Vì sao người thu nhập thấp vẫn không lựa chọn chung cư?

20/12/2019 - 08:00

 - Những năm gần đây, sự xuất hiện của nhiều dự án nhà chung cư đã góp phần giải quyết về nhu cầu nhà ở của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thu nhập thấp. Một bộ phận cư dân rất phấn khởi với mô hình nhà ở vừa túi tiền, linh hoạt trong chi trả. Trong khi đó, một số người không thể thích nghi với mô hình nhà ở chung cư và gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm một căn nhà phố để “an cư lạc nghiệp”.

Chung cư đang được nhiều người dân chọn làm nơi “an cư lạc nghiệp”

Đa số người dân không lựa chọn nhà chung cư đều có chung quan điểm là họ cảm thấy nhà ở chung cư đông đúc, liền kề, cảm thấy ngột ngạt so với nhà ở bên ngoài, không có khoảnh sân trước nhà, chỗ phơi đồ, diện tích trồng hoa kiểng. Có dịp đến chơi nhà bạn ở chung cư, một số người đều cho rằng trần hành lang, trần nhà thấp, cảm thấy nặng nề bởi nhiều tầng nhà xếp chồng lên nhau. Việc gửi xe, di chuyển bằng thang máy cũng tốn nhiều thời gian. Bên cạnh đó, họ "e ngại" nếu ở chung cư sẽ phải đóng các khoản phí hàng tháng, như: gửi xe, quản lý tòa nhà chung cư, bảo trì hàng năm... Đó còn chưa kể sự khó chịu vì phải tuân thủ những quy định chung của chung cư như: cải tạo, sửa chữa nhà phải xin phép ban quản lý, thời hạn sử dụng chung cư chỉ từ 50-70 năm, sau đó phải trông đợi bố trí tái định cư, lo ngại về cháy nổ, tai nạn từ độ cao…

Hiện nay, chung cư Tây Đại học An Giang có đến hơn 1.600 người dân đến ở. Chung cư Firsthome với 500 căn hộ, được hoàn thiện từ năm 2016 đến nay, số người mua căn hộ và thuê ở cũng đã lắp đầy chung cư. Chị Tuyền (ở căn hộ tầng 2, chung cư Firsthome) cho biết: “Với đồng lương công nhân của 2 vợ chồng, nếu tích lũy mãi vẫn không thể mua 1 căn nhà cấp 4 nhỏ ngay trung tâm, nên vợ chồng tôi tranh thủ chính sách mua căn hộ với lãi suất ưu đãi 6%/năm. Với căn hộ 48,8m2, thời điểm mua chỉ có giá 400 triệu đồng, chúng tôi trả trước 150 triệu đồng, 250 triệu đồng còn lại được trả góp giảm dần hàng tháng trong 15 năm, bình quân mỗi tháng chỉ đóng tiền ngân hàng hơn 2 triệu đồng. Có nhà ở ổn định, chúng tôi cảm thấy rất phấn khởi, thoái mái hơn nhiều so với đời sống ở trọ như trước đây”.

Nhiều người ở chung cư hiện nay đa số là người trẻ thuộc thế hệ 7x, 8x, 9x nên với họ dù ở đâu cũng dễ thích nghi, quan trọng là có một môi trường sống tốt, sự tiện ích như: gần trung tâm, chợ, trường học để thuận tiện trong đi làm, đưa đón con đi học. Một công chức sống ở tầng 8 (chung cư Firsthome) cho rằng: “Ở chung cư rất hay là do cách thiết kế tiết kiệm không gian, chẳng hạn bếp liền kề với phòng khách, cha mẹ vừa có thể sinh hoạt, vừa quan sát con, cảm thấy các thành viên trong gia đình gần gũi nhau. Ngoài ra, còn có nhiều tiện ích như: sân chơi trẻ em, sân tập thể dục, cà phê, các cửa hàng dịch vụ. Mặt khác, cư dân nơi đây hầu như có mặt bằng dân trí ngang nhau, nên họ luôn ý thức giữ gìn vệ sinh, chấp hành quy định chung của chung cư như: không ca hát gây ồn ào, phát sinh các loại tệ nạn xã hội như một số khu nhà ở bên ngoài. Khi vắng nhà nhiều ngày như về quê hay đi du lịch, mình rất yên tâm, vì đã có hệ thống camera an ninh và nhân viên bảo vệ túc trực 24/24 giờ”.

Nhà ở chung cư tùy theo góc nhìn của mỗi người đều có những thuận tiện và bất tiện riêng. Song, thực tế nhà ở chung cư đã góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu nhà ở, áp lực lên quỹ đất đô thị. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, TP. Long Xuyên có quy mô dân số 10 năm gần đây luôn có sự biến động, do Long Xuyên là nơi có nhiều công trình, nhà máy hoạt động, bệnh viện, trường đại học, cao đẳng, trung cấp, lượng người đến lưu trú sinh sống, làm việc, học tập ngày càng đông. Số lượng nhà trọ và nhu cầu mua nhà ở của người ở lại gắn bó với thành phố ngày càng tăng. Do vậy, nếu người lao động thu nhập thấp xem chung cư là một trong những sự lựa chọn, sẽ là cách tự giảm áp lực tài chính vì không phải làm việc cật lực cho khoản tích lũy và các khoản vay ngân hàng với lãi suất thả nổi hàng năm để mua nhà. Đồng thời, cũng là cách tiết kiệm quỹ đất cho thành phố để có những quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội thời gian sắp tới.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG