Vốn đầu tư công khoảng 10 - 11% GDP giai đoạn 2017 - 2020

16/01/2018 - 19:52

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 nhằm chuyển đổi và hình thành cơ cấu đầu tư hợp lý, nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội của đầu tư công và chất lượng thể chế quản lý đầu tư công; thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu.

Phấn đấu hàng năm giải ngân vốn đầu tư công trên 90%

Mục tiêu của Đề án là tổ chức thực hiện hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công; phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hàng năm trên 90%; tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công trong tất cả các khâu của quy trình quản lý đầu tư công, nâng cao hiệu quả và tính bền vững của đầu tư công.

Giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước bình quân đạt khoảng 10 - 11% GDP

Đồng thời, xác định rõ vai trò và định hướng đầu tư công theo nguồn vốn và các ngành, lĩnh vực giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025. Tỷ trọng vốn đầu tư nhà nước bình quân đạt khoảng 10 - 11% GDP; tiếp tục đẩy mạnh thu hút tối đa, quản lý và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển theo hướng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, mở rộng các hình thức đầu tư.

Tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt

Theo đó, cơ cấu lại đầu tư công giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2025 tập trung vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, các công trình, dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng và tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức đối tác công tư (PPP) và bảo đảm phát triển hài hòa giữa các vùng, lãnh thổ.

Cụ thể, về định hướng đầu tư công theo nguồn vốn, đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và vốn từ nguồn thu để lại nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước thì tập trung bố trí vốn để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, các dự án trọng điểm có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, có tính kết nối và lan tỏa vùng, miền; tiếp tục ưu tiên các nguồn vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các vùng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ và các vùng khó khăn khác; không bố trí vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước vào các lĩnh vực, dự án mà các thành phần kinh tế khác có thể đầu tư.

Quán triệt nguyên tắc ưu tiên bố trí, sử dụng vốn ngân sách nhà nước như là vốn mồi để khai thác tối đa các nguồn vốn của các thành phần kinh tế khác; tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án có sức lan tỏa rộng và tác động lớn tới phát triển kinh tế; các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục…

Thu hút vốn khu vực tư nhân theo hình thức PPP

Đối với nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, ưu tiên đầu tư hỗ trợ thực hiện các dự án xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội lớn, quan trọng, thiết yếu; phát triển nông nghiệp và nông thôn; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường hiện đại, phù hợp với thông lệ quốc tế và đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng...

Đối với nguồn vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước thì tập trung đầu tư cho các dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp của các thành phần kinh tế.

Đối với nguồn vốn đầu tư của doanh nghiệp nhà nước thì tập trung đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ, đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn đầu tư ngoài ngành; bảo đảm đầu tư có hiệu quả, giữ vai trò chủ đạo góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế khác đầu tư phát triển.

Tạo đột phá thu hút nguồn vốn khu vực tư nhân trong và ngoài nước theo hình thức PPP để tập trung đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng, đặc biệt đối với các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa rộng, tác động lớn tới phát triển kinh tế và các dự án hạ tầng xã hội phục vụ cộng đồng dân sinh thuộc ngành y tế, giáo dục…

Đẩy mạnh xã hội hóa các dịch vụ công

Để đạt được các mục tiêu, Đề án đã đưa ra các nhóm giải pháp thực hiện ngay từ nay đến năm 2020 là khẩn trương rà soát, sửa đổi, những quy định của pháp luật về đầu tư công còn vướng mắc trong quá trình thực hiện, đặc biệt tại Luật Đầu tư công và các Nghị định hướng dẫn thi hành; nghiêm túc triển khai thực hiện các quy định pháp luật về đầu tư công.

Thực hiện cơ cấu lại đầu tư công gắn chặt chẽ với cơ cấu lại ngân sách nhà nước và nợ công, quyết liệt thực hiện chủ trương giảm tỷ trọng đầu tư nhà nước, tăng tỷ trọng đầu tư của các thành phần kinh tế khác; đa dạng hóa các hình thức, kênh đầu tư và mô hình hợp tác nhằm huy động hiệu quả các nguồn vốn ngoài Nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội.

Mở rộng tối đa phạm vi và cơ hội cho đầu tư tư nhân, nhất là tư nhân trong nước; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư tư nhân tham gia phát triển hạ tầng, phát triển các ngành, các sản phẩm có lợi thế, có tiềm năng phát triển và các vùng kinh tế động lực, một số ngành nghề trong lĩnh vực xã hội, xử lý môi trường bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững; đẩy mạnh thực hiện chủ trương xã hội hóa đối với các dịch vụ công; tăng cường quản lý đầu tư công.../.

Theo Báo Chính Phủ