Các triệu chứng của bệnh viêm nướu
Các triệu chứng của bệnh viêm nướu có thể là:
1. Nướu đỏ và có mụn mủ
2. Sưng nướu ở vùng bị viêm, đau khi chạm vào hoặc nhai thức ăn
3. Chảy máu khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa
4. Hôi miệng
5. Tụt lợi
6. Ở một số người, nướu bị viêm nặng còn có thể gây đau họng hoặc sưng hạch bạch huyết ở cổ họng.
Nguyên nhân gây ra bệnh viêm nướu là gì?
Theo Medical News Today, WebMD và Healthline, các nguyên nhân gây viêm nướu bao gồm:
1. Vệ sinh răng miệng kém, không đánh răng thường xuyên: Bác sĩ nha khoa tổng quát Zhang Yanxiang, thuộc Bệnh viện Taoyuan Chang-Gung Memorial Hospital, Đài Loan cho hay, vệ sinh răng miệng kém khiến vi khuẩn và mảng bám tích tụ, kích thích các tế bào miễn dịch tập trung trong nướu răng.
Quá trình này khiến nướu sẽ bị sưng đỏ, thường gặp nhất là do chải răng không sạch, hoặc do răng khôn mọc lệch tạo nên lỗ hổng giữa răng cửa và răng sau, làm cặn thức ăn bị dắt lại và khó loại bỏ, tạo môi trường cho vi khuẩn phát triển.
2. Thay đổi nội tiết tố: Thường xảy ra ở tuổi vị thành niên, phụ nữ mang thai hoặc mãn kinh, lúc này nướu có thể trở nên nhạy cảm hơn và tăng khả năng bị viêm.
3. Bệnh tật, nhiễm virus: Khi bị các bệnh như tiểu đường hoặc AIDS, hệ thống miễn dịch bị ảnh hưởng khiến nướu dễ bị nhiễm trùng hơn. Ngoài ra, nướu cũng có thể bị viêm do virus, chẳng hạn như viêm nướu do virus herpes.
4. Hút thuốc lá: Những người thường xuyên hút thuốc có nguy cơ bị viêm nướu răng cao hơn những người không hút thuốc.
5. Thuốc: Một số loại thuốc sẽ làm tăng khả năng viêm nướu, ví dụ như thuốc tránh thai, thuốc chứa steroid, thuốc chẹn canxi làm nướu phát triển bất thường, gây sưng đỏ, viêm nhiễm. Một số thuốc chống động kinh cũng làm giảm tiết nước bọt, giảm sức khỏe răng miệng.
3 cách để ngăn ngừa viêm nướu
Chỉ cần tránh 5 nguyên nhân gây viêm nướu ở trên, bạn có thể giảm thiểu được nguy cơ bị viêm nướu.
Nếu sử dụng các loại thuốc như thuốc tránh thai, steroid, thuốc chẹn canxi và một số thuốc chống động kinh, bạn nên chú ý đến sức khỏe răng miệng trong thời gian dùng thuốc. Nếu bị viêm nướu nên trao đổi với bác sĩ của bạn về việc thay thuốc.
Để giữ gìn sức khỏe răng miệng, bạn cũng có thể:
1. Đánh răng ít nhất 2 lần mỗi ngày vào buổi sáng và tối, kết hợp dùng chỉ nha khoa để loại bỏ cao răng giữa các kẽ răng và giảm nguy cơ viêm nướu.
2. Dùng nước súc miệng, song nước súc miệng không thể thay thế cho việc đánh răng. Bác sĩ Pan Yuhua, Chủ nhiệm nha khoa tổng hợp, Bệnh viện Chang Gung Hospital, Đài Loan chỉ ra rằng, chúng ta nên mua loại nước súc miệng có chứa chlorhexidine, bởi chất này có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn và ngăn ngừa viêm nướu.
Tuy nhiên, loại nước súc miệng này nếu sử dụng lâu dài sẽ làm răng ố vàng, vì vậy không nên dùng hàng ngày, cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dùng theo hướng dẫn của sản phẩm.
Ngoài ra, nước súc miệng có chứa cồn dễ gây kích ứng niêm mạc miệng, do đó những người vừa trải qua phẫu thuật trong miệng (như nhổ răng) hoặc dễ bị khô miệng, loét miệng nên sử dụng nước súc miệng không cồn.
3. Kiểm tra và lấy cao răng 6 tháng một lần để loại bỏ mảng bám và vôi răng làm giảm nguy cơ viêm nướu.
Thuốc uống và thuốc bôi trị viêm nướu có hiệu quả không?
Các vết sưng đỏ, nóng và đau do viêm nướu, nếu không tiện đi khám, bạn có thể áp dụng các phương pháp sau để giảm đau tại nhà:
1. Thuốc giảm đau: Thuốc Paracetamol nói chung hoặc thuốc giảm đau không steroid (như ibuprofen) đều có thể sử dụng.
2. Súc miệng bằng nước muối: Nước muối có thể tiêu diệt vi khuẩn, nhưng sẽ gây đau hơn.
3. Thuốc bôi trị viêm nướu: Bác sĩ Zhang Yanxiang cho hay nếu nguyên nhân gây viêm và đau nướu do vật cứng đâm vào, bạn có thể dùng thuốc mỡ để bôi quanh vết thương. Thuốc bôi trị viêm nướu có chứa ít steroid có thể ức chế phản ứng viêm. .
4. Giữ vệ sinh răng miệng: Đánh răng hoặc dùng nước súc miệng.
5. Dùng nước đá.
Điều trị viêm nướu thế nào?
Viêm nướu không nguy hiểm đến tính mạng, nếu bạn giữ vệ sinh răng miệng, bệnh này thường khỏi sau 10 đến 14 ngày. Nếu các triệu chứng kéo dài hơn 14 ngày, hoặc có mủ, thậm chí bị sốt, hãy đi thăm khám ngày vì tình trạng viêm nướu có thể không chỉ là vấn đề của nướu.
Theo bác sĩ Zhang Yanxiang, bệnh nhân thường không biết nguyên nhân gây viêm nướu, ngoài ra bị chảy máu nướu cũng không nhất thiết sẽ đau. Vì vậy, nên đến bác sĩ để thăm khám và làm sạch răng, loại bỏ mảng bám và vôi răng, giúp giảm các triệu chứng và rút ngắn quá trình của bệnh.
Nguyên nhân bị viêm nướu cũng có thể là do bệnh nha chu. Bệnh nha chu có liên quan mật thiết với chứng rụng răng, bệnh tiểu đường, tim mạch.
Đôi khi, từ bệnh viêm nướu cũng có thể phát hiện ra các căn bệnh toàn thân khác, ví dụ bệnh bạch cầu gây chảy máu nướu răng. Vì vậy, nếu viêm nướu nhiều lần mà không tìm ra nguyên nhân thì nên đi khám.
2 phương pháp y học cổ truyền giúp cải thiện tình trạng viêm nướu
Ngoài việc thăm khám nha sĩ và giữ vệ sinh răng miệng, nếu tình trạng viêm nướu xảy ra thường xuyên, bạn cũng có thể xem xét các bài thuốc Đông y. Y học cổ truyền cho rằng, dạ dày không khỏe cũng có thể gây sâu răng, viêm nướu, hôi miệng.
Bác sĩ Xu Peishan, thuộc Khoa y học cổ truyền, Bệnh viện Tzu Chi Hospital, Đài Loan cho hay, ăn quá nhiều đồ ngọt, đồ ăn lắm dầu mỡ và uống quá nhiều đồ uống có đường có thể gây ra tình trạng dư thừa độ ẩm trong cơ thể, từ đó ảnh hưởng đến răng miệng, gây ra nhiều chứng bệnh. Vì vậy, trong khẩu phần ăn cần tránh các thức ăn quá ngọt, quá nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị và các loại thức ăn có mùi vị nặng khác.
Ngoài ra, y học cổ truyền cũng cho rằng viêm nướu là một "hội chứng nhiệt". Bác sĩ Xie Mingxian, thuộc Bệnh viện Trung y Linsen Đài Loan cho biết, nếu bị viêm cấp tính, sưng đỏ, đau do nhiệt, có thể dùng các vị thuốc giúp thanh nhiệt như thạch cao, hoàng liên, thục địa...
Nếu bị "hư nhiệt" do các bệnh mãn tính có thể sử dụng các vị thuốc như hồ hoàng liên, nữ trinh tử, nhọ nồi, sau đó dưỡng âm bằng mạch môn, kỷ tử, để cải thiện.
Theo LAN HƯƠNG (VTC news)