1. Kết thúc trận đá tập của U22 Việt Nam, HLV Park Hang Seo chạy xuống sân. Việc đầu tiên ông làm là kéo tiền vệ Trần Bảo Toàn lại một góc. Ông Park chỉ cho Bảo Toàn cách xử lý bóng khi bị bao vây ở biên, phải tạo khoảng trống khi tiếp bóng, tìm hướng thoáng để xử lý thay vì cố rê qua người.
Tình huống ông Park không hài lòng ở học trò diễn ra ở cuối hiệp 2. Bảo Toàn đi bóng qua hai cầu thủ đối phương và sút nguy hiểm. Đó là pha xử lý đẹp mắt, nhưng không đúng với tư duy HLV Park Hang Seo yêu cầu ở học trò.
Bảo Toàn là cầu thủ duy nhất trong đợt tập trung này ra sân ở vòng chung kết U23 châu Á 2020. Cầu thủ có kinh nghiệm nhất mà HLV Park Hang Seo phải dạy lại tình huống cơ bản.
HLV Park Hang Seo phải dặn riêng Bảo Toàn.
2. Ông Park luôn đòi hỏi cao. Ở SEA Games, chiến lược gia người Hàn Quốc nhặt từng viên sỏi trên mặt sân nhân tạo để ném khỏi đường pitch, tránh cầu thủ vấp phải dẫn đến chấn thương. Hồi mới về dẫn tuyển Việt Nam, ông Park chỉ lại cho hậu vệ Bùi Tiến Dũng cách ném biên. Khi huấn luyện đội U22, ông dặn Y Êli Niê đứng bắt bóng sao cho chuẩn.
HLV Park Hang Seo tính toán rất chi li. Một người thận trọng trong phát biểu, đánh giá lại kết luận: lứa cầu thủ này không có những nhân tố như Công Phượng, Xuân Trường, điều đó có nghĩa ông Park đã nắm rất rõ khả năng lứa sinh năm 1999, 2000.
Thực tế trên sân đúng như vậy. Ở bài dứt điểm, nhiều cầu thủ thực hiện cẩu thả. Chia đôi đá tập, phải đến 4, 5 cầu thủ chấn thương, kiệt sức, dù mỗi hiệp chỉ kéo dài 40 phút. Ông Park đã đúng với những lo ngại của mình. Vậy đợt tập trung này có ý nghĩa gì?
3 ngày không phải thời gian đủ dài để cải thiện trình độ cầu thủ. HLV Park Hang Seo luôn lưu giữ lời dạy của HLV Guus Hiddink, rằng HLV cấp ĐTQG thì đừng cố cải thiện cầu thủ, mà phải tận dụng tối đa tiềm năng của họ. Ông Park không có nghĩa vụ phải dạy lại từ đầu cho các học trò.
Đợt tập trung này vừa là bài sát hạch, vừa để các cầu thủ tự tin hơn. Khoác áo tuyển là một vinh dự, giúp những Tiêu Exal, Trung Thành, Dương Quân, Quang Nho hay Danh Trung có động lực cố gắng, bởi hầu hết họ đều không có chỗ đứng ở CLB.
Các cầu thủ U22 Việt Nam thể hiện chưa thuyết phục.
3. Trở lại với đánh giá lứa cầu thủ hiện tại không bằng Công Phượng, Xuân Trường. Đây là lứa được lò HAGL Arsenal-JMG của bầu Đức "gạn đục, khơi trong" cách đây 13 năm. Ở độ tuổi thiếu niên, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh đã tập với chuyên gia ngoại. 19 tuổi, toàn đội tập huấn ở châu Âu, thi đấu với lứa U19 của Arsenal, Tottenham, AS Roma. 20 tuổi, cả tuyến trẻ lên đá V-League.
Khi HLV Park Hang Seo tiếp quản U23 Việt Nam, Công Phượng đã có 1 năm tu nghiệp ở Nhật, đá trên dưới 50 trận V-League, có 3 năm khoác áo tuyển. Xuân Trường có 2 năm tập luyện ở K-League. Văn Thanh, Hồng Duy, Văn Toàn 3 mùa ra sân liên tục ở môi trường bóng đá đỉnh cao. Đó là điều kiện mà U22 Việt Nam hôm nay hầu như không có.
Như vậy, không bàn tới tố chất, điều ông Park mong muốn dường như không phải những cái tên y hệt Công Phượng, Xuân Trường năm xưa, mà là những cầu thủ hiện tại phải được tạo điều kiện ra sân chơi bóng như đàn anh trước đây.
Đó là điều bất khả. Ngoài số ít cái tên như Quang Nho, Thiện Đức, Bảo Toàn, hầu hết các cầu thủ HLV Park Hang Seo triệu tập không có chỗ đứng ở CLB. Ông Park còn đưa ra giải pháp tạo cơ chế để hạn chế ngoại binh, cho cầu thủ trẻ cơ hội như phương án cuối cùng.
Dương Quân (áo đỏ) không có chỗ đứng ở HAGL.
Mỗi đội có một quan điểm dùng người. CLB được đầu tư hàng chục tỷ để hướng đến thành tích. Không có thành tích đồng nghĩa với không có tiền, vắng khán giả. Nhìn HAGL đôn cả đội trẻ và chật vật ở V-League 5 năm, các CLB hẳn nhiên phải có sự tính toán.
Vấn đề không phải là "ép" các CLB dùng cầu thủ trẻ ở V-League, mà phải có sự đồng bộ trong đào tạo trẻ và phát triển các trung tâm "trồng người" chất lượng. PVF, HAGL, Hà Nội, Viettel hay SLNA là những lò luyện hiếm hoi sản sinh được ngọc thô, như vậy là quá ít. Ở những nền bóng đá tiên tiến, mỗi đội bóng đều có một lò đào tạo đẳng cấp, tạo tấm lưới rộng "vét cạn" mọi tài năng.
Các cầu thủ cũng thiếu sân chơi để khẳng định mình. Không được thi đấu, cầu thủ dễ dẫn đến thui chột. Các giải U17, U19, U21 vô địch quốc gia hàng năm chỉ đảm bảo cho các cầu thủ trẻ số trận trên dưới 20, tính cả vòng loại và vòng chung kết. Chưa có một hệ thống giải riêng cho các đội trẻ với sức cạnh tranh cao.
HLV Park Hang Seo trăn trở về cơ hội thi đấu của học trò.
Cầu thủ sẽ cải thiện thế nào nếu chỉ ngồi dự bị? Ở tuổi 20, Đình Trọng đã là trụ cột hàng thủ Sài Gòn FC, được mệnh danh là "chuyên gia săn Tây". Quang Hải lên V-League năm 19 tuổi. Duy Mạnh đá giải U23 châu Á, được HLV Toshiya Miura ưu ái khi mới 20 tuổi. Việc được tiếp cận bóng đá đỉnh cao từ sớm sẽ tạo bước đệm cho cầu thủ bật lên.
Sự bùng nổ ở độ tuổi từ 19 đến 22 đã chắp cánh cho lứa U23 tài danh năm 2018 của HLV Park Hang Seo có ngày hôm nay. Các cầu thủ U22 Việt Nam hiện tại đang thiếu bước đệm như thế.
Không thể ngồi yên và chờ Công Phượng, Quang Hải, Xuân Trường mới tự xuất hiện. Cả hệ thống bóng đá phải vào cuộc để sàng lọc, mài giũa ngọc thô thành ngọc tinh. HLV Park Hang Seo sẽ quản lý đầu ra, biến những viên ngọc quý thành tập thể mạnh. Đừng bắt HLV Park phải tự mài ngọc. Ông còn rất nhiều việc phải làm.
Theo HỒNG NAM (VTC News)