành mạnh, bởi có nguy cơ đánh trượt nguyện vọng 1 cả những thí sinh xuất sắc.

PGS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, đây là 5 chương trình có tính cạnh tranh cao nhất, nếu sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông thì sẽ đẩy điểm chuẩn những chương trình này lên “đụng trần”.

Theo nhà trường, việc phải đặt ra điểm chuẩn quá cao là bất đắc dĩ, và điều này thể hiện một môi trường tuyển sinh không thực sự lành mạnh, bởi có nguy cơ đánh trượt nguyện vọng 1 cả những thí sinh xuất sắc.

Một số ngành có mức điểm trúng tuyển cao dẫn đầu theo phương thức xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Trường đại học Bách khoa Hà Nội: Công nghệ thông tin: Kỹ thuật Máy tính 28,29 điểm; Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa 27,61 điểm; Công nghệ thông tin (Việt - Nhật) 27,25 điểm,… nhưng đây lại không phải là những ngành có điểm chuẩn theo phương thức đánh giá tư duy cao nhất.

Ðiểm chuẩn khối y dược, kinh tế ít biến động

Năm nay, điểm chuẩn các trường thuộc nhóm kinh tế không tăng, một số ngành có xu hướng giảm so với năm 2021. Điểm chuẩn các ngành của Trường đại học Kinh tế quốc dân ở mức từ 26,10 đến 28,60 điểm.

Các ngành của trường có điểm chuẩn trong nhóm cao trên 28 điểm: Quan hệ công chúng, Marketing, Kinh doanh Quốc tế, Thương mại điện tử, Kiểm toán, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Mức điểm chuẩn ngành cao nhất của Trường đại học Ngoại thương cho phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay là 28,40 điểm. Theo đại diện nhà trường, chỉ tiêu đối với phương thức này của trường giữ ổn định 30% như năm 2021. Về cơ bản, điểm trúng tuyển của năm 2022 tại tất cả các phương thức xét tuyển của nhà trường là ổn định và chênh lệch không nhiều so với năm 2021.

Điểm chuẩn nhóm ngành Y dược năm nay cũng không tăng. Ngành thường có mức điểm chuẩn dẫn đầu là Y khoa năm nay giảm điểm. Ngành Y khoa Trường đại học Y dược, Đại học Quốc gia Hà Nội có điểm chuẩn là 27,3 điểm, năm 2021 là 28,15 điểm. Theo mức điểm chuẩn vừa công bố của Trường đại học Y Hà Nội, ngành Y khoa cũng giảm điểm, lấy 28,15 điểm so với mức 28,85 điểm của năm trước.

Theo THANH HÀ (Nhân dân)