Võ cổ truyền phát triển rộng khắp

09/07/2025 - 06:37

 - Phong trào luyện tập võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ, thu hút đông đảo thanh, thiếu niên tham gia. Không dừng lại ở góc độ phong trào, môn võ truyền thống được xem là môn thể thao thế mạnh của An Giang, khi đóng góp nhiều thành tích tại các giải trong nước, khu vực và quốc tế…

Tập huấn chuyên môn cho các huấn luyện viên, trọng tài võ cổ truyền

Phát triển phong trào

Được thành lập năm 1990, Câu lạc bộ (CLB) võ cổ truyền Tây Sơn Xuân Bình (phường Long Xuyên) là “cái nôi” phát triển môn võ thuật truyền thống trong tỉnh. Hiện, CLB duy trì hoạt động thường xuyên vào các buổi chiều hàng ngày, với 100 võ sinh. Nhằm tạo điều kiện để các võ sinh được thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn, môn phái còn thường xuyên tổ chức hoạt động giao lưu, tham gia thi đấu tại giải đấu võ thuật cổ truyền trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, Giải võ cổ truyền tranh cúp Tây Sơn Xuân Bình được môn phái duy trì tổ chức hàng năm, giúp các CLB trong tỉnh đánh giá lại công tác huấn luyện, để có những điều chỉnh, cập nhật những kiến thức, kỹ thuật mới, góp phần duy trì và phát triển môn võ cổ truyền. “Bên cạnh dạy võ thuật rèn luyện sức khỏe, môn phái Tây Sơn Xuân Bình luôn chú trọng dạy cách ứng xử, đạo đức cho người học võ” - Võ sư Xuân Liễu (Trưởng tràng môn phái Tây Sơn Xuân Bình) chia sẻ.

Để đáp ứng nhu cầu tập luyện ngày càng cao, ngành thể thao thường xuyên tổ chức thi thăng cấp đai; tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng cho hướng dẫn viên, huấn luyện viên CLB võ cổ truyền. Bên cạnh chú trọng đổi mới, nâng cao phương pháp huấn luyện, giảng dạy chuyên môn, các CLB võ cổ truyền trong tỉnh tạo điều kiện cho vận động viên (VĐV) tập huấn, thi đấu giao hữu ở nhiều nơi, học hỏi kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ chuyên môn. Ngô Thanh Tuấn (ngụ xã Vĩnh An) cho biết: “Em tham gia tập luyện võ cổ truyền hơn 3 năm qua, tạo CLB gần nhà. Đến đây, em không chỉ tập luyện, nâng cao sức khỏe, mà còn học được đạo đức, nhất là đạo lý “Tôn sư, trọng đạo”. Em sẽ tiếp tục tập luyện để tiếp tục nâng cao trình độ võ thuật và phấn đấu đạt thành tích tốt hơn tại những giải mà em tham gia trong thời gian tới”.

Nâng cao thành tích cao

Công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV trẻ, năng khiếu được bộ môn quan tâm. Bên cạnh việc phát hiện các em có tố chất tại các giải thi đấu, bộ môn còn tích cực tìm kiếm những nhân tố mới thông qua các kỳ thi thăng đẳng của các CLB võ thuật ở địa phương. Đặc biệt, để xây dựng lực lượng kế thừa chất lượng, chiều sâu, ngoài việc có tố chất phù hợp, đáp ứng các tiêu chí về thể trạng, thể lực, các em phải vượt qua kỳ kiểm tra chuyên môn và phải thể hiện được ý chí và niềm đam mê với môn võ cổ truyền.

Hàng năm, ngành thể thao tỉnh phối hợp đơn vị, địa phương tổ chức giải trẻ, học sinh hay CLB cấp tỉnh, nhằm tạo điều kiện cho VĐV có cơ hội thi đấu tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ thuật. Đồng thời, còn là cơ hội tốt để bộ môn tuyển chọn nhân tố triển vọng bổ sung vào đội năng khiếu. Huấn luyện viên môn võ cổ truyền Phan Thanh Thuận cho biết: “Những giải trẻ hay giải CLB cấp tỉnh những năm gần đây đều có chất lượng chuyên môn cao, thể hiện sự tiến bộ rõ rệt, cả về kỹ thuật lẫn chiến thuật của các đơn vị tham gia. Đây là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự phát triển của môn võ cổ truyền. Qua đó, góp phần duy trì, phát triển môn võ cổ truyền cũng như tạo điều kiện để tuyển chọn các VĐV có tố chất, bổ sung cho tuyến năng khiếu tỉnh đào tạo”.

Hiện, bộ môn võ cổ truyền tỉnh duy trì tập luyện đều ở 3 tuyến, với lứa VĐV có tuổi đời còn trẻ, chuyên môn khá tốt. “Ngoài việc duy trì thế mạnh ở các hạng cân đối kháng nữ, bộ môn võ cổ truyền tỉnh đang tích cực đào tạo các VĐV đối kháng nam, đặc biệt là các nội dung quyền, nhằm hướng đến sự đa dạng các nội dung khi tham gia các giải toàn quốc, giúp bộ môn đạt nhiều thành tích cao” - huấn luyện viên môn võ cổ truyền Phan Thanh Thuận chia sẻ.

TRUNG HIẾU