Tên lửa Epsilon rời khỏi bệ phóng lúc 7 giờ 50 phút 20 giây sáng 18-1-2019 tại Trung tâm Vũ trụ Uchinoura, tỉnh Kagoshima. (Ảnh: Kyodo/TTXVN)
Trong số đó, Micro Dragon là vệ tinh do các nhà khoa học Việt Nam chế tạo đã được đưa lên quỹ đạo bằng tên lửa tại bãi phóng thuộc nhóm đảo Kyushu và Okinawa ở phía Nam Nhật Bản.
Sự kiện này đánh dấu Việt Nam đang dần làm chủ công nghệ chế tạo vệ tinh.
Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Phó Giám đốc Trung tâm Vũ Trụ Việt Nam, tiến sỹ Vũ Anh Tuân, sáng 18-1, tại Hà Nội về nội dung này.
- Xin ông cho biết ý nghĩa của việc vệ tinh Micro Dragon được phóng thành công lên vũ trụ?
Tiến sỹ Vũ Anh Tuân: Sau khi đưa lên quỹ đạo, nhiệm vụ chủ đạo của vệ tinh Micro Dragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam. Việc thu được ảnh của vệ tinh Micro Dragon là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng micro trên thế giới, nhằm tăng cường khả năng đáp ứng nhanh trong các hoạt động như phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Vệ tinh Micro Dragon là vệ tinh quang học có nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ nhằm đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn thủy sản, theo dõi sự thay đổi các hiện tượng xảy ra ở vùng biển ven bờ để phục vụ cho nuôi trồng thủy sản Việt Nam đồng thời tăng khả năng phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.
Với độ phân giải không cao, chỉ phân biệt được những vật có độ lớn từ 70m trở lên, vệ tinh Micro Dragon không có chức năng phát hiện, định vị tàu mà chỉ có một cảm biến quan trắc màu nước biển để giám sát chất lượng nước, dầu loang trên biển; thông qua vệ tinh có thể phát hiện những động vật, phù du đang sinh sống giúp quản lý và phát triển ngư nghiệp.
- Để có được thành công này, xin tiến sỹ cho biết chúng ta đã phải chuẩn bị như thế nào về xây dựng đội ngũ, chuẩn bị điều kiện trang thiết bị cho việc phóng vệ tinh lần này?
Tiến sỹ Vũ Anh Tuấn: Tiếp nối thành công của vệ tinh Pico Dragon, năm 2013 Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (nay là Trung tâm Vũ trụ Việt Nam) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã cử 3 khóa với tổng cộng 36 kỹ sư đến 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản tham gia khóa học thạc sỹ công nghệ vệ tinh, đồng thời, trực tiếp thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh Micro Dragon dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản.
Cùng với sự quyết tâm, nỗ lực không ngừng các cán bộ trung tâm, giai đoạn thiết kế và chế tạo ban đầu đã hoàn thành, chứng minh lộ trình làm chủ công nghệ vệ tinh của Việt Nam được hiện thực hóa một cách rõ nét.
Vệ tinh Micro Dragon, có kích thước 50x50x50 cm, khối lượng khoảng 50kg, là sản phẩm được Việt Nam thực hiện trong khuôn khổ Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam.
Sau khi phóng lên, ngoài nhiệm vụ quan sát vùng biển ven bờ, vệ tinh Micro Dragon còn phát hiện độ bao phủ của mây, tính chất của sol khí để phục vụ cho việc hiệu chỉnh khí quyển; sau đó chuyển các dữ liệu này một cách nhanh chóng tới các địa điểm cách xa nhau trên Trái Đất; thử nghiệm công nghệ vật liệu mới...
Micro Dragon là bước tiếp theo trong quá trình làm từng bước nắm bắt và làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo vệ tinh của Việt Nam. Trước đó, các kỹ sư của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam đã chế tạo thành công vệ tinh siêu nhỏ Pico Dragon (có kích thước 10x10x11,35 cm, khối lượng 1kg). Vệ tinh này được phóng lên quỹ đạo vào tháng 11-2013 và hoạt động thành công trên vũ trụ. Đây cũng là sản phẩm đầu tay của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam nhằm đo đạc thông số chụp ảnh vệ tinh, thông số môi trường vũ trụ.
- Việc phóng thành công vệ tinh Micro Dragon đã mở ra triển vọng gì trong bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, làm chủ không gian vũ trụ cũng như góp phần thực hiện chiến lược đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển?
Tiến sỹ Vũ Anh Tuân: Hiện nay, biến đổi khí hậu luôn được xem là vấn đề tác động quan trọng tới tiến trình phát triển bền vững của đất nước. Việc làm chủ được công nghệ chế tạo vệ tinh có ý nghĩa hết sức quan trọng trong quá trình phát triển đất nước.
Trước đây, công nghệ vệ tinh được sử dụng để cung cấp thông tin sớm nhất khi bão lũ xảy ra. Đến nay, vệ tinh còn được sử dụng để chụp các bức ảnh cung cấp thông tin nhanh nhất về tình trạng sạt lỡ đất ảnh hưởng đến đời sống của người dân ở các tỉnh miền núi.
Việc có vệ tinh riêng sẽ giúp Việt Nam sản xuất được các vệ tinh phục vụ nhiều mục đích khác nhau như không chỉ dừng lại ở các vệ tinh quan sát Trái Đất mà phục vụ cho việc cảnh báo thiên tai, thảm họa cũng như phòng chống biến đổi khí hậu; Việt Nam sẽ không bị phụ thuộc vào bên thứ ba khi sản xuất vệ tinh; việc chế tạo vệ tinh tại Việt Nam sẽ kéo các ngành công nghệ khác như vật liệu, cơ điện tử, tự động hóa... phát triển theo.
Trước đây, Việt Nam từng phóng lên vũ trụ Vinasat 1 (tháng 4-2008) và Vinasat 2 (phóng tháng 5-2012). Đây là hai vệ tinh viễn thông có nhiệm vụ phát, tiếp sóng.VNRedSat 1 (phóng tháng 5-2013) là vệ tinh quang học quan sát Trái Đất của Việt Nam, có nhiệm vụ giám sát thảm họa thiên nhiên, môi trường và tài nguyên của Việt Nam. Do đó, việc phóng vệ tinh này sẽ là tiền đề để thúc đẩy nhanh nhằm phục vụ dự báo thiên tai và ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế Việt Nam.
- Xin cảm ơn tiến sỹ.
Theo LÝ THANH HƯƠNG (TTXVN/VIETNAM+)