Những ngày này, ai quan tâm đến võ thuật tỉnh nhà đều phấn khởi, bởi thành tích nổi bật của những võ sĩ An Giang đang tranh tài tại Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc lần VIII-2018. Những cái tên như: Nguyễn Thị Tuyết Mai, Nguyễn Thị Cẩm Nhi, Văng Hồng Phượng… đang thực sự làm cho những huấn luyện viên từng phát hiện, đào tạo họ cảm thấy tự hào. Với tên tuổi đã vươn tầm thế giới, Nguyễn Thị Tuyết Mai là tấm gương sáng cho rất nhiều vận động viên võ thuật trong nước. Tuy nhiên, để có được ngày hôm nay, Tuyết Mai đã có một quá trình dài “ăn ngủ” trên sân tập, đã đổ biết bao mồ hôi và cả máu để mang vinh dự về cho đất nước và tỉnh nhà.
Trở lại với góc độ phong trào, việc các địa phương nhân rộng những câu lạc bộ võ thuật đang là cách làm mang đến hiệu quả nhất định. Đó là bước “khởi đầu” trong việc phát hiện, đào tạo những vận động viên võ thuật chuyên nghiệp. Tùy vào điều kiện mà các địa phương hình thành thế mạnh võ thuật riêng cho mình. Có thế lấy ví dụ như Tri Tôn đang nỗ lực phát triển môn kick-boxing, TX. Tân Châu đang khẳng định bước tiến vững chắc của taekwondo hay Châu Phú đang dần mở rộng tầm ảnh hưởng của võ cổ truyền. Thực tế, ngành thể thao các địa phương nói trên đã có bước chuẩn bị lâu dài, nhằm tìm ra lứa vận động viên “chủ lực” để tranh tài ở các giải đấu cấp tỉnh.
Các vận động viên võ thuật chuyên nghiệp đều xuất phát từ lớp võ phong trào
Là đơn vị “đầu tàu” của võ thuật tỉnh nhà, TP. Long Xuyên dựa vào các lớp võ phong trào để tìm kiếm nguồn vận động viên. Đội trưởng đội Thể thao thành tích cao (Trung tâm Văn hóa - Thể thao TP. Long Xuyên) Bùi Thị Hồng Thủy cho biết: “Với điều kiện cơ sở vật chất thuận lợi cùng sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, phong trào võ thuật trên địa bàn phát triển rất mạnh. Hiện tại, chúng tôi đang quản lý 12 câu lạc bộ võ thuật với các môn: vovinam, taekwondo, võ cổ truyền, pencak silat. Ngoài ra, phong trào tập luyện karatedo khởi sắc khoảng 2 năm nay. Ở kỳ Đại hội Thể dục - Thể thao tỉnh vừa qua, chúng tôi đã giành được 79 huy chương vàng ở các môn võ, vượt chỉ tiêu đề ra 19 huy chương vàng”.
Theo bà Hồng Thủy, không cần đến thể thao thành tích cao mà việc đào tạo một vận động viên võ thuật thi đấu ở các giải phong trào đòi hỏi rất nhiều công sức. Thông thường, các vận động viên đó phải gắn bó với võ thuật ít nhất 2 năm mới có đủ tố chất tập luyện nâng cao và thi đấu hiệu quả. Do đó, mỗi kỳ đại hội thể dục - thể thao tỉnh cách nhau 4 năm, nhưng công tác chuẩn bị để huấn luyện vận động viên võ thuật phải bắt đầu ngay sau khi kết thúc đại hội. Như vậy, khoảng thời gian 4 năm thực tế chỉ “vừa đủ” để định hình một lứa vận động viên võ thuật chất lượng.
Anh Nguyễn Trần Hữu Cảnh (huấn luyện viên võ thuật tại huyện Tri Tôn) chia sẻ: “Hiện tại, chúng tôi tập trung phát hiện, đào tạo các vận động viên trẻ của địa phương, đa số các em đều là học sinh cấp THCS nên có thể nâng cao trình độ võ thuật trong tương lai. Mặt khác, chúng tôi vừa đào tạo những vận động viên chuyên về một bộ môn võ và cả những cá nhân có thể thi đấu nhiều môn võ khác nhau. Như vậy, sẽ giúp các em phát triển toàn diện kỹ thuật thi đấu. Tại Đại hội Thể dục - Thể thao tỉnh năm 2018, chúng tôi đạt hạng nhì toàn đoàn ở môn kick-boxing với 6 huy chương vàng, 6 huy chương bạc và 6 huy chương đồng sau quá trình chuẩn bị… 2 năm”.
Thực tế cho thấy, để có được những vận động viên chất lượng, các địa phương phải “đãi cát tìm vàng” từ những lớp võ thuật phong trào. Đó là quá trình gian nan, vất vả, đòi hỏi sự chuyên tâm của ngành chuyên môn. Vì thế, hãy tự hào vì những điều võ thuật An Giang đã làm được và trân trọng hơn đối với những vận động viên, những người làm công tác huấn luyện bởi họ đã đổ bao tâm huyết mới có được “quả ngọt” như hôm nay.
MINH QUÂN