Vì sao trường đại học lớn phải xét tuyển bổ sung ?

22/10/2020 - 14:13

Dù phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay tăng mạnh so với năm ngoái nhưng kể cả một số trường ĐH công lập vốn thu hút nhiều thí sinh quan tâm, cũng ra thông báo xét tuyển bổ sung.

Thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục nhập học tại Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Xét tuyển bổ sung không phải hiện tượng lạ trong tuyển sinh ĐH mỗi năm nhưng đáng chú ý là năm nay phổ điểm tăng mạnh nhưng nhiều trường ĐH công lập có những ngành vốn thu hút nhiều thí sinh (TS) quan tâm như sư phạm, sức khỏe, công an… vẫn thông báo tuyển bổ sung.

Ngành ít thí sinh quan tâm

Chẳng hạn, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM thông báo xét tới 180 chỉ tiêu ngành sư phạm tiếng Nga và 43 chỉ tiêu ngành sư phạm lịch sử - địa lý. Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, đến thời điểm này, trường đã tuyển được khoảng 91% tổng chỉ tiêu. Dù mới nhận hồ sơ xét bổ sung vài ngày nhưng đã có gần 100 hồ sơ nộp về trường nên khả năng sẽ tuyển đủ số chỉ tiêu còn lại.

Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch thì xét tuyển bổ sung 2 ngành gồm khúc xạ nhãn khoa và y tế công cộng áp dụng cho TS có hộ khẩu ngoài TP.HCM. Trong đó, ngành khúc xạ nhãn khoa tuyển 10 chỉ tiêu từ 21,15 trở lên và ngành y tế công cộng xét 20 chỉ tiêu từ 19 trở lên.

Một số trường ĐH đào tạo công an cũng xét tuyển bổ sung nhiều chỉ tiêu các ngành chính quy với mức điểm nhận hồ sơ trên 20.

Lý giải nguyên nhân của việc phải tuyển nhiều đợt, theo đại diện các trường, những ngành trường có xét tuyển bổ sung đều thuộc nhóm ngành ít TS quan tâm hoặc ngành mới mở. Thạc sĩ Lê Phan Quốc cho biết năm nay trường xét tuyển bổ sung 2 ngành thuộc diện khá đặc biệt. Trong đó, ngành sư phạm lịch sử - địa lý là ngành mới đào tạo giáo viên tích hợp bậc THCS trường vừa có quyết định mở ngành chưa kịp tuyển sinh trong đợt 1.

Với ngành sư phạm tiếng Nga, theo thạc sĩ Quốc, là ngành khó tuyển sinh những năm trước, năm nay ở đợt 1 chỉ tuyển được 4 - 5 TS. Trong khi đó, năm 2019 trường ngưng tuyển sinh ngành này nên TS có thể bị hạn chế thông tin khi tham khảo tình hình tuyển sinh năm ngoái.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Hà, Phó trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cũng cho biết trường xét bổ sung 2 ngành đặc thù. Trong đó, ngành khúc xạ nhãn khoa ngoài điều kiện điểm số trường còn xét dựa trên điểm tiếng Anh trong kỳ thi tốt nghiệp và đây chính là rào cản với nhiều TS. Còn y tế công cộng luôn là ngành có điểm chuẩn thấp nhất các năm, không được nhiều TS lựa chọn bằng các ngành khác trong khối ngành sức khỏe.

Dịch Covid-19 tác động đến lựa chọn của thí sinh ?

Nhiều trường ĐH công lập khác vốn thu hút nhiều TS quan tâm cũng thông báo xét tuyển bổ sung hàng trăm chỉ tiêu.

Trường ĐH Quốc tế TP.HCM xét tuyển thêm hơn 1.300 chỉ tiêu cho 16 ngành đào tạo do trường cấp bằng và 21 ngành chương trình liên kết quốc tế do đối tác cấp bằng. Kết thúc đợt bổ sung trường chỉ tuyển được hơn 500 hồ sơ. Trong đó, các ngành chương trình do trường cấp bằng tuyển đạt trên 90% chỉ tiêu nhưng nhiều ngành chương trình quốc tế TS giảm mạnh so với năm trước. Dù vậy, trường này quyết định không xét tuyển bổ sung đợt tiếp theo.

Theo đại diện trường này, có những tác động từ dịch Covid-19 đến việc lựa chọn học các ngành thuộc chương trình liên kết quốc tế năm nay. Chương trình liên kết này thông thường có thời gian học tại chỗ và chuyển tiếp nước ngoài, trong khi thực tế trước mắt việc di chuyển giữa các nước vẫn còn hạn chế.

“Thậm chí năm nay còn có những trường hợp TS đã trúng tuyển vào trường nhưng phụ huynh vẫn đến xin rút hồ sơ để về trường tỉnh học cho gần nhà”, người này cho hay.

Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM thông báo xét  tuyển bổ sung bằng cả điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm thi đánh giá năng lực cho 5 ngành chương trình đại trà, 3 ngành chất lượng cao và 6 ngành chương trình liên kết quốc tế. Kết thúc thời gian nhận hồ sơ vào 15.10, trường này đã tuyển gần đủ tổng chỉ tiêu cần tuyển đợt bổ sung với các ngành đại trà và chất lượng cao. Các ngành thuộc chương trình liên kết quốc tế chỉ tuyển được vài người. Theo tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo, những ngành thiếu cục bộ vẫn là những ngành khó tuyển nhiều năm như: công nghệ hóa học, quản lý tài nguyên môi trường.

Theo HÀ ÁNH (Thanh Niên)