Trình bày với phóng viên Báo An Giang, bà Trịnh Thị Thi (sinh năm 1975, ngụ đường Châu Thị Tế, khóm Vĩnh Tây 3, phường núi Sam, TP. Châu Đốc) cho biết: “Gia đình tôi cư ngụ ở đất này, đã làm nhà trọ, hoạt động mua bán từ rất lâu, thực hiện nghĩa vụ đầy đủ cho Nhà nước. Ngày 9-1, có một nhóm người đem lưới B40 đến chắn ngang lối ra vào nhà, chỗ mua bán của gia đình tôi. Tôi ngăn cản, nhưng họ vẫn thực hiện mà không giải thích rõ ràng. Sau đó, tôi gửi đơn đến nhiều cơ quan, tổ chức nhờ xem xét, giải quyết vụ việc. Động thái rào chắn vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động mua bán, việc đi lại. Khi rào chắn, địa phương không thông tin để các hộ liên quan được biết, chuẩn bị trước?
Tôi đã đề nghị chừa cho gia đình tôi một khoảng trống đủ để lưu thông và mua bán, thậm chí xin tạm dừng việc rào chắn để gia đình thuận lợi hoạt động trong mùa vía bà, nhưng không được chấp nhận. Để mưu sinh, chúng tôi đã tự di dời một khoảng rào chắn. Đã gần 20 ngày vẫn chưa thấy cơ quan chức năng, chính quyền địa phương có phản hồi. Vừa qua, Công an phường núi Sam đã mời chúng tôi đến trụ sở, yêu cầu cung cấp thông tin liên quan khiếu nại. Thông qua Báo An Giang, tôi đề nghị cơ quan chức năng chấp nhận yêu cầu của tôi”.
Bà Thi chỉ việc rào chắn
Qua tìm hiểu của phóng viên, phần đất đã rào chắn do UBND phường núi Sam quản lý. Đây còn là con đường công cộng chạy ra phía sau phần đất ruộng. Trước đây, đất được sử dụng làm chỗ mua bán mắm, khô, sau sử dụng làm bãi giữ xe. Liền kề là nhà của cha mẹ, anh, chị, em của bà Thi. Việc rào chắn nói trên nhằm bảo đảm mặt bằng cho Công ty TNHH MGA Việt Nam thực hiện dự án Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ - Cáp treo núi Sam, với tổng diện tích gần 60.000m2. Việc rào chắn liền kề với phần đất bà Thi thuê không nằm trong diện tích của bà. Ngoài ra, việc rào chắn đi ngang nhà của chị, em bà Thi gần đó, nhưng họ vẫn chưa phản ứng, khiếu nại.
Trả lời về vấn đề này, ông Lê Hoàng Phương, Phó Chủ tịch UBND phường núi Sam cho biết: “Việc rào chắn nhằm thực hiện xây dựng Khu du lịch văn hóa tâm linh Bà Chúa Xứ- Cáp treo núi Sam. Đất này thuộc Nhà nước, giao địa phương quản lý. Phần đất rào không nằm trong diện tích đất của bà Thi, chị em bà. Ngoài ra, bà Thi có đến một căn nhà liền kề nằm phía trước, có thể liên thông với nhà sau sử dụng để đi lại, buôn bán.
Việc rào chắn nhằm phục vụ chung, nâng cấp hoạt động du lịch, giao thương, được chúng tôi thông tin nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng. Yêu cầu của bà xin chừa một khoảng trống phục vụ mục đích đi lại, hoạt động mua bán là không có cơ sở. Vừa qua, chúng tôi giao Công an phường mời đương sự làm việc để nắm về nội dung cũng như yêu cầu khiếu nại của bà Thi, do bà không gửi đơn ở phường”.
Luật sư Trần Ngọc Bản (Hội Luật gia tỉnh An Giang) nhận định: “Việc gia đình công dân sử dụng diện tích đất không thuộc quyền sử dụng đất của mình để xây dựng, rào chắn có thể bị xem là hành vi chiếm đất đai, lấn chiếm hành lang lộ giới. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Phần đất công dân có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Nhà nước trưng dụng làm đường giao thông, công trình công cộng phục vụ dân sinh… Nhà nước có nghĩa vụ bồi thường đối với thiệt hại về tài sản, hoa màu, về sản xuất - kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, do phần đất rào chắn là đất do Nhà nước quản lý nên việc bà Thi yêu cầu như đã nói là không thể chấp nhận”.
Bài, ảnh: N.R