Viễn Châu - “Vua viết lời vọng cổ”, danh cầm nổi tiếng

05/07/2024 - 07:01

 - Ở miền Nam, nhắc đến bài vọng cổ, nhiều người nghĩ ngay đến “Tình anh bán chiếu” của cố soạn giả Viễn Châu, qua giọng ca chân chất của Nghệ sĩ nhân dân Út Trà Ôn. Chính bài vọng cổ này đã đưa 2 người đồng hương lên ngôi “Vua viết lời vọng cổ” và “Vua ca vọng cổ”.

Viễn Châu tên thật là Huỳnh Trí Bá (1924 - 2026), quê xã Đôn Châu, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh. Từ nhỏ, ông thành thạo đàn tranh và đàn guitar phím lõm, đặc biệt, tuyệt kỹ đàn tranh của ông được xem là “độc nhất vô nhị”, ít người sánh kịp. Những năm 1960, ngón đàn tranh của Viễn Châu nằm trong bộ ba đàn cổ nhạc, mệnh danh “tam hùng”, bao gồm: Năm Cơ đàn sến, Văn Vĩ guitar phím lõm và Bảy Bá (Huỳnh Trí Bá)đàn tranh. Đến nay, ít thấy có tay đàn nào vượt qua được bộ ba kiệt xuất này.

Các tác phẩm biểu diễn đàn tranh của Bảy Bá được nhiều hãng đĩa thu thanh và phát hành liên tục. Ngoài đoàn Việt kịch Năm Châu, ông cộng tác với các đoàn hát: Kim Thanh Út Trà Ôn, Thanh Tao, Thanh Nga, Dạ Lý Hương, Tân Hoa Lan. Bên cạnh đó, ông còn thường xuyên cộng tác với các hãng đĩa Việt Nam, Kim Long, Việt Hải, Thăng Long, Sống Mới, Nhạc ngày xanh.

Năm 1950, lần đầu tiên ông viết vở cải lương “Nát cánh hoa rừng”, lấy nghệ danh Viễn Châu, hàm ý người “viễn xứ” nhớ nguồn cội quê hương Đôn Châu. Tương tự, người đồng hương Nguyễn Thành Út (1919 - 2001) với nghệ danh Út Trà Ôn, nhớ quê quán Trà Ôn. Theo ký giả Trần Tấn Quốc (người lập giải Thanh Tâm sân khấu cải lương), năm 1960, trong cuộc thăm dò ý kiến độc giả, Út Trà Ôn được chọn là “Đệ nhất danh ca”. Báo chí, đồng nghiệp và người mộ điệu phong cho ông là “Vua ca vọng cổ”. Lúc này, Út Trà Ôn đã nổi tiếng, nhưng với bài “Tình anh bán chiếu”, giọng ca của ông làm chấn động làng cổ nhạc, và bài ca này làm bất tử tên tuổi của ông.

Soạn giả Viễn Châu sáng tác trên 50 vở cải lương, viết khoảng 2.000 bài cổ nhạc, tân cổ giao duyên, chưa ai trong làng sân khấu cải lương phá được kỷ lục này. Nhưng nhắc đến ông, công chúng nhớ đến “Tình anh bán chiếu”. Sau Út Trà Ôn, nhiều nghệ sĩ hàng “gạo cội” sân khấu cải lương hát “Tình anh bán chiếu”, dù rằng mỗi người mỗi vẻ, có cái hay riêng, nhưng với nhiều thế hệ người nghe, chỉ có Út Trà Ôn ca “Tình anh bán chiếu” là “độc nhất vô nhị”.

70 năm tay viết tay đàn, sáng tác của Viễn Châu ở mức “thượng thừa”, bài hát dễ ca, dễ nhớ, được nhiều thế hệ thuộc từ nhan đề đến nhiều đoạn của bài hát, vở cải lương. Ngoài bài “Tình anh bán chiếu”, công chúng còn nhớ và thuộc lòng các bài: Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Tần Quỳnh khóc bạn, Hớn đế biệt Chiêu Quân, Gánh bưởi Biên Hòa, Trái khổ qua, Ông lão chèo đò... Đã có đến 120 bài như vậy trong tuyển tập vọng cổ Viễn Châu.

Ngoài viết dễ ca, dễ nhớ, soạn giả Viễn Châu còn sáng tác kiểu “đo ni đóng giày”. Út Trà Ôn với “Tình anh bán chiếu”, Thành Được hát “Tiếng trống canh tàn”, Út Bạch Lan ca “Hoa lan trắng”, Mỹ Châu với “Hòn vọng phu”, Tấn Tài hát “Hận Kinh Kha” và Minh Vương oán than với bài “Lòng dạ đàn bà”... Chính những bài hát này đã góp phần vinh danh, “đóng khung” cho nhiều tên tuổi của nghệ sĩ.

Đến năm 1960, dù đã có sáng tác hài, nhưng đến tay Viễn Châu mới ra đời trường phái “Vọng cổ hài”. Nhắm đến nghệ sĩ Văn Hường, ông viết bài vọng cổ hài đầu tiên “Đêm tân hôn”, và ngay lập tức chinh phục được công chúng. Tiếp sau đó, ông viết một loạt vọng cổ hài, như: Vợ tôi nói tiếng Tây, Sợ vợ, Chó mực đầu cáo, Lá sớ táo quân, Tề Thiên Đại Thánh... Từ các bài hát này, “Vua ca vọng cổ hài” đã được vinh danh cho Văn Hường, và sau đó chưa có người “xứng đáng” tiếp nối ông. Đến lúc này, sân khấu cải lương đã có “Vua ca vọng cổ Út Trà Ôn”, “Hoàng đế đĩa nhựa Tấn Tài”.

Báo chí đương thời đặt câu hỏi “cha đẻ” Vọng cổ hài, ông giải thích, thường khi nói về bài vọng cổ, người ta nghĩ ngay đến một cái gì đó bi ai, buồn thảm. Thế là ông “lật ngược” lối suy nghĩ đó và thành công một cách ngoạn mục. Nói về bí quyết sáng tác dễ nhớ, dễ ca, ông cho biết, khi viết, không phải mực trào ra đầu ngòi bút mà đó là tim óc, trí não của người viết đang đặt hết vào đầu bút để tuôn ra thành lời. Để viết thành công, khi viết, người cầm bút phải tạm quên mình và hóa thân vào nhân vật mình đang viết.

Độc đáo hơn cả, theo nhiều nghệ sĩ, soạn giả Viễn Châu có một biệt tài viết bài vọng cổ ngay tại phòng thu. Khoảng năm 1964, tại phòng thu, ông được yêu cầu viết một bài vọng cổ để nghệ sĩ Hữu Phước ca thu đĩa tại chỗ. Ở tình thế cấp bách, ông nhận lời và đồng ý viết. Thế là khi mọi người đi rước 2 nhạc sĩ Văn Vĩ và Năm Cơ tới, ông đã viết xong 3 câu đầu của bài ca “Nhớ mẹ”. Nghệ sĩ Hữu Phước vào phòng thu hát xong 3 câu đó, thì Viễn Châu hoàn tất 3 câu vọng cổ còn lại.

Một thời gian sau, cũng tại phòng thu, ông lại được yêu cầu viết ngay một bài cho nghệ sĩ Thanh Nhàn ca. Nhận lời, ông viết ngay bài hát “Trái khổ qua”. Lấy cảm hứng khi thấy một anh đầu bếp đi chợ về mua thúng đồ ăn, trong đó có đựng mấy trái khổ qua. Ông suy tư ra đời bài hát và chính sự vội vã bất ngờ, nhưng lại tạo nên 2 bài vọng cổ thuộc hàng kiệt tác vọng cổ của ông.

Trong lịch sử hình thành và phát triển hơn 90 năm của sân khấu cải lương, Viễn Châu thật sự là “soạn giả ngoại hạng”, đạt đến thành công rực rỡ. Ông có đến 70 năm cống hiến trong cả 2 lĩnh vực đàn và sáng tác lời vọng cổ, cũng là một trong những người góp phần to lớn vào thành công của cải lương thời hoàng kim. Soạn giả Viễn Châu được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú năm 1988 và năm 2012 được phong tặng Nghệ sĩ nhân dân.

N.R