StarGlobal 3D là một trong những startup công nghệ để lại nhiều ấn tượng trong chương trình Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ). Đây là công ty chuyên triển khai các giải pháp số hóa 3D/360 đã được Cục Sở hữu trí tuệ Mỹ cấp bằng sáng chế độc quyền.
Trước đây, tạo ra một bản sao kỹ thuật số tỷ lệ 1:1 của bất kỳ đối tượng hoặc công trình hiện hữu nào, người ta thường sử dụng công nghệ quét laser 3 chiều (3D Scanning). Công nghệ quét laser 3 chiều cũng đã cho thấy sự ưu việt hoàn toàn so với các phương thức đo đạc truyền thống.
Ông Trần Duy Hào - nhà sáng lập và điều hành StarGlobal 3D.
Tuy vậy, giới hạn của công nghệ quét 3D là dữ liệu thu thập được có dung lượng rất lớn, lên tới hàng Terabyte. Điều này đòi hỏi phải có những máy tính cấu hình cao, sử dụng phần mềm chuyên dụng phức tạp với người dùng được đào tạo bài bản mới có thể xử lý dữ liệu. Đây là trở ngại khiến công nghệ quét 3D khó có thể đi vào thực tế đời sống.
Nhận thấy vấn đề này, ông Trần Duy Hào - nhà sáng lập và điều hành StarGlobal 3D cùng cộng sự đã miệt mài nghiên cứu xây dựng quy trình giải pháp giúp chuyển hóa những dữ liệu 3D rất nặng lên môi trường web. Nhờ vậy, người dùng có thể dễ dàng tiếp cận thông tin qua những thiết bị phổ biến như smartphone và máy tính.
Bản đồ du lịch tương tác thông minh 3D/360 đã được StarGlobal 3D triển khai cho Sở Du Lịch TPHCM.
Theo nhà sáng lập Trần Duy Hào, StarGlobal 3D sử dụng các công cụ như máy quét 3D, camera 360, máy bay không người lái và máy ảnh kỹ thuật số để quay, chụp lại không gian showroom, tòa nhà, nhà máy..., chuyển hóa nó từ dạng vật lý sang dạng kỹ thuật số. Thông qua việc số hóa để xây dựng hệ sinh thái, công nghệ này có thể ứng dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Ngoài số hóa hình ảnh, StarGlobal 3D còn đưa trí tuệ nhân tạo vào các bản vẽ 3D để phục vụ việc thuyết minh tự động.
Trước ý kiến cho rằng sản phẩm của StarGlobal 3D không khác Google Street View, ông Hào khẳng định ý tưởng của startup này và Google giống nhau, nhưng giải pháp của Việt Nam có nhiều tính năng ưu việt.
StarGlobal 3D có thể đi sâu vào nhà máy, còn Google Street View chỉ có thể xem không gian công cộng bên ngoài. Hơn nữa, StarGlobal 3D còn có tính năng tích hợp được nhiều thông tin trên nền tảng 3D/360, trở thành all in one platform (nền tảng tất cả trong một) mà không cần phải đi đâu tìm kiếm thông tin
Bảo tàng phụ nữ Nam Bộ tại Quận 3, TP.HCM được tái hiện dưới dạng 3D để khách tham quan trải nghiệm dưới dạng web.
Theo giới thiệu của ông Hào, StarGlobal 3D hiện có 3 phân khúc khách hàng. Tập khách hàng của startup này bao gồm những dự án chính phủ như bảo tàng du lịch, các khách hàng là doanh nghiệp tư nhân như các công ty lớn, hoạt động lâu năm và thứ 3 là các showroom, nơi trưng bày sản phẩm.
“Hiện tại, StarGlobal 3D đã tiến hành số hóa cho các bảo tàng, nhà máy, khu công nghiệp, khu di tích. StarGlobal đang khai thác tập khách hàng B2B và sẽ chuyển sang B2C trong thời gian tới.”, nhà sáng lập này chia sẻ.
Một nhà máy sản xuất tại Long Thành được tái hiện dưới dạng 3D.
Về doanh số, năm 2017 StarGlobal 3D đã đạt mức doanh thu khoảng 500 triệu đồng. Công ty này đã thu khoảng 1,5 tỷ đồng năm 2018, 3,5 tỷ đồng năm 2019 và 2 tỷ trong năm 2020. Trong năm 2021, dự kiến startup số hóa 3D này sẽ kiếm về mức doanh thủ 10 tỷ.
Theo nhà sáng lập Trần Duy Hào, startup của ông muốn hiện thực hóa khát vọng đưa trí tuệ dân tộc Việt Nam vươn ra thế giới và dẫn đầu thị trường với các giải pháp số hóa trên nền tảng 3D.
Theo TRỌNG ĐẠT (Vietnamnet)